Nơi "tử thần" cướp mạng hàng loạt trẻ em
Sự thiếu trách nhiệm của các đơn vị thi công đã khiến hàng chục trẻ em phải bỏ mạng oan ức, nhiều gia đình trong phút chốc phải lìa xa tất cả các con…
Vụ việc bé trai Trần Bảo Nguyên (1 tuổi, Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) chết đuối dưới hố ga vào chiều 13/7 đã làm dấy lên những lo ngại về sự an toàn tính mạng của các em nhỏ khi vui chơi gần các công trình xây dựng.
Hố ga nơi người dân tìm thấy thi thể bé Nguyên. Ảnh. Anh Tuấn
Số liệu thống kê sơ bộ cũng cho thấy, trong vòng hơn 1 năm qua, đã có trên 20 trẻ em tử vong dưới các hố công trình, trong đó chỉ tính riêng tại Hà Nội đã có tới 10 trường hợp.
4 cháu bé “bỏ mạng” giữa đường
Đây được xem là vụ tai nạn hố công trình thương tâm nhất từ trước tới nay. 4 em nhỏ là 2 cặp anh em ruột của 2 gia đình.
Vào chiều 14/8/2011, 4 em nhỏ gồm Nghiêm Văn Hưng (11 tuổi), Nghiêm Văn Huy (8 tuổi), Ngô Văn Hưng (12 tuổi) và Ngô Văn Hùng (7 tuổi), tất cả đều trú tại xóm 2, thôn Phú Đô, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội rủ nhau đi chơi.
Gần tối, bố mẹ không thấy các con về nên hô hào đi tìm. Đến 21h cùng ngày, sau hơn 5 tiếng tìm kiếm không có kết quả, gia đình đã báo lên chính quyền địa phương cùng phát thanh xã hỗ trợ.
Khu vực xảy ra tai nạn không hề có biển cấm hay cảnh báo nguy hiểm (Ảnh: Dân trí)
Đến 22h30, người dân tỏa ra cánh đồng nơi các công trường đang thi công thì phát hiện nhiều đôi dép để ở trên bờ. Sau khoảng hơn nửa tiếng mò mẫm dưới các hố nước công trường quanh đó, người dân đã vớt được xác của 4 em nhỏ lên bờ.
Điều đáng nói, hố nước nơi xảy ra tai nạn chỉ cách phòng bảo vệ công trình 20m, là lòng đường Quốc lộ 48 nối liền đường Mễ Trì và Đại lộ Thăng Long. Sau cơn mưa lớn, khu vực thi công bị ngập sâu trong nước gần 2m. Nguy hiểm là vậy, song chỉ sau khi vụ tai nạn xảy ra, đơn vị thi công mới cho lập hàng rào và biển báo nguy hiểm.
3 em nhỏ chết đuối tại hố công trường
Khoảng 12h30 ngày 2/10/2011, tại một hố nước trong khu vực công trường xây dựng cầu đường hầm thuộc tuyến Quốc lộ 2, đoạn qua thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội xảy ra vụ tai nạn khiến 3 em nhỏ thiệt mạng.
Các nạn nhân bao gồm: Cháu Đỗ Thị Thu Hòa (11 tuổi), Đỗ Thị Hiền (11 tuổi) và Đỗ Thị Thu Phương (10 tuổi), đều trú tại thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân.
Thông tin ban đầu, trưa 2/10, 3 cháu nhỏ trên cùng nhau đi chơi. Khi thấy một hố nước gần công trình, các cháu đã rủ nhau xuống tắm, dẫn tới bị chết đuối.
Chết đuối ngay trong sân trường
Sáng 17/3, do lọt chân xuống hố nước công trình trong khu vực xây dựng Trường đại học Quốc gia Hà Nội, 2 cháu bé Lê Quân Anh và Đỗ Công Vinh, cùng 5 tuổi, học sinh trường mầm non Thạch Hòa (Thạch Thất, Hà Nội) đã tử vong.
Hiện trường cái chết thương tâm của hai cháu bé là rãnh thoát nước sâu khoảng 1,6m, nằm gần khu điều hành của Trường đại học Quốc gia. Được biết, khu vực này đã được khởi công xây dựng một năm nay, hiện bị bỏ hoang và không có biển cấm, biển cảnh báo nguy hiểm…
Trước đó vào tháng 8/2011, bé Nguyễn Gia Huy (6 tuổi, trú phường Phú Hài, TP.Phan Thiết, Bình Thuận) cũng bị chết đuối ngay tại hố nước công trình rộng hơn 1m trong sân trường do đơn vị thi công để lại.
Đi bắt ốc, 3 chị em chết thảm
Về quê chơi, trong lúc mang xô đi bắt ốc, 3 cháu bé không may lọt xuống hố nước công trình thiệt mạng.
Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 16h ngày 22/6 tại hố nước của công trình bơm cát xây dựng khu dân cư ấp Đông Khánh, xã Tân Khánh Đông (thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp).
Hố nước nơi 3 em nhỏ thiệt mạng (Ảnh: Công an nhân dân)
3 cháu bé được xác định là Nguyễn Minh Huỳnh Như (8 tuổi), Nguyễn Minh Đạt (6 tuổi, em ruột Như) và em họ Đinh Lý Thu Trâm (7 tuổi) - cùng ngụ tại khóm 1, phường 1, thị xã Sa Đéc.
Công an địa phương cho biết vào chiều 22/6, 3 em nhỏ nói trên cùng với bé Đinh Hùng Cường (em trai Trâm) rủ nhau ra hố cát công trình san lấp mò cua, bắt ốc. Đúng lúc đó, cát bị lún, 3 em Như, Đạt, Trâm bị kéo xuống nước. Bé Cường ở trên bờ thấy vậy vội chạy về báo tin. Khi người dân chạy đến thì cả 3 bé đã tử vong.
Được biết công trình nói trên ở xa khu dân cư. Trong quá trình san lấp, đơn vị thi công không hề dựng rào chắn hay đặt biển báo hiệu nguy hiểm.
Lọt hố ga, 2 bé trai thiệt mạng
17h ngày 11/8/2011, tại phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến 2 cháu bé là Hoàng Quyết Thắng, 4 tuổi và Đinh Mạnh Hùng, 7 tuổi đều ở phường Tiên Cát bị chết đuối.
Người dân cho biết trong lúc mải chơi, 2 cháu bé đã bị trượt chân ngã xuống một hố ga không nắp trong Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh.
Tại hiện trường, một thợ xây dựng cho biết, hố ga có chiều sâu khoảng 4,7m, rộng 4m đang trong thời gian được hoàn thiện. Do hố sâu, cộng với mưa nhiều khiến nước ở hố ga lên cao, khi 2 cháu ngã xuống vì không biết bơi nên đều chết đuối.
Đây chỉ là số ít trong nhiều trường hợp trẻ em tử vong do sự sơ xuất, thiếu trách nhiệm của các đơn vi thi công. Song sau mỗi vụ việc, các đơn vị này thường đổ lỗi cho yếu tố khách quan, do quản lý lỏng lẻo của gia đình mà ít khi thừa nhận lỗi và xin lỗi.
Các trường hợp tử vong thường rơi vào các bé dưới 11 tuổi và không biết bơi. Tuy nhiên theo các chuyên gia, trong độ tuổi này, cách hữu hiệu để phòng tai nạn đuối nước cho trẻ là phải dạy trẻ học cách phòng chống chết đuối thay vì học bơi.
Trong đó nhà trường sẽ đóng vai trò quan trọng, vì các bé có tới quá 3/4 thời gian học tập tại trường. Những điều cần dạy chỉ là giúp các em nhận biết, phát hiện, phòng tránh môi trường sông nước nguy hiểm ở nơi sinh sống và học tập, giúp các em học cách ứng xử, rút kinh nghiệm và biết phân biệt những gì nên làm và không nên làm.