Những tay trộm chó liều lĩnh, manh động

Khi xe tải của các chủ buôn ở làng Sơn Đông (Thanh Hóa) xuôi Nam cũng là lúc nạn trộm chó ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Đồng Nai trở nên rầm rộ. Đêm đêm, tiếng chó sủa ngày càng thưa thớt, thay vào đó là tiếng nẹt pô của “cẩu tặc”.

Thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn là một trong những điểm nóng về nạn trộm chó ở Bình Định. “Trước đây, khi mờ sáng, chúng tôi đi tập thể dục thì nghe tiếng chó sủa inh ỏi nhưng gần đây thì thưa dần. Riêng ở xóm tôi, 10 nhà thì hết 7 nhà bị mất trộm chó, lấy đâu mà sủa” - chị Trần Thị Hương, người dân thị trấn Bồng Sơn, than thở.

Hành nghề mọi lúc, mọi nơi

Cách đây không lâu, chị Phan Thị May (ngụ xã Nhơn Hạnh, thị xã An Nhơn) đi tập thể dục lúc trời mờ sáng, con chó cưng chạy theo sau. Bất ngờ, một xe máy chạy ngược chiều lao thẳng vào làm chị phải nhảy tránh. Khi chiếc xe chở 2 thanh niên qua mặt, chị quay lại nhìn thì thấy con chó của mình nằm gọn trên xe của bọn chúng.

Trộm chó lợi nhuận lại cao nên “cẩu tặc” ngày càng liều lĩnh. Nếu như trước đây, chúng thường chỉ đi trộm vào ban đêm thì bây giờ có thể hành nghề mọi lúc, mọi nơi, ngay giữa ban ngày. Nhớ lại chuyện con chó gần 10 kg của gia đình mình bị “cẩu tặc” bắt sống ngay giữa trưa cách đây vài ngày, chị Nguyễn Thị Chút (ngụ xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) vẫn còn tức giận: “Khoảng 11 giờ, đang loay hoay nấu cơm dưới bếp thì nghe một tiếng “ẳng”, tôi chạy lên nhà thì thấy một thanh niên mặt mày bặm trợn đang ẵm con chó, tay cầm cái cây chỉ về phía tôi dọa: “Mày mà la tao giết cả nhà”. Nói xong, hắn leo lên xe cùng đồng bọn chạy mất tăm”.

Những tay trộm chó liều lĩnh, manh động - 1

Tang vật trong một vụ trộm chó bị Công an Bình Định thu giữ

Trước nạn trộm chó diễn ra rầm rộ, Công an huyện Hoài Nhơn đã tổ chức theo dõi và phát hiện Hoàng Văn Ngộ (ngụ xã Hoài Hảo) thường xuyên trao đổi “hàng” với một số thanh niên lạ mặt. Từ manh mối này, các trinh sát phục kích và phá được băng “cẩu tặc”, bắt 7 đối tượng. Từ đầu tháng 2 đến tháng 8/2012, băng nhóm trên đã thực hiện nhiều vụ trộm chó trên địa bàn huyện Hoài Nhơn và huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) với số lượng tổng cộng trên 2 tấn, sau đó bán cho Ngộ để đưa ra Bắc tiêu thụ.

Chống trả quyết liệt khi bị truy đuổi

Theo tìm hiểu của chúng tôi, “cẩu tặc” thường dùng 3 phương tiện chính để hành nghề: thòng lọng, thuốc độc và súng xung điện. Ngoài ra, khi hành nghề, chúng thường thủ theo hung khí để chống trả khi bị phát hiện như dao, ná cao su, ớt bột… “Khi bắt đầu đi trộm, tụi em thường chia nhau thành 3 tốp. Tốp thứ nhất điều khiển xe nẹt pô để dụ các chú khuyển ra ngoài đường; tốp thứ hai dùng súng bắn điện hoặc thòng lọng để bắt; tốp thứ ba chạy sau cản đường, chống trả nếu bị truy đuổi…” - Hồ Văn Hồng, một “cẩu tặc” trong nhóm trộm chó chuyên nghiệp vừa bị Công an huyện Hoài Nhơn bắt giữ, khai nhận.

Không chỉ tổ chức chặt chẽ, những tên trộm chó thường rất manh động, ra tay tàn bạo khi bị phát hiện, truy đuổi. Nhớ lại vụ bị hai tên trộm chó đả thương xảy ra cách đây gần 2 tháng, ông Huỳnh Hữu Nho (49 tuổi, ngụ huyện Phù Cát) vẫn chưa hết bàng hoàng. Đưa tay xoa vết thương trên ngực, ông kể: “Trưa đó, thấy 2 thanh niên đi xe máy kéo theo con chó chạy trên đường, tôi liền dùng xe máy chặn đầu. Thấy thế, tên điều khiển xe máy rồ ga lao thẳng vào tôi. Khi tôi té xuống đường, chúng phi xe qua người làm tôi gãy 2 xương sườn”.

Những tay trộm chó liều lĩnh, manh động - 2

Dụng cụ hành nghề của “cẩu tặc”

Cách đây không lâu, ông Nguyễn Văn Cường (ngụ huyện Phù Mỹ) cũng bị 2 “cẩu tặc” tấn công gãy sống mũi, vỡ xương hàm. Hôm đó khoảng 1 giờ sáng, Nguyễn Đắc Thắng (SN 1979) điều khiển mô tô chở Lương Văn Thông (SN 1988) từ Quy Nhơn ra Phù Mỹ để hành nghề. Khi chúng đang tìm cách bắt trộm một con chó thì bị ông Cường phát hiện. Sợ bị truy đuổi, bọn chúng đã ném đá, dùng ná và bi thủy tinh bắn vào mặt làm ông Cường trọng thương.

Cần ngăn chặn từ gốc

Một cái vòng luẩn quẩn dễ nhận thấy đối với bọn “cẩu tặc” là phạm tội, ra tù, không việc làm ổn định và đi trộm chó để... kiếm sống. “Cách đây 2 năm, khi vừa ra tù, tôi chưa có việc gì làm thì bạn bè rủ đi trộm chó. Đêm đầu tiên tôi được chia gần 1 triệu đồng. Thấy dễ kiếm tiền, đêm nào tôi cũng đi. Năm ngoái, tôi bị công an bắt, tòa xử 6 tháng tù giam. Từ ngày ra tù đến nay, tôi bỏ “nghề” luôn!” - Ng.C.Q, một “cẩu tặc”, tâm sự.

Không phải “cẩu tặc” nào cũng tự nguyện bỏ nghề như Q. vì có cầu thì phải có cung. Khi nhu cầu thịt chó còn cao, những người buôn chó còn hoạt động tự do thì bọn trộm chó còn đất để sống khỏe. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm trước, kẻ trộm thường đem chó bắt được bán ở bến xe cũ ở đường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn); chợ Bình Định, chợ Kim Châu (thị xã An Nhơn) hoặc chợ huyện Tuy Phước. Sau đó, con nào chết thì bán cho quán thịt cầy, con nào sống thì chuyển xe khách ra Bắc. “Những con chết thì tôi mua với giá 60.000 đồng/kg để xẻ thịt bán, con sống thì 100.000 đồng/kg rồi bán lại cho các thương lái người Thanh Hóa” - ông Sơn, chủ một quán thịt cầy ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, cho biết.

Nếu như trước đây, phương tiện vận chuyển chó ra Bắc là gửi theo xe khách thì nay người thu mua thường thuê hẳn xe tải có tải trọng 2 đến 3 tấn chuyên chở. “Khoảng nửa tháng một lần, người mua chó thuê xe tôi đi gom khoảng vài trăm con chó sống từ các quán thịt cầy ở hai huyện Hoài Nhơn và Phù Mỹ rồi chở ra Thanh Hóa. Sau đó, từ Thanh Hóa, hàng được các ông chủ thuê xe tải vận chuyển ra Hà Nội và các tỉnh khác tiêu thụ. Từ lâu, thị trường đã hình thành một đường dây tiêu thụ cầy tơ từ Nam ra Bắc” - anh Huỳnh Văn Sơn, chủ một xe tải ở thị trấn Bồng Sơn, tiết lộ.

Truy quét “cẩu tặc”

Ông Huỳnh Văn Còn, Phó Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Bình Định, cho biết đã phối hợp với công an địa phương mở nhiều đợt truy quét, bắt giữ nhiều băng nhóm trộm chó, vì thế tình hình trộm chó trên địa bàn tỉnh trong thời gian này có phần thuyên giảm. Tới đây, tỉnh sẽ mạnh tay hơn, không để nạn trộm chó lộng hành.

Còn đại tá Trần Sỹ Phàng, Trưởng Công an huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, cho biết từ ngày 4/9, huyện đã mở đợt cao điểm chống trộm và tiêu thụ chó trộm. Đối với các “cẩu tặc” chưa đủ căn cứ xử lý hình sự thì sẽ lập hồ sơ đưa vào trường giáo dưỡng, đối tượng nghiện thì sẽ đưa vào trại cai nghiện. Ngoài ra, sẽ rà soát các điểm thu mua, yêu cầu ký cam kết không được mua chó trộm. Nếu hộ nào vi phạm sẽ khởi tố với tội tiêu thụ hàng gian.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo A.Tú - H.Vũ (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN