Những trợ thủ đắc lực của “cò” việc làm

Bằng cách nhờ cò gửi giúp một bộ hồ sơ xin việc, theo chân “cò”, chúng tôi phát hiện ra những trợ thủ giúp “cò” hoạt động trong nhiều năm qua.

Tạm trú “khống” và cái vỏ “bảo lãnh”

Ngay khi thấy tôi mang bộ hồ sơ từ cổng Cty Pou Yuen đi ra, “cò” Dũng liền vẫy tay, chộp ngay hồ sơ của tôi xem qua loa rồi phán tôi cần bổ sung những giấy tờ nào. Tôi ngỏ ý: “Em mới học hết lớp 12 mà muốn làm văn phòng, việc nhẹ thì có được không?”.

Dũng “ừ” ngay và ra dấu 4 ngón tay: “4 “xị”, cưng sẽ có việc như ý, mọi chuyện để anh lo”. Tôi tỏ vẻ e ngại: “Em mới chỉ học hết 12, không có bằng cấp, từ trước tới nay chỉ làm công nhân may, giờ xin làm văn phòng, việc nhẹ có đảm bảo được không?”.

Dũng cười khà khà: “Đã nói là đảm bảo, toàn là chỗ thân quen, đưa em vào làm chỗ nào chả được. Việc bây giờ là em phải có giấy tạm trú, hạnh kiểm cá nhân, phô tô công chứng giấy tờ...”. Dũng liệt kê một loạt rồi định giá: “400 ngàn, không bớt. Đảm bảo có việc”.

Những trợ thủ đắc lực của “cò” việc làm - 1

Dũng nhận giấy xác nhận tạm trú tại khu phố 9, phường Tân Tạo. Ảnh: Đăng Hải

Để làm giấy tạm trú, Dũng yêu cầu 300 ngàn tiền phí. Tôi thắc mắc rằng tôi không ở đây sao có giấy tạm trú được. Dũng phẩy tay: “Có người lo hết. Công an với anh là chỗ thân tình, biết không?”. Ngay lúc đó, Dũng bấm điện thoại gọi ngay: “Mày còn ở đó không? Tao mang qua cái nữa, với 2 cái hồi sáng là 3 đó nhé”.

Tôi theo Dũng đến Ban điều hành khu phố 9, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân. Nhận hồ sơ là một người mặc bộ đồng phục của đội bảo vệ dân phố. Đến trưa 13/10, tại Ban điều hành khu phố 9, P.Tân Tạo, một người đi xe máy BKS 54-N3 0175 (qua tìm hiểu được biết người này tên Hiếu -bảo vệ dân phố) đưa cho Dũng các giấy tạm trú đã được CA P.Tân Tạo cấp.

Theo những gì ghi trên giấy tạm trú mà Dũng đưa cho tôi thì hiện tôi đang ở tại nhà bà Lý Thị Ngọc Điệp, kế số 1171 đường quốc lộ 1A, tổ 80, KP9, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, giấy tạm trú do trung tá Nguyễn Văn Bền ký. Cùng ngày xin giấy tạm trú với tôi còn có 2 người khác, cả 3 người được “ở” vào một số địa chỉ nhà trọ của khu phố 9, P.Tân Tạo.

Sau khi hoàn tất hồ sơ, Dũng hẹn sáng thứ 7 sẽ đưa đi gặp “người bảo lãnh”. Theo lời Dũng thì “người bảo lãnh” tên Tuyết, được giới thiệu với chức vụ là “Trưởng khoa Adidas” nên tôi cứ an tâm, sẽ được vào bộ phận kiểm kê, vừa nhàn lại vừa có lương cao.

11 giờ, Dũng băng băng chạy vào khu A, KCN Pou Yuen, khi bị bảo vệ hỏi Dũng phớt lờ, rồ ga chạy mà chẳng ai giữ lại. Hơn 12 giờ trưa, người phụ nữ tên Tuyết xuất hiện. Sau khi nhận hồ sơ, Tuyết nhanh chóng vào lại Cty nhưng không quên dặn dò: “Có gì thì liên lạc với anh Dũng nhé!”. Ngày 15.10, Dũng gọi điện cho chúng tôi báo là đã có giấy hẹn, ngày 16.10 lên phỏng vấn nhận việc. Ngày đi phỏng vấn, Dũng dặn dò: “Vào đó cứ nói là được cô Tuyết, khu G3 bảo lãnh là được”.

Theo giấy bảo lãnh thì Tuyết “Trưởng khoa Adidas” tên đầy đủ Trần Thị Ánh Tuyết, thuộc xưởng G3 A5, bộ phận phẩm quản A5.

“Cò” qua mặt cả công an?

Sáng 16/10, tại CA P.Tân Tạo, làm việc với chúng tôi, trung tá Nguyễn Văn Bền - người ký giấy xác nhận tạm trú cho PV - cho biết: Để một người được ký giấy xác nhận tạm trú thì người đó phải có đăng ký vào sổ theo dõi tạm trú của chủ nhà trọ, có đăng ký vào sổ đăng ký tạm trú KH12, sổ này được CA phường giữ.

Thủ tục, quy trình là vậy nhưng khi chúng tôi đưa ra giấy tạm trú mà CA P.Tân Tạo cấp cho PV và đề nghị kiểm tra 2 sổ trên thì cả 2 cuốn sổ đều không có tại trụ sở CA phường. Một lúc sau Hiếu -bảo vệ dân phố - mới mang sổ đến. Khi kiểm tra cả 2 cuốn sổ đều không có tên PV trong bất kỳ cuốn sổ tạm trú nào. Như vậy giấy chứng nhận tạm trú của PV đã được cấp ra sao?

Trả lời thắc mắc của chúng tôi, trung tá Nguyễn Văn Bền cho biết, khi ký giấy xác nhận tạm trú chỉ nhìn vào chữ ký nháy của cấp dưới là cảnh sát khu vực Trần Tuấn Phương mà không kiểm tra kỹ thông tin đăng ký trong 2 cuốn sổ đăng ký tạm trú và theo dõi tạm trú. Chúng tôi đặt vấn đề tiếp: “Vậy cảnh sát khu vực dựa vào đâu để ký nháy rồi tham mưu cho cấp trên ký xác nhận tạm trú, trong khi cả 2 cuốn sổ đều không có tên người xin xác nhận tạm trú?”.

Cảnh sát khu vực Trần Tuấn Phương trả lời rằng: “Vì tin tưởng anh em, khi họ nhờ ký giấy để bổ sung hồ sơ xin việc nên ký rồi trình lên lãnh đạo mà không kiểm tra kỹ(!?). Như vậy, “cò” Dũng đã dễ dàng lợi dụng “lòng tin anh em” của CA P.Tân Tạo để trục lợi với chi phí ít nhất là 300 ngàn cho một lần “chạy” giấy tạm trú mà CA P.Tân Tạo không hề biết?

Trong khi đó hồ sơ xin việc không có giấy tạm trú thì sẽ bị loại ngay đã tạo điều kiện cho “cò” dụ con mồi. Ông Trần Vĩnh Hòa - Trưởng phòng Nhân sự, Tổng Cty Pou Yuen - cho biết: Giấy xác nhận tạm trú để Cty dễ quản lý người.

Tuy nhiên, không nhất thiết khi nộp hồ sơ là phải có ngay, người lao động có thể bổ sung sau 10 ngày. Trường hợp chủ nhà trọ không đăng ký tạm trú cho người lao động thì người lao động có thể báo lên công đoàn để công đoàn Cty báo về phường, quận có cách giải quyết cho người lao động.

Về việc các “cò” khẳng định chắc chắn rằng có bằng cấp là được làm văn phòng, lương khoảng 5 triệu/tháng, lớn tuổi thì được xin làm nhân viên vệ sinh như nhổ cổ nhưng phải chi cho cò 800 ngàn. Ông Hòa khẳng định, đảm bảo có việc làm là có thể đúng vì chỉ cần hồ sơ đầy đủ giấy tờ, khi đã có giấy hẹn phỏng vấn thì họ sẽ được Cty nhận vào làm công nhân. Không ai tuyển vào làm văn phòng, ngay cả vị trí nhổ cổ, hiện tại Cty cũng không tuyển. Lương 5 triệu tháng thì càng không có, vì nhân viên văn phòng với điều kiện biết tiếng Hoa thì lương cũng chỉ có 3,2 triệu/tháng, không biết tiếng Hoa chỉ hơn 2 triệu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Tuyết - Đăng Hải (Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN