“Ông già Biển Hồ” với những câu chuyện “canh miệng hà bá”
Mặc dù tuổi cao sức yếu, con cái thành đạt nhưng ông Quách Trọng Hoan, với cái tên thân mật “ông già Biển Hồ” lại bỏ phố thị nhộn nhịp để sống cuộc đời ẩn dật. Ngày ngày ông làm sạch môi trường và cứu giúp những người nghĩ quẩn quyên sinh.
“Ông già Biển Hồ” đã ra tay cứu được 7 mạng người và vớt 84 xác người tử vong dưới biển hồ. Ảnh: Đức Huy
Lời thề trở về làm việc thiện sau chiến tranh
Dưới cơn mưa rả rích của một buổi chiều tà, chúng tôi tìm về ngôi nhà nhỏ ẩn nấp sau những rặng tre của ông Quách Trọng Hoan (trú tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai), người vẫn được người dân địa phương gọi với cái tên đầy thân mật “ông già Biển Hồ”. Mặc dù năm nay đã 78 tuổi, nhưng nhìn ông Hoan vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Với chiếc áo bà ba màu trắng đục, kiểu của những người tu hành cùng với chiếc quần dài màu đen mờ, ông nở nụ cười hiền đon đả mời khách vào nhà. “Các con ngồi chơi, còn nếu muốn có thể đi tham quan vườn nhà để đợi già nấu ấm nước uống cho ấm bụng nhé”, ông Hoan hiền hậu nói.
Sau khi thắp nén nhang tưởng nhớ những người đã khuất, ông mời chúng tôi lên nhà ngồi trò chuyện quanh chiếc bàn nhựa đã cũ. Rót nước mời khách, ông kể cho chúng tôi nghe về kí ức xưa cũ của mình.
Vào năm 1965, như những thanh niên trai tráng ở làng, chàng thanh niên Quách Trọng Hoan lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian đóng quân, năm 1968, đơn vị của ông tiến quân về TP Pleiku thì bất ngờ trúng phục kích của quân địch. Do bị thương nặng, không thể đi lại được nên ông Hoan được đồng đội cõng đi tìm nơi chữa trị.
Khi đến khu vực Biển Hồ, thấy bức tượng Phật cao vút, ông Hoan nhờ 2 đồng đội để mình xuống đây rồi cầu nguyện và lập lời thề nếu vẫn còn sống sót sau chiến tranh thì sẽ trở về đây làm việc từ thiện giúp người, giúp đời. Sau đó, ông được chuyển về Viện Quân y 5 ở Ninh Bình điều trị. Vết thương bình phục, ông được cử đi học tại trường đoàn của tỉnh Hà Nam Ninh (cũ), rồi đi học Đại học Kinh tế kế hoạch. “Mỗi lần nhắc đến kỉ niệm xưa, tôi không kìm được nước mắt. Nhớ những ngày bị trôi bè qua Campuchia, nhớ những lần được đồng đội giang tay cứu giúp, nếu không có họ, có lẽ tôi không có được ngày hôm nay”, ông Hoan rưng rưng nước mắt nói.
Thời điểm hoàn thành khóa học tại trường cũng là lúc chiến tranh kết thúc, ông Hoan lập gia đình rồi được phân công vào miền Nam công tác. Năm 1978, ông Hoan đưa cả gia đình vào Gia Lai công tác tại Ban kinh tế mới định canh, định cư.
Sau một thời gian dài công tác, người đàn ông này vẫn đau đáu nhớ về lời thề ngày xưa nên đã xin nghỉ việc, từ bỏ phố phường đông đúc để lên khu vực Biển Hồ dựng ngôi chòi nhỏ “ở ẩn”.
Cứu 7 mạng người, vớt 84 xác người chết
Kể từ ngày sinh sống trên Biển hồ, ông Hoan rời xa gia đình ấm êm, nhà cao cửa rộng rồi một mình cặm cụi nhặt nhạnh rác thải, xác động vật để làm trong lành và đẹp hơn môi trường sống của mọi người. Không những thế, ông gom góp tiền để mua một chiếc thuyền nhằm cứu những người tìm cách quyên sinh hoặc tai nạn đuối nước ở đây.
Đưa ánh mắt về phía xa, với gương mặt đượm buồn, ông Hoan nhớ lại sáng một ngày của năm 2001. Khi đó, ông đang làm việc tại khu vực cầu treo gần nơi ở thì thấy một chiếc thuyền đang đưa hơn chục học sinh đi tham quan khu vực Biển Hồ. Học sinh trên thuyền khá đông, nhưng lại không hề có thiết bị cứu hộ, ngoài trời thì sắp mưa giông. Thấy vậy, ông liền khuyên mọi người ngừng chuyến tham quan, lên bờ tìm nơi trú ngụ.
Những tưởng mọi người nghe lời khuyên trở về nhà thì khoảng nửa tiếng sau, một em học sinh đã chạy về và báo với ông tin dữ rằng, chiếc thuyền đã bị đắm, những người trên thuyền đang chới với giữa dòng nước xoáy. Trước tình huống cấp bách, ông Hoan bỏ hết công việc, vội vàng chạy tới hiện trường với hy vọng cứu sống được các nạn nhân. Nhưng khi ra tới nơi, tất cả đã quá trễ, cố gắng vật lộn với dòng nước, ông chỉ cứu được một học sinh, 6 cháu may mắn bơi được vào bờ, còn 6 cháu khác đã ra đi mãi mãi.
Day dứt vì đã không cứu được hết các nạn nhân nên năm đó, ông Hoan đã xây Đền Vạn Linh để khói hương cho những số phận bị đuối nước thương tâm.
Một kí ức của năm 2012 vẫn còn hiện hữu mãi trong đầu người đàn ông này. Năm đó có một cô gái khoảng 22 tuổi nghĩ quẩn, gieo mình xuống Biển Hồ. Do không có người thân tới nhận xác, ông Hoan lại tự mình chôn cất nạn nhân rồi thờ cúng như người thân.
Theo ước tính của ông Hoan, tới thời điểm hiện tại, ông đã cứu sống được 7 mạng người ra khỏi “miệng Hà Bá”. Bên cạnh đó, ông còn chuyên vớt xác người đuối nước, tính đến nay con số đó đã là 84. “Tôi cứu người theo tâm nguyện và lời thề trước đây của mình nên chẳng hy vọng ai báo đáp. Có những người quay về cảm ơn, có những người chẳng bao giờ trở lại nhưng tôi không quan trọng việc đó. Bản thân tôi cũng mong những người ấy đừng quay lại đây, mà hãy sống thật tốt để quên đi quá khứ đau buồn, làm lại cuộc đời mình. Tôi hy vọng đừng ai nghĩ quẩn nữa mà hãy sống tốt và làm việc thiện giúp đỡ người khác. Như vậy là tôi cảm thấy yên lòng rồi”, ông Hoan nói trong tâm trạng xúc động.
Mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng khi 4 người con của ông ngỏ lời đón ông đưa về chăm sóc, phụng dưỡng tuổi già thì ông Hoan lắc đầu từ chối. Với ông, căn nhà nhỏ nơi Biển Hồ từ lâu đã trở thành một nơi thân thương để ông làm những việc hướng thiện, giúp ích cho đời.
Năm 2011, ông Quách Ngọc Hoan vinh dự được nhận giải thưởng Kova do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình ký tặng. Đây là một giải thưởng lớn tôn vinh những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội có những việc làm nhân văn, cao thượng, qua đó, nhằm nhân rộng hơn nữa các nghĩa cử này, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp. |
Ngoài nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự đoạn qua cầu Bến Thủy đến thị xã Hồng Lĩnh, thì các chiến sỹ Trạm công...