Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ 1/1/2016

Chứng minh thư nhân dân (CMND) sẽ được thay bằng thẻ căn cước, thay đổi mức đóng BHXH, điểm mới trong luật Hộ tịch…là những chính sách quan trọng sẽ có hiệu lực thi hành từ tháng 1.2016.

Thẻ căn cước công dân thay thế CMND

Thay vì được cấp CMND như hiện nay, kể từ ngày 01/01/2016, sẽ bắt đầu cấp thẻ căn cước công dân.

Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ 1/1/2016 - 1

Từ ngày 1/1/2016, sẽ thực hiện cấp thẻ căn cước công dân thay cho CMTND

Cụ thể, số định danh cá nhân được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.

Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú được cấp thẻ căn cước công dân.

Việc tính tuổi căn cứ vào ngày, tháng, năm sinh của công dân (tức tính tuổi đúng ngày). Ví dụ: A sinh ngày 01/03/2001, đến ngày 02/03/2015 A mới có thể đăng ký cấp thẻ căn cước công dân.

Công dân làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân tại trụ sở công an cấp huyện, cấp tỉnh, Bộ Công an. Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào điều kiện, cơ sở vật chất thực tế để quy định đối tượng cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân tại công an cấp huyện, cấp tỉnh và Bộ Công an.

Thay đổi mức đóng bảo hiểm xã hội

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ thay đổi từ đầu năm tới. Cụ thể, từ 1/1/2016 đến hết năm 2017, đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng. Từ 1/1/2018 trở đi, người lao động đóng bảo hiểm dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. Người lao động sẽ đóng 8% và doanh nghiệp đóng 18%, chiếm 26% lương hằng tháng.

Luật này quy định chế độ, chính sách BHXH; quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến BHXH, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động; cơ quan bảo hiểm xã hội; quỹ BHXH; thủ tục thực hiện BHXH và quản lý nhà nước về BHXH.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014.

Không có quốc tịch vẫn có quyền đăng ký hộ tịch

Được Quốc hội ban hành từ ngày 20/11/2014, Luật Hộ tịch quy định về hộ tịch; quyền, nghĩa vụ, nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch; cơ sở dữ liệu hộ tịch và quản lý nhà nước về hộ tịch.

Thẩm quyền, thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch, nuôi con nuôi được thực hiện theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam, Luật Nuôi con nuôi, trừ trường hợp luật này có quy định khác.

Công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam có quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch. Quy định này cũng được áp dụng đối với công dân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Thời gian tại ngũ thời bình là 24 tháng

Từ ngày 01/01/2016, Luật Nghĩa vụ quân sự sẽ có hiệu lực và thay thế Luật Nghĩa vụ quân sự 1981, sửa đổi 1990, sửa đổi 1998 và sửa đổi 2005.

Theo Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, thời gian tại ngũ trong thời bình là 24 tháng (trước đây quy định thời gian này là 18 tháng). Trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định kéo dài thời gian tại ngũ, nhưng không quá 06 tháng.

Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ 1/1/2016 - 2

Theo luật nghĩa vụ quân sự 2015, có hiệu lực từ 1/1/2016, thời gian tại ngũ thời bình sẽ là 24 tháng, thay vì 18 tháng như trước đây. 

Tại Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, có nhiều điểm mới so với trước đây như quy định về công dân nữ tham gia nghĩa vụ quân sự; quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong nghĩa vụ quân sự; Đối tượng được miễn đăng ký NVQS; Đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ; Đối tượng được miễn gọi nhập ngũ.

Trong chiến tranh hay tình trạng quốc phòng khẩn cấp, sẽ thực hiện theo lệnh tổng động viên hay động viên cục bộ.

Xe hơi 4 - 9 chỗ phải có bình chữa cháy

Thông tư 57 của Bộ Công an, kể từ ngày 6/1/2016 quy định ôtô 4 - 9 chỗ ngồi phải có phương tiện phòng cháy và chữa cháy (gọi tắt là bình chữa cháy).

Theo Nghị định số 167/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính, mức xử phạt sẽ từ 300.000 - 500.000 đồng trong trường hợp các phương tiện cơ giới, cụ thể là các loại xe du lịch từ 4 chỗ trở lên thiếu các phương tiện phòng/chữa cháy theo danh mục quy định tại Thông tư 57.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tất Định (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN