Ông trời làm cá chết trắng sông Chà Và?
Theo đánh giá ban đầu của cơ quan chuyên môn, cá chết là do lượng nước trên bờ đổ xuống làm giảm độ mặn của nước sông, cộng với các nguồn ô nhiễm do nước mưa cuốn theo khiến cá thiếu ôxy
Ngày 29-8, Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã có báo cáo nhanh về tình hình cá nuôi lồng bè chết bất thường trên sông Chà Và.
Cá bớp chết trắng lồng trên sông Chà Và
Theo người dân trong nhiều ngày qua cá nuôi lồng bè trên tiểu khu 4, tiểu khu 8, khu vực nuôi lồng bè xã Long Sơn (TP Vũng Tàu) có hiện tượng chết nhiều từ khoảng 20-80%, cá biệt có hộ cá chết 100%. Ngoài 2 tiểu khu trên thì tình trạng cá chết cũng xảy ra ở một số khu vực khác nhưng với số lượng ít hơn.
Tại thời điểm trên, người dân cho biết nguồn nước có mùi hôi, tanh, cá có dấu hiệu bỏ ăn, nổi đầu và chết nhiều, chủ yếu vẫn là cá bớp và cá chim. Tính đến ngày 26-8, có 8 hộ nuôi trên sông Chà Và có cá chết.
Theo thống kê sơ bộ của cán bộ chuyên môn, khoảng 35.000 con cá chim (cỡ 0,3-0,4kg/con) và khoảng 5.000 cá bớp (từ 300g đến 7kg/con) bị chết. Riêng trường hợp của hộ ông Huỳnh Văn Sa (tiểu khu 8) thiệt hại 17.00 con cá chim (gần như 100%), hộ ông Nguyễn Văn Đại thiệt hại 10.000 cá chim.
Cơ quan chuyên môn đã ước tính thiệt hại ban đầu của riêng ngày 26-8 vào khoảng 3,5 tỉ đồng.
Người nuôi cá thẫn thờ nhìn cá chết không rõ nguyên nhân
Nhận được tin báo, Chi cục Thú y đã thành lập đoàn kiểm tra đồng thời lấy mẫu cá chết để xét nghiệm. Kết quả cho thấy hầu hết các mẫu cá không có hiện tượng xuất huyết bên trong, các bộ phận nội tạng của cá không có dấu hiệu của bệnh tích, cá bỏ ăn, bao tử rỗng, mang có hiện tượng tổn thương nhẹ do thiếu ôxy.
Đoàn công tác lấy 3 mẫu nước, 3 mẫu cá tại bè thuộc các tiểu khu khác nhau để gửi cơ quan xét nghiệm, phân tích tìm nguyên nhân gây cá chết.
Theo nhận định ban đầu của cơ quan chuyên môn, cứ theo chu kỳ từ tháng 8 đến tháng 9 hằng năm, kèm theo hiện tượng mưa nhiều, nguồn nước mưa từ trên bờ đổ dồn xuống làm cho độ mặn của vùng nước giảm đột ngột gây sốc cá làm cá bỏ ăn, cộng với các nguồn ô nhiễm khác do nước mưa cuốn theo làm nguồn nước bị thiếu ôxy cục bộ dẫn đến cá tuột nhớt và chết nhanh.
Ông Huỳnh Văn Sa buộc phải đổ hàng nghìn con cá chim bị chết
Chi cục Thú y khuyến cáo người nuôi cá nên tăng cường sục khí để tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong nước cho cá, nhất là vào thời điểm con nước đứng. Đặc biệt chú ý vào lúc nửa đêm về sáng vì thời điểm này hàm lượng oxy trong nước giảm thấp nhất trong ngày.
Các hộ nuôi cá nên thường xuyên vệ sinh sạch sẽ lưới các lồng nuôi để tăng cường sự trao đổi nước, giúp lồng thông thoáng hơn. Người dân cũng nên thu gom xác cá xử lý theo quy định, không vứt xác cá chết nổi trôi trên sông để tránh ảnh hưởng đến các hộ khác.
Chi cục Thú y cũng đề nghị Sở NN&PTNN đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giám sát nguồn nước khu vực trên để kịp thời chỉ đạo. Các hộ dân nếu phát hiện trường hợp nguồn nước ô nhiễm, cá chết nhanh thì cần báo ngay cho chính quyền địa phương để được hướng dẫn.
Trong khi đó, theo ông Trịnh Văn Năm (một hộ nuôi cá tại khu vực 8) cho biết đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua 8.000 cá bớp giống, 10.000 cá chim giống nuôi đến nay cũng đã gần tới vụ thu hoạch nhưng chỉ trong một tuần thì số cá chết đã 50 %.
“Theo quan sát của tôi thì trước khi cá chết, nước sông có những cục váng li ti nổi lên, sau đó cá thi nhau bỏ ăn, ngoi lên mặt nước để thở, rồi lừ đừ nằm trắng bụng và chết”, ông Năm thông tin.
Để hạn chế tình trạng trên, ông Năm đã huy động người sục ôxy xuống các lồng còn cá, tuy nhiên cách làm trên cũng không khả thi khi cá vẫn tiếp tục chết.
Như đã thông tin, ngày 26-8, một số hộ dân nuôi cá lồng bè tại khu vực 8, sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phản ánh về việc hàng nghìn con cá chim, cá bớp chết không rõ nguyên nhân. Tình trạng trên đã xảy ra từ nhiều ngày qua, tới nay trong số các hộ có cá chết thì số lượng chết đã hơn một nửa, có hộ dân gần như trắng tay.
Số cá bớp, cá chim sau khi chết được người dân nuôi cá vớt vào thùng và mang đi đổ tại các bãi bồi giữa sông. Cho tới nay tình trạng cá chết vẫn xảy ra.