Nước mắt "bông hồng thép"

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Không nao núng trước gian khổ huấn luyện, không chùn bước trước hiểm nguy song những "bóng hồng" quân y bệnh viện dã chiến lại rơi nước mắt khi nhắc về những đứa con nhỏ.

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2 (BVDC2.2) tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc đang được huấn luyện để sẵn sàng thay thế bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tại Phái bộ Liên Hiệp Quốc Nam Sudan vào tháng 10-2019 tới. 70 cán bộ, nhân viên (trong đó có 10 nữ) thuộc BVDC2.2 là những quân nhân ưu tú, nòng cốt được lựa chọn từ Học viện Quân y, Tổng cục Hậu cần, Quân khu 2, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Cục Quân y.

Vào điểm nóng

Trong 70 cán bộ, nhân viên này, nữ quân nhân trẻ tuổi nhất là đại úy Cao Thùy Dung - điều dưỡng viên sinh năm 1985.

Cô gái quê ở huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội đã có 8 năm làm việc tại Khoa Hồi sức Viện Bỏng quốc gia (Học viện Quân y). Nhận quyết định tham gia BVDC2.2, Thùy Dung cảm thấy tự hào song cũng biết đây là nhiệm vụ lớn, vai trò rất nặng nề. Bởi Nam Sudan thời tiết rất khắc nghiệt, hiện tại nhiệt độ có lúc lên tới 70 độ C. Đất nước này cũng là điểm nóng đang diễn ra bạo động. Do sắp bước chân vào điểm nóng nên các quân nhân được trang bị các kiến thức, kỹ năng của sĩ quan tham mưu, thông tin liên lạc, kiến thức sinh tồn…

Nước mắt "bông hồng thép" - 1

Cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 diễn tập các tình huống giả định trong quá trình huấn luyện (Ảnh do Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cung cấp)

Để hoàn thành nhiệm vụ trong môi trường quốc tế, đại úy Cao Thùy Dung cùng đồng đội đều xác định nhiệm vụ đầu tiên là học tốt ngoại ngữ bởi "không có ngoại ngữ thì không làm được gì cả". Là một điều dưỡng viên với trình độ trung cấp, tiếng Anh không phải là sở trường với Thùy Dung nhưng cô đã cố gắng học hỏi. Sau 1 năm huấn luyện, vừa qua, cô đã thi IELTS được 7.0, đó thực sự là một nỗ lực lớn.

Nhiệm vụ quan trọng thứ hai là tiếp tục hoàn thiện, nâng cao kỹ năng chuyên môn theo quy trình của Liên Hiệp Quốc. "Chúng tôi cần cập nhật tất cả kiến thức, quy trình theo chuẩn quốc tế, hoàn toàn khác với những gì chúng tôi học tại trường. Bên cạnh đó, phải cập nhật tất cả phương tiện của Liên Hiệp Quốc mà chúng tôi chưa từng biết đến. Chuyên môn của tôi là hồi sức cấp cứu nhưng mỗi nhân viên khi đã tham gia BVDC thì đều phải thông thạo tất cả các kiến thức, kỹ năng đa khoa; phải làm tất cả nhiệm vụ, sẵn sàng khả năng ứng phó nhanh nhất khi sự cố cấp độ thảm họa xảy đến…" - nữ điều dưỡng nói về quá trình huấn luyện.

Dù là người trẻ tuổi nhất của BVDC2.2 song đại úy Cao Thùy Dung tâm sự thể lực của cô cũng đã bắt đầu giảm sút. Nhiều nữ cán bộ, nhân viên trong

BVDC2.2 đều ở tuổi trên 40 nên xác định phải nâng cao thể lực. Môi trường làm việc tại Nam Sudan rất khắc nghiệt, luôn đối mặt với nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm. Nếu sức khỏe không tốt, họ không thể hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc cán bộ, nhân viên Liên Hiệp Quốc.

Nước mắt "bông hồng thép" - 2

Đại úy Cao Thùy Dung - Ảnh: Dương Ngọc

"Mẹ không phải lo lắng cho chúng con"

Mười nữ quân nhân trong BVDC2.2 mỗi người một hoàn cảnh. Họ đều rất cố gắng vì ngoài việc thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, ở nhà họ còn là người vợ, người mẹ. Dù gánh rất nhiều trọng trách nhưng khi đã nhận nhiệm vụ thì phải cân bằng giữa việc nhà, việc nước.

Chồng của Thùy Dung cũng công tác trong quân đội, công việc rất bận rộn. Hai con còn bé, cháu lớn học lớp 2, cháu bé mới 5 tuổi. Khi nhận nhiệm vụ ở đất nước xa xôi, đầy nguy hiểm, cô đã tâm sự với các con. Người mẹ trẻ không khỏi tự hào, xúc động vì các con đã bắt đầu có ý thức trách nhiệm của mình, biết tự giác học tập và làm việc nhà giúp đỡ bố mẹ. Hai bên gia đình cũng giúp đỡ, tạo điều kiện cho vợ chồng cô rất nhiều.

"Bố mẹ tôi luôn nói: "Các con cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, bố mẹ sẽ ở nhà cố gắng giúp đỡ các con". Tôi cũng rất cảm động khi 2 con đến việc phơi quần áo cũng nói với tôi rằng: "Mẹ ơi, mẹ hướng dẫn con. Nếu mẹ không có nhà, bố đi làm thì ai làm hả mẹ?". Hai anh em tự bảo nhau dắt nhau đi học. Cháu lớn dù mới học lớp 2 mà đi học về đã biết đón em để mẹ yên tâm, không phải lo lắng cho con" - cô xúc động chia sẻ.

Đại úy Thùy Dung cho biết các con rất tự hào khi mẹ mình là quân nhân, lại đứng trong hàng ngũ lực lượng gìn giữ hòa bình. Bé lớn còn vào mạng tìm hiểu Nam Sudan là đất nước như thế nào.

Cô đã rơm rớm nước mắt khi con nhìn những hình ảnh chiến tranh, hỏi mẹ làm việc trong khu vực như thế này thì mẹ có sợ không. "Tôi đã nói với con rằng nếu mẹ sợ thì mẹ không phải là người lính, cho nên các con cũng phải tự hào về mẹ, giúp đỡ bố mẹ và các con đã hiểu. Tôi rất tự hào về gia đình của mình" - Thùy Dung tâm sự.

Nước mắt "bông hồng thép" - 3

Đại úy Cao Thùy Dung (bìa phải) và đồng đội tại Lễ ra mắt và khai mạc huấn luyện tiền triển khai bệnh viện cấp dã chiến cấp 2 số 2 - Ảnh: Dương Ngọc

Cô "em út" trong BVDC2.2 cho biết 10 chị em trong đơn vị luôn chia sẻ với gia đình để gia đình hiểu công việc của họ hơn. Các nữ quân nhân trong BVDC2.2 luôn phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ với nhau để vừa bảo đảm việc nhà vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, sẵn sàng thay thế BVDC2.1 tại Bentiu, Nam Sudan.

Vào điểm nóng, bên cạnh nhiệm vụ khám chữa bệnh, các nữ nhân viên thường xuyên giao tiếp với các nhân viên của Liên Hiệp Quốc đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, với người dân bản địa trong khi văn hóa của xứ bạn khác văn hóa Việt Nam. "Chúng tôi luôn tâm niệm làm thế nào để giữ được bản sắc của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là giữ được bản sắc của phụ nữ quân đội với 8 chữ vàng: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang" - Thùy Dung chia sẻ.

Nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên đi gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc

Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga, người phụ nữ Hà Nội sinh năm 1981, đã trở thành nữ quân nhân đầu tiên của Việt Nam tham...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Ngọc ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN