Những người hùng dám "cướp cơm" Hà Bá

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Nếu gặp phải trường hợp ấy một lần nữa, họ khẳng định vẫn liều mình “cướp cơm” của tử thần, quyết tâm cứu đồng nghiệp bị nạn trên biển. Họ là những ngư dân bình dị nhưng rất đỗi anh hùng trong mắt nhiều người.

“Cướp cơm” tử thần

Một ngày cuối năm, chúng tôi theo chân ông Trần Văn Bến - Chủ tịch Hội Nông dân (ND) tỉnh Quảng Trị về thăm nhà anh Mai Văn Dũng (SN 1974, trú khu phố 7, thị trấn Cửa Việt, Gio Linh).

Kéo ghế mời nước, ông Dũng xúc động khi được đích thân lãnh đạo Hội ND tỉnh Quảng Trị về thăm, động viên và trao bằng khen vì có thành tích cứu người bị nạn trên biển.

Những người hùng dám "cướp cơm" Hà Bá - 1

Ông Trần Văn Bến - Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Trị (phải) tặng bằng khen cho anh Mai Văn Dũng (giữa) và đại diện tập thể tàu cá QT 92129 TS vì đã có thành tích cứu người trên biển. Ảnh: N.V

"Trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều người hùng như anh Dũng, anh Huệ, ông Tấn. Họ là những hội viên xuất sắc, là con người tuyệt vời, thể hiện tình người, mang đến niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp cho mọi người, đặc biệt là với ngư dân đang hàng ngày vươn khơi bám biển, góp phần gìn giữ biển đảo Tổ quốc”.

Ông Trần Văn Bến

“Hay tin anh cứu người bị nạn trên biển, cá nhân tôi và hội viên Hội ND tỉnh cũng như nhiều người dân vô cùng xúc động, cảm phục. Tính về thăm anh ngay nhưng biết cứu nạn xong anh lại ra khơi dài ngày nên hôm nay Hội mới về thăm anh được. Hội chúc anh và gia đình sức khoẻ, ra khơi được nhiều tôm cá” - Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Trị Trần Văn Bến có mấy lời phát biểu và trao bằng khen cho anh Dũng.

Trao bằng khen xong, tất cả mọi người cùng vây quanh nghe anh Dũng kể tường tận việc cứu người giữa trập trùng sóng lớn. Khi đó khoảng 4 giờ sáng ngày 16/11, anh Dũng cùng 7 thuyền viên đang kéo lưới trên tàu cá QT 92129 TS, công suất 700CV của mình tại ngư trường Cồn Cỏ. Bất chợt, anh Dũng phát hiện tín hiệu cầu cứu từ một tàu cá cách đó khoảng 6 hải lý. Tàu anh Dũng có vàng lưới bùng nhùng dài hơn 12.000m, lúc đó còn khoảng hơn 3.700m đang nằm dưới biển. Thế nhưng, chẳng phút đắn đo, anh Dũng hô to: “Anh em cắt lưới đi cứu tàu gặp nạn”.

Nghe hiệu lệnh, anh em trên tàu thực hiện ngay lập tức. Anh Dũng cũng vớ lấy con dao lao tới cắt lưới. Trong lúc cắt, vì quá vội và thuyền dằn xóc nên 2 ngón tay của anh Dũng bị dao cắt sâu, máu tứa ra. Nước biển ăn sâu vào vết thương gây bỏng rát khiến anh Dũng xây xẩm mặt mày nhưng đôi tay vẫn ghì chặt mạn tàu cố cắt lưới thật nhanh.

Cắt được lưới, anh Dũng lao đến buồng lái, rồ hết ga hướng con tàu về nơi có tín hiệu cầu cứu. Lúc đến nơi, cảnh tưởng kinh hoàng hiện lên trước mắt, 7 ngư dân đều trú xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) đang trôi lênh đênh trên biển, kiệt sức vì đói và rét.

  Ngư dân Bùi Đình Huệ cười vui khi kể lại chuyện cứu được 6 ngư dân gặp nạn trên biển. Ảnh: N.V

  Ngư dân Bùi Đình Huệ cười vui khi kể lại chuyện cứu được 6 ngư dân gặp nạn trên biển. Ảnh: N.V

Sau khi vớt 7 ngư dân bị nạn lên tàu của mình để sơ cứu, cho ăn uống hồi sức, anh Dũng cho tàu quay lại vị trí cũ tìm lưới nhưng tiếc thay không thấy nữa. Vàng lưới bị trôi dạt ước thiệt hại gần 30 triệu đồng.

Đến 14 giờ cùng ngày, tàu anh Dũng đưa 7 ngư dân bị nạn cập bờ, bàn giao cho Đồn Biên phòng Triệu Vân (đóng tại xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong) để được tiếp tục chăm sóc sức khoẻ.

Nắm chặt tay anh Dũng, anh Lê Hồng Nhung (SN 1987) - thuyền trưởng tàu cá NA 97678 TS nói rằng: “Nếu không có tàu anh đến cứu thì anh em chúng tôi nguy mất, bởi vì sau nhiều giờ bị trôi dạt đã đói rét lả người, tưởng không sống nổi. Cảm ơn anh Dũng và anh em trên tàu đã cứu mạng chúng tôi, ơn này sẽ mãi không quên”.

Anh Nhung chia sẻ, vào rạng sáng 16/11, khi tàu anh Nhung cùng các thuyền viên đang đánh bắt, kéo lưới thì anh Nhung phát hiện trong khoang máy có khói bốc lên. Anh Nhung gọi bạn thuyền ngừng kéo lưới đến dập lửa, còn mình dùng bộ đàm gọi cầu cứu. Ngọn lửa càng lúc càng cháy dữ dội, lan nhanh nên tất cả mọi người phải mặc áo phao nhảy xuống biển thoát thân, trôi dạt mỗi người một phía. Một lúc sau con tàu bị thiêu rụi, chìm dần xuống biển sâu. “Lúc đó ai cũng nghĩ đến chuyện không may. Khi nhìn thấy tàu anh Dũng tiến đến mọi người mừng chảy nước mắt. Đó là sự hồi sinh kỳ diệu mà tôi và anh em trên tàu may mắn nhận được” - anh Nhung xúc động nói.

Cứu được người là hạnh phúc

Chia tay anh Dũng, chúng tôi tìm gặp ngư dân Bùi Xuân Tấn (56 tuổi, trú khu phố 5, thị trấn Cửa Việt) - người đã cứu được 3 ngư dân trên tàu Thanh Hóa bị chìm tàu dù cách đây 3 năm nhưng người dân vẫn hay nhắc nhớ.

Ngồi trên con tàu QT 9119 TS của mình, ông Tấn hướng đôi mắt về phía biển hồi tưởng lại. Đó là vào ngày 29/2/2016, khi ông cùng 7 thuyền viên đang kéo lưới ở vĩ độ 17 độ 30 phút Bắc - 107 độ 10 phút Đông thì nhận tin báo từ con tàu xấu số.

Đó là tàu của ông Lê Văn Hùng (63 tuổi, trú tại xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đi ngang qua vùng biển Quảng Trị thì bị sóng to đánh mạnh, nước tràn vào mũi thuyền khiến tàu chìm. Thời điểm ấy, trên tàu còn có anh Lê Văn Cường (35 tuổi, con trai ông Hùng) và ông La Lâm Quang (trú tỉnh Bình Định). May thay, trước khi con tàu chìm hẳn, ông Hùng đã kịp phát tín hiệu cầu cứu rồi xuống thúng chai lênh đênh giữa những cơn sóng dữ với sức gió cấp 5, cấp 6.

Khi hay tin, ông Tấn không mảy may suy nghĩ, hướng mũi tàu mình đến nơi tàu chìm. Nhưng khi đến nơi anh em trên tàu, đặc biệt là ông Tấn thực sự hoang mang vì không thấy nạn nhân ở đâu. “Lúc ấy sóng to, gió lớn, biển rộng mênh mông, anh em trên tàu căng mắt nhìn quanh mà không thấy người đâu. Tôi sợ, nếu không tìm thấy họ vào ban ngày thì chỉ sau một đêm thôi có thể tính mạng họ sẽ không đảm bảo” - ông Tấn nhớ lại.

Nhưng với kinh nghiệm của người đã kinh qua trên 30 năm đi biển, ông Tấn lao tàu theo dòng nước, chạy thêm 15 hải lý nữa thì bất ngờ thấy 3 người đang ướt nhẹm, ngồi co rúm, run bần bật trên chiếc thúng chai nhỏ bé. Công tác cứu hộ được gấp rút triển khai, 3 thuyền viên được cứu sống, chăm sóc và đưa vào bờ. Ít ngày sau đó, 3 thuyền viên gặp nạn đã đến nhà ông Tấn với mong muốn được trả ơn nhưng ông Tấn từ chối, không nhận một đồng nào.

Ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt còn có anh Bùi Đình Huệ (43 tuổi) cũng được nhắc đến với một lòng mến phục. Bởi lẽ, anh Huệ đã viết nên câu chuyện cổ tích, dám “cướp cơm của Hà Bá”. Anh Huệ nhớ lại, khoảng 7 giờ sáng ngày 20/12/2014, chiếc tàu QT 90099 TS của anh đang đánh bắt ở vĩ tuyến 17 độ 45 phút, cách đảo Cù Lao Chàm (Đà Nẵng) khoảng 40 hải lý thì nhận được tín hiệu kêu cứu của tàu ĐNg 90399 TS cách đó 9 hải lý. Ngay lập tức, anh Huệ lái tàu tăng tốc, trực chỉ đến nơi tàu Đà Nẵng phát tín hiệu kêu cứu. Với hy vọng cứu người, anh Huệ cho tàu chạy theo hướng gió thêm 7 hải lý nữa thì bỗng có tiếng một thuyền viên ngồi trên nóc cabin reo lên: “Thấy rồi, thấy rồi. Họ còn sống”.

Anh Huệ cùng các thuyền viên trên tàu phải nỗ lực lắm mới kéo được 6 thuyền viên bị nạn lên tàu và lai dắt chiếc tàu đã chìm chỉ còn phần chóp mũi vào bờ. Lúc cứu hộ, vì sóng to nên tàu anh Huệ bị va vào tàu gặp nạn, mạn thuyền hỏng, phải sửa hết 9 triệu đồng. Gia đình nạn nhân ngỏ ý muốn gửi tiền cảm ơn nhưng anh Huệ tuyệt nhiên từ chối.

Nguồn: [Link nguồn]

Đầu năm nghe ngư phủ kể chuyện săn cá mập

Nghề săn cá mập đại dương của phường Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) là nghề cha truyền con nối đã bao đời...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyên Vỹ ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN