'Bàn tay' của nữ Cục trưởng Cục Lãnh sự trong vụ chuyến bay giải cứu

Cựu cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan bị cáo buộc đã "can thiệp" vào kế hoạch lựa chọn doanh nghiệp tham gia tổ chức chuyến bay giải cứu trước khi trình lãnh đạo Bộ Ngoại giao phê duyệt.

Thủ đoạn móc ngoặc với hai cựu thứ trưởng

Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án "chuyến bay giải cứu". Trong số 54 bị can bị truy tố bởi 5 nhóm tội danh khác nhau có hai cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao là ông Tô Anh Dũng và Vũ Hồng Nam cùng bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.

Đối với ông Tô Anh Dũng, kết luận điều tra xác định khi còn giữ chức thứ trưởng, phụ trách Cục Lãnh sự, ông Dũng có nhiệm vụ chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch tổ chức chuyến bay theo đề xuất của Cục Lãnh sự. Ở giai đoạn Văn phòng Chính phủ tiếp nhận hồ sơ, tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ xét duyệt cấp phép chuyến bay, bị can Tô Anh Dũng có nhiệm vụ ký đề xuất gửi Thủ tướng xin ý kiến chỉ đạo trên cơ sở ý kiến thống nhất của Tổ công tác 5 Bộ

Biết được vai trò của ông Dũng, từ tháng 5/2020 - 1/2022, 13 cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tìm cách móc nối, đặt vấn đề để Tô Anh Dũng giải quyết các thủ tục liên quan đến cấp phép chuyến bay theo thẩm quyền.

Trong các lần gặp đầu tiên, ông Dũng đồng ý với đại diện 13 doanh nghiệp về việc sẽ hỗ trợ, chỉ đạo cán bộ cấp dưới tại Cục Lãnh sự làm thủ tục, giúp các doanh nghiệp xin được cấp phép bay, tổ chức chuyến bay Combo.

Mặc dù bị can Tô Anh Dũng và đại diện 13 doanh nghiệp không thỏa thuận về số tiền "lại quả”, song hai bên đều hiểu việc doanh nghiệp được tham gia tổ chức chuyến bay sẽ có lợi nhuận, đại diện doanh nghiệp sẽ chi tiền "cảm ơn" và thực tế bị can Tô Anh Dũng đã nhiều lần nhận hơn 21,5 tỷ đồng.

Còn bị can Vũ Hồng Nam, từ năm 2018, được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Nhật Bản. Trong thời điểm diễn ra đại dịch COVID-19, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật tổ chức 57 chuyến bay giải cứu. Tuy nhiên, số lượng công dân Việt Nam có nhu cầu đăng ký về nước rất lớn, do vậy bị can Nam nhiều lần gửi công điện đề nghị Chính phủ tăng cường các chuyến bay hoặc chuyến bay do công dân tự trả phí.

Biết được việc này, tháng 10/2020, bị can Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Nhật Minh, đã liên hệ với ông Nam, nhờ giúp cho doanh nghiệp của Nghĩa được bán vé máy bay và đưa công dân về cách ly tại khách sạn ở tỉnh Khánh Hòa. Ông Nam sau đó ký các Công điện gửi về UBND tỉnh Khánh Hòa, Thanh Hóa, Thái Nguyên, xin cách ly cho công dân và gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19, Bộ Y tế, Cục Lãnh sự... xin phê duyệt chuyến bay do Đại sứ quán tổ chức.

Sau khi Cục Lãnh sự thông báo chuyến bay được cấp phép, Vũ Hồng Nam giao cho Công ty Nhật Minh thực hiện 6 chuyến, đưa khoảng 1.490 công dân từ Nhật về, giúp doanh nghiệp này thu lợi 18 tỷ đồng. Đổi lại, bị can Lê Văn Nghĩa hai lần hối lộ ông Nam hơn 1,8 tỷ đồng.

Hai cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng và Vũ Hồng Nam

Hai cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng và Vũ Hồng Nam

Cựu cục trưởng can thiệp các chuyến bay giải cứu

Cũng tại Bộ Ngoại giao, cơ quan điều tra quy kết bị can Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự, theo chức năng nhiệm vụ chỉ cần phân công thuộc cấp của mình trực tiếp giải quyết hồ sơ đăng ký tham gia các chuyến bay combo của doanh nghiệp mà không cần gặp mặt trao đổi. Song trên thực tế, tất cả kế hoạch lựa chọn doanh nghiệp tham gia tổ chức chuyến bay combo do Phòng Bảo hộ công dân dự thảo đều phải xin ý kiến chỉ đạo của Hương Lan trước khi trình lãnh đạo Bộ Ngoại giao phê duyệt.

Ngoài ra, bà Lan còn can thiệp sâu vào kế hoạch tổ chức các chuyến bay combo cho các doanh nghiệp theo từng tuần/tháng cũng như chỉ đạo, đốc thúc cán bộ dưới quyền và các đơn vị có liên quan đối với việc phát hành văn bản phê duyệt, cấp phép bay cho các doanh nghiệp nhanh hơn...

Biết được vai trò của Hương Lan, từ tháng 5/2020 - 1/2022, có 8 cá nhân đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ hơn 25 tỷ đồng cho Lan để được xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến cấp phép chuyến bay.

Cựu Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan.

Cựu Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan.

Ngoài 3 cựu lãnh đạo cao cấp của Bộ Ngoại giao nêu trên, cơ quan điều tra còn cáo buộc các bị can: Đỗ Hoàng Tùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, nhận hối lộ hơn 12,2 tỷ đồng; Lê Tuấn Anh, nguyên Chánh văn phòng Cục Lãnh sự, nhận hơn 1,7 tỷ đồng; Lưu Tuấn Dũng, nguyên Phó Trưởng phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự, nhận hơn 500 triệu đồng; Nguyễn Hồng Hà, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản), nhận hơn 2 tỷ đồng; Vũ Ngọc Minh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Angola, nhận 864 triệu đồng; Lý Tiến Hùng, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, nhận hơn 437 triệu đồng; Trần Việt Thái, nguyên Đại sứ và các bị can Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh, Đặng Minh Phương, là nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, được xác định hưởng lợi bất chính, gây thiệt hại về tài sản hơn 11,6 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số tiền nhóm cựu cán bộ thuộc Bộ Ngoại giao nhận hối lộ, hưởng lợi bất chính lên đến hơn 77 tỷ đồng.

Quá trình điều tra còn làm rõ việc phó giám đốc Sở Ngoại vụ của một tỉnh đã đưa số tiền 50 triệu đồng cho bị can Lưu Tuấn Dũng vào tháng 12/2021. Tuy nhiên đấy là tiền để chúc Tết Cục Lãnh sự, và cơ quan điều tra không có căn cứ xác định việc trao đổi, thỏa thuận để xin cấp phép chuyến bay combo, nên CQĐT không có căn cứ xử lý hình sự hành vi này.

Nguồn: [Link nguồn]

Vụ ”chuyến bay giải cứu”: Thu hàng trăm lượng vàng, hàng trăm ngàn USD trong nhà các bị can

Trong quá trình điều tra vụ "chuyến bay giải cứu", Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thu giữ 146 lượng vàng (hơn 5,4 kg), 670.000 USD, một tỉ đồng, cùng nhiều tang vật...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng An - Minh Đức ([Tên nguồn])
Vụ án "chuyến bay giải cứu" Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN