Phạt hay không phạt: Rối như canh hẹ!

Vẫn sẽ xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ phương tiện và đội mũ bảo hiểm không đủ 3 lớp.

Hơn 1 tuần qua, người dân rối bời với những thông tin liên tục được đưa ra của cơ quan chức năng liên quan đến việc xử phạt hay không xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện và đội mũ bảo hiểm (MBH) dỏm.

Phạt xe không chính chủ từ ngày 15/4

Đại tá Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Công an), cho biết theo Thông tư 11/2013, từ ngày 15/4, CSGT sẽ không chặn xe giữa đường để kiểm tra, xử phạt đối với lỗi không sang tên, đổi chủ phương tiện mà chỉ thực hiện kiểm tra thông qua quá trình điều tra các vụ tai nạn, vụ án hình sự, phương tiện bị tạm giữ, thông qua công tác đăng ký, cấp biển số…

Theo Nghị định 71/2012 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, lỗi không sang tên đổi chủ phương tiện bị phạt từ 6-10 triệu đồng với ô tô và 800.000-1,2 triệu đồng đối với xe máy. Khi nghị định thay thế Nghị định 71 có hiệu lực thì thông tư 11 mới vô hiệu.

Việc xử phạt vi phạm hành chính theo Thông tư 11 được căn cứ từ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Từ ngày 1/7 tới, pháp lệnh này hết hiệu lực để thay thế bằng Luật Xử lý vi phạm hành chính thì đương nhiên Thông tư 11 cũng hết hiệu lực. Như vậy có nghĩa là trong thời gian từ ngày 15/4 đến hết ngày 30/6, lực lượng CSGT sẽ tiến hành xem xét xử phạt đối với lỗi không sang tên đổi chủ phương tiện. Trường hợp dễ bị xem xét xử phạt nhất là khi người dân điều khiển phương tiện trên đường vi phạm các lỗi đến mức bị lập biên bản tạm giữ, giam xe. Ngoài ra, việc không xuất trình được giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe... cũng có thể bị tạm giữ phương tiện.

Phạt hay không phạt: Rối như canh hẹ! - 1

Bộ Công an khẳng định sẽ xử phạt xe không sang tên, đổi chủ và đội mũ bảo hiểm dỏm

Nếu Chính phủ tiếp tục đồng ý xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ phương tiện và đưa vào nghị định mới thay thế Nghị định 71 (dự kiến ban hành từ ngày 1/7) thì người dân không có khoảng thời gian nào để đi đăng ký phương tiện. Theo báo cáo của Cục CSGT Đường bộ, đường sắt (C67 - Bộ Công an), số “xe không chính chủ” hiện rất nhiều bởi trước đây xuất hiện một số quy định bất hợp lý như “mỗi người chỉ được đăng ký sở hữu một phương tiện” ở Hà Nội và TPHCM; có giai đoạn Hà Nội không cho đăng ký xe tại 4 quận nội thành; mức lệ phí trước bạ tại TPHCM, Hà Nội cao gấp nhiều lần so với địa phương khác... Để có phương tiện đi lại, tiết kiệm chi phí, nhiều người dân nhờ người thân đứng tên đăng ký hộ.

Mũ không đủ 3 lớp: Phạt

TS Lê Hồng Sơn, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết đơn vị chủ trì soạn thảo Thông tư 06/2013 về sản xuất kinh doanh, sử dụng MBH là Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Bộ Khoa học - Công nghệ phải sửa lại nội dung trong thông tư này theo hướng bỏ bớt các tiêu chuẩn về MBH mới phù hợp với thể thức văn bản.

Theo đó, thông tư mới phải phù hợp với Nghị định 71 về xử phạt giao thông với lỗi không đội MBH hoặc đội mũ không cài quai đúng quy cách. Khái niệm MBH theo quy chuẩn được phê duyệt trước đây chỉ gồm tiêu chí có đủ 3 lớp (vỏ mũ, đệm bảo vệ, quai đeo) và có dán tem chứng nhận bảo đảm tiêu chuẩn. Hiện Thông tư 06 chưa có giá trị pháp lý và sẽ phải sửa đổi nội dung nên sẽ không thể kịp có hiệu lực từ ngày 15/4 như dự kiến. Tuy nhiên, khi thông tư có hiệu lực, lực lượng CSGT có thể phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, khoa học - công nghệ ra quân kiểm tra, nhắc nhở những người đội MBH không đạt tiêu chuẩn.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết trong thời gian 3 tháng ra quân cao điểm sắp tới sẽ chủ yếu tuyên truyền cho người dân hiểu tác dụng của MBH đạt chuẩn và xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất, buôn bán MBH không có giấy phép và không đạt tiêu chuẩn. “Sau này, người đội những chiếc mũ chỉ có 1-2 lớp, đã ghi rõ ràng dòng chữ “mũ dành cho người đi xe đạp”, loại giống mũ lưỡi trai khi điều khiển phương tiện thì chắc chắn bị xử phạt về hành vi không đội MBH” - ông Hiệp nói.

Nghiên cứu xử lý MBH nhái

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, trước đây Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh MBH vào danh mục “có điều kiện” nhưng sau đó Chính phủ đã không đồng ý. Chính vì thế lực lượng chức năng không thể cấm được các nhà sản xuất làm ra những chiếc mũ có hình dáng giống MBH, ghi dòng chữ “chỉ dành cho người đi xe đạp”. “Điều đó gây khó cho cả lực lượng quản lý thị trường khi muốn tịch thu, xử lý. Vấn đề này chắc chắn thời gian tới sẽ được chúng tôi nghiên cứu lại để có hướng xử lý”- ông Hiệp nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Kha (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN