Ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam: Tiếp nối quá khứ, mở ra tương lai

Sự kiện: Thời sự

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam lần này được kỳ vọng đưa quan hệ Việt - Trung lên tầm cao mới.

Theo thông cáo của Ban Đối ngoại Trung ương Việt Nam (VN), Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình và phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước đến VN từ hôm nay (12-12) đến 13-12 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cao nhất TQ tới VN sau Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản TQ và là lần thứ ba nhà lãnh đạo này thăm VN. Chuyến thăm của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình diễn ra trong thời điểm hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chụp ảnh với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân tại Bắc Kinh vào tháng 10-2023. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chụp ảnh với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân tại Bắc Kinh vào tháng 10-2023. Ảnh: TTXVN

Chuyến thăm của “tình đồng chí, anh em”

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã (TQ) cho rằng đây là “hành trình tiếp nối quá khứ và mở ra tương lai” nhằm củng cố niềm tin chính trị giữa hai nước, cũng như thúc đẩy hợp tác cùng có lợi. Chuyến thăm sẽ “thắt chặt mối quan hệ giữa nhân dân hai nước, tạo động lực mạnh mẽ để mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ song phương”.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Tăng Nghị, Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng chuyến công du của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình là sự đáp lại của loạt chuyến thăm của lãnh đạo VN đến TQ trong hai năm qua, đặc biệt là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2022.

“Kể từ khi đại dịch COVID-19 kết thúc, ông Tập Cận Bình rất ít công du nước ngoài. Trong năm 2023 thì đây là chuyến công du nước ngoài thứ hai mà không kết hợp dự một hội nghị đa phương nào. Có thể thấy rằng TQ và bản thân ông Tập Cận Bình rất xem trọng mối quan hệ với VN” - TS Nguyễn Tăng Nghị nhận định.

Ông Nghị nhấn mạnh đây là “chuyến thăm của tình đồng chí, anh em” nhằm mục đích “cụ thể hóa, bổ sung và nâng cấp về nội hàm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện VN - TQ” nhân kỷ niệm 15 năm hai nước thiết lập quan hệ này.

Cùng ý kiến, GS Carlyle Alan Thayer tại ĐH New South Wales (Úc) đánh giá chuyến thăm của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình cho thấy quan hệ Việt - Trung đã được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực và có thể được kết lại với “một tuyên bố chung dài, nêu chi tiết về các lĩnh vực hợp tác và các sáng kiến mới”, một số thỏa thuận và biên bản ghi nhớ giữa hai Đảng và chính phủ, phù hợp với lợi ích chung của TQ và VN.

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình sẽ đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Dù quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện là mức cao nhất trong quan hệ ngoại giao của VN với các đối tác quốc tế nhưng VN và TQ vẫn mong muốn quan hệ hai nước tiếp tục đi vào chiều sâu, tạo ra những sự đột phá, khác biệt trong quan hệ so với quan hệ với các đối tác hợp tác chiến lược toàn diện khác gồm Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ.

TS NGUYỄN TĂNG NGHỊ, Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Quan hệ lên tầm cao mới, khai mở nhiều tiềm năng

Trả lời báo chí về chuyến thăm của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ lưu ý đến ba điểm mà hai bên đều rất kỳ vọng vào sự kiện này. Thứ nhất là kỳ vọng về một “định vị mới”, “tầm mức mới” của quan hệ song phương. Thứ hai là kỳ vọng về những kết quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực. Thứ ba là kỳ vọng về hiệu ứng lan tỏa của chuyến thăm đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, duy trì và phát triển các mối quan hệ sẵn có, góp phần vào sự phát triển của quan hệ song phương.

Theo TS Nguyễn Tăng Nghị, sau chuyến thăm của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, khi quan hệ hai nước ở “định vị mới”, “tầm mức mới” thì hợp tác song phương khả năng sẽ được thúc đẩy hơn, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng (nhất là đường sắt), năng lượng xanh, công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Nhiều khả năng TQ sẽ dành ưu tiên đầu tư vào VN và VN cần sẵn sàng năng lực đón nhận làn sóng này.

Đồng quan điểm, GS Thayer nhận định cụ thể rằng “sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, quỹ đạo của quan hệ song phương sẽ tập trung vào phát triển hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, chuỗi cung ứng, nền kinh tế kỹ thuật số và khả năng tiếp cận thị trường của cả hai bên”.

Vấn đề hợp tác hai bên cũng được truyền thông TQ lưu ý đề cập. Theo tờ China Daily, sẽ có nhiều tiềm năng trong việc thiết lập một hệ thống chuỗi cung ứng và sản xuất ổn định giữa hai nước bằng cách thúc đẩy kết nối và phát huy tối đa lợi thế gần gũi về mặt địa lý, lợi thế công nghiệp bổ sung cho nhau của hai nước. Chuyến thăm của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình sẽ giúp tăng cường hơn nữa sự liên kết giữa các dự án, sáng kiến và chiến lược phát triển của hai nước.•

Nguồn: [Link nguồn]

3 kỳ vọng lớn về chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Sẽ có thể có một số lượng lớn văn kiện trên nhiều lĩnh vực được ký kết trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo ĐỨC HIỀN - THẢO VY ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN