Cuộc đời lão ngư 40 năm "cướp cơm Hà Bá"

Nói đến lão ngư nghèo Ba Chúc, người dân sống lân cận cầu Bình Lợi (TP.HCM), không ai không biết. Họ biết đến ông không phải vì cái nghề chài lưới mưu sinh hàng ngày, mà nhờ công việc thiện nguyện quanh thầm lặng vớt xác cứu người.

Không quản tính mạng, chính bàn tay ông đã đưa không biết bao nhiêu người trở về từ cõi chết. Hơn 40 năm cũng là chừng ấy thời gian, lão ngư nghèo thăng trầm theo từng con nước lớn, nước ròng với nghề đánh cá và thầm lặng vớt xác những người xấu số và những người chết đuối.

Duyên nợ với người… "chán sống"

Cơn mưa tầm tã buổi giao mùa khiến xóm chài nghèo của những người dân cư ngụ làm nghề chài lưới trên sông Sài Gòn thêm hiu quạnh. Bao năm qua, dường như không có đổi thay gì ở những con người được ví như là "vô sản" này, dẫu trên bờ nơi cách họ chỉ một mạn cầu, đã bao "vật đổi sao dời".

Mùa mưa đến, với lão ngư nghèo Ba Chúc lại thêm 4 tháng chông chênh, bao nỗi lo cơm áo. Khi chúng tôi í ới hỏi thăm, ông đang mình trần lúi húi dùng nhựa trát lại chỗ be thuyền thấm nước vì quá mục, nhằm đối phó với nước lũ. Chiếc thuyền xấp xỉ tuổi gia chủ vừa là phương tiện mưu sinh, cũng là mái che "gói" cả gia đình ông qua bao mùa mưa nắng. Tiếp chúng tôi trên "căn nhà" của mình, lão ngư Ba Chúc cho biết, tên khai sinh đầy đủ là Nguyễn Văn Chúc (57 tuổi), nguyên quán tại Vĩnh Phúc. Sinh ra trong một gia đình nghèo, năm 8 tuổi, Ba Chúc theo cha là cụ Nguyễn Văn Thư vào Nam mưu sinh bằng nghề chài lưới. Tính đến nay, ông đã có thâm niên hơn 40 năm ngụp lặn trên con sông này.

Cuộc đời lão ngư 40 năm "cướp cơm Hà Bá" - 1

Ông Chúc trong lần vớt thi thể của một người phụ nữ hôm 29/4/2013 (Ảnh: Q. Huy).

"Vì hoàn cảnh nghèo, lại làm chài lưới nay đây mai đó, nên tôi không được học hành", lão ngư tâm sự. Thời gian cứ thế trôi đi, Ba Chúc chật vật lớn lên trên sông theo từng mùa mưa nắng. Năm 20 tuổi, nhờ cha mẹ mai mối, chàng trai nghèo bén duyên với cô gái Nguyễn Thị Hinh (SN 1959) cũng thuộc dân "cư ngụ".

Sau đám cưới, ông được gia đình hai bên "hồi môn" cho một chiếc xuồng tam bản để ra ở riêng. Đôi vợ chồng trẻ hàng ngày lênh đênh, nay đây mai đó trên từng khúc sông, con rạch mưu sinh, rồi những đứa trẻ lần lượt ra đời cũng trên chiếc thuyền này. Khi những đứa con đông dần cũng là lúc chiếc xuồng trở nên hẹp lại, cuộc sống nghèo khó nhưng bao nhiêu tình thương, đôi vợ chồng đều dành hết cho các con. Có những đêm sợ con cái giật mình rơi sông, ông bà lại phân nhau mỗi người nằm một đầu canh chừng giấc ngủ. Đến nay, thì các con ông cũng đã lớn, phiêu bạt khắp nơi mưu sinh, riêng vợ chồng ông vẫn trụ lại trên khúc sông này.

Cuộc mưu sinh vất vả, cái ăn chưa đủ no, nhưng ít ai biết hơn 40 năm qua, ông âm thầm làm công việc thiện nguyện không vì tư lợi đó là vớt xác cứu người. Ông bảo công việc ấy là "dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn", đó là mệnh lệnh của lương tâm, là đạo lý làm người sống trên đời. Năm nào cũng có người sẩy chân đuối nước, người vỡ nợ, chán đời hay thất tình tự tử, nếu thấy thì ông hết mình cứu, còn không ông cũng tự nguyện làm thợ lặn vớt xác từ đáy sông lên bờ. Cái duyên nợ ấy, ông kể lại một cách vô tư: "Ngày nhỏ, tôi gan lì nhất nhà, không sợ lên rừng xuống sông, chẳng ngại vất vả. Lúc vào Nam theo cha đi đánh lưới, một ngày nọ thấy cha vớt được người chết đuối, hình ảnh đau thương ấy đã ám ảnh mạnh mẽ, thôi thúc tôi lớn lên làm việc thiện". Đó cũng là "kỷ niệm" đầu đời của hành trình cứu người, vớt xác trên sông của ông Ba Chúc cho đến nay.

Những ký ức cứu người đầy day dứt

Mong ước xa vời

Lão ngư Ba Chúc cho biết, ông có tất cả 5 người con gái nhưng không ai thoát khỏi "vòng kim cô" của cái nghèo. Các cô thứ 2, thứ 4 và thứ 5 đều đi làm ô sin cho các gia đình trên bờ, người con cả theo chồng xuôi thuyền về làm chài lưới ở Củ Chi. Riêng người con thứ 3 là khá nhất vì lấy được chồng làm nghề phu hồ cho các công trình xây dựng. Người cháu ngoại hiện ông đang cưu mang cũng chưa thực hiện được ước mơ lên bờ. Ông Ba Chúc buồn bã cho biết, có lẽ tương lai ông cũng sẽ truyền nghề lại cho đứa cháu đại diện cho thế hệ thứ 3 này.

Nhắc về chuyện này, lão ngư Ba Chúc không thể quên vụ cứu một bà lão 70 tuổi thoát chết trong gang tấc. Một buổi chiều nọ, khi màn đêm buông đặc quánh trên mặt sông, đang ăn cơm tối, thì ông chợt nghe tiếng la thất thanh từ phía cầu Bình Lợi vọng lại. Biết có người đuối nước, ông thả vội bát cơm rồi mở neo nổ máy lao chiếc ghe về phía cầu thì phát hiện có người đang chới với dưới làn nước lạnh. Ông vội lao xuống vớt người gặp nạn lên thuyền. Đó là một bà già tóc bạc, sau hồi sơ cứu thì bà cụ choàng tỉnh rồi òa lên khóc ngất: "Sao không để tôi chết? Cứu tôi làm gì? Tôi không muốn sống trên đời này rồi".

Vợ chồng lão ngư gặng hỏi thì mới biết chuyện, bà cụ tìm đến cái chết cũng vì lũ con bất hiếu. Sự thể được ông Ba Chúc kể lại, trước khi quyết định quyên sinh, bà lão là người khá giả, có địa vị xã hội. Để an tâm tuổi già, một hôm bà viết di chúc giao hết tài sản cho các con. Tuy nhiên khi của nả được chia năm xẻ bảy, thì đứa nào cũng đùn đẩy trách nhiệm nuôi mẹ già, buộc bà phải vào trại dưỡng lão. Buồn đời, buồn vì con cái bạc đãi nên cụ tìm đến cầu Bình Lợi để tự vẫn. "Giàu có làm gì để rồi mang tội bất hiếu, thà nghèo khó rau cháo mà đùm bọc yêu thương nhau còn gấp ngàn vạn lần", lão ngư nói như đúc kết.

Cuộc đời lão ngư 40 năm "cướp cơm Hà Bá" - 2

Chiếc ghe còn lại cũng là "căn nhà" hiện tại để vợ chồng ông và đứa cháu ngoại tá túc. (Ảnh: Q. Huy).

Chưa hết, cách đây 3 năm trong một lần đi thả lưới buổi sáng gần cầu Bình Lợi, ông chợt thấy "thi thể" một phụ nữ khoảng 35 tuổi đang quấn vào một chùm dừa trôi lềnh bềnh giữa sông. Theo quán tính, ông cho chiếc ghe lại gần để vớt, nhưng trong lúc cầm tay định kéo xác lên thì ông giật mình vì bỗng nhiên có "thêm" một tay khác chụp ngược lại, ông hoảng hốt nhìn kỹ thì thấy người phụ nữ này vẫn còn sống. Ông vội vàng đưa người phụ nữ lên ghe để cứu chữa, lúc tỉnh lại người phụ nữ chán sống mới kể, vì làm ăn thua lỗ nặng cùng đường nên phải tự vẫn. Nhưng khi nhảy xuống, phần do kịp "tỉnh táo" suy nghĩ lại, phần "sợ" nước nên mới bám vào chùm dừa làm phao trôi, cho tới khi được ông Ba Chúc cứu.

Trường hợp khá hi hữu khác được ông Ba Chúc cứu sống là một cô gái trạc tuổi đôi mươi. Cô này có chồng đang sống ở nước ngoài, ở nhà với cha mẹ chồng và mở tiệm nail tại Q.10 (TP.HCM). Do ở vào độ tuổi còn xuân sắc lại thiếu sự quan tâm của người chồng, nên cô gái này đã trót "ăn vụng" với một người đàn ông khác. Khi có thai, gã đàn ông kia hiện nguyên hình là một tên sở khanh, "quất ngựa truy phong" bỏ mặc người tình bơ vơ với cái thai ngày càng lớn. Lo sợ mọi người biết, cô đã gieo mình xuống sông tự kết liễu cuộc đời. Hay mới đây nhất vào lúc 16h ngày 29/4, nhiều người dân lưu thông qua lại trên cầu Bình Lợi tri hô có một xác người chết đang nổi gần cầu. Nghe vậy, ông Chúc vội vã cho ghe nổ máy chạy đến, di chuyển nạn nhân vào bờ và gọi điện thoại cho cơ quan công an sở tại đến làm thủ tục điều tra. Đã hàng chục năm nay, ông cũng không nhớ hết những việc mình đã làm. Chỉ biết, cuốn "sổ tử" lưu ngày tháng, đặc điểm người chết được ông ghi dày đặc với hy vọng sau này có thể cung cấp cho thân nhân tìm đến.

Thời gian gần đây, do tuổi già sức yếu vợ ông mắc phải chứng bệnh tiểu đường, nên một mình ông phải gánh vác tất cả. Mọi công việc từ giặt giũ, cơm nước, chăm sóc vợ bệnh, chăm cháu nhỏ… ông đều làm tất. Nhưng ngày ngày, lão ngư nghèo vẫn đều đặn thả lưới bắt tôm cá bán kiếm gạo. Lúc mưa gió thì neo ghe cho vợ coi, ông lên bờ làm mướn để thêm đồng chi tiêu sinh hoạt hàng ngày.

Nheo ánh mắt nhìn ra mặt sông, giọng lão ngư trầm buồn: "Nhiều năm trở lại đây, nước ô nhiễm nặng khiến nguồn thủy sản đang cạn kiệt nghiêm trọng. Tôm cá không những hiếm mà còn nhỏ đi, còi cọc không thể bán được giá như cá người ta nuôi ao đầm. Cuộc sống chật vật thiếu thốn là vậy, nhưng tôi vẫn nặng lòng với khúc sông này lắm, cán bộ rồi người dân khuyên lên bờ hoài nhưng lên rồi lấy nhà đâu ở (?)". Ông lão nghèo buông lời bằng một câu hỏi, nhưng có lẽ trong thâm tâm ông đang nghĩ, khi đi rồi nếu có người đuối nước người ta biết kêu ai. Nói như ông lão ví von, người ta hạnh phúc được nhà cao cửa rộng tài sản đề huề, còn ông hạnh phúc nhất là được thả hồn trên sông mỗi khi chiều về và làm công việc phải đạo là cứu người vớt xác như bao năm ông vẫn làm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Huy (Gia đình và xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN