Những bị can không... cô độc
“Lớp” mà Thượng úy Kiều Thị Thu Phương, quản giáo Trại tạm giam số 1, CA TP Hà Nội, quản lý có 65 “học trò” nữ. Họ đều là những bị can lần đầu vào trại.
Cô Phương kể, “học trò” nhỏ tuổi nhất là 18, “già làng” gần 70; họ mang thân phận bị can nhưng không phải ai cũng xấu…
“Kiều nữ” trẻ nhất!
Nhắc tới cô “học trò” nhỏ nhất, ánh mắt cô Phương đượm buồn. Như lời nữ quản giáo, Võ Thị Vinh, 18 tuổi, quê Nghệ An, nom xinh gái. Sinh ra ở mảnh đất miền Trung nắng gió nhưng Vinh có nước da trắng trẻo. Cả nhà trông vào ruộng vườn nhưng Vinh không phải đụng chân tay. Trong 5 người con, bố mẹ cưng Vinh hơn cả vì Vinh “ngu ngơ”. Khi Vinh ngỏ ý muốn ra Hà Nội tìm việc, gia đình không ai đồng ý nhưng họ không giữ được chân con gái.
17 tuổi, Vinh theo bạn thuê nhà ở quận Ba Đình, Hà Nội và học nghề ở một tiệm cắt tóc, gội đầu. Chậm chạp nhưng Vinh được tiếng chịu khó nên được chủ tiệm thương. Nếu cứ thế mà sống, cuộc đời Vinh đã sáng sủa. Nhưng từ buổi tối ấy, cái đêm Vinh cùng 4 người bạn đi hát tại một quán karaoke trên phố Cát Linh, quận Ba Đình, Hà Nội, số phận của cô gái này rẽ sang lối bất hạnh. Chỉ vài câu nói qua lại, nhóm hát của Vinh xô xát với tốp khách phòng bên. Vinh đã “chỉ điểm” để người trong hội “xử” đối thủ. Dạy quá tay, bạn của Vinh tước đi mạng sống một “thượng đế” của quán.
Những bị can không đơn độc
Vinh nói, khi biết người lạ mất mạng, Vinh hoảng hốt. Lúc đưa tay hướng về người đàn ông ấy, Vinh không lường được hậu quả lại nghiêm trọng đến thế. Tháng 4/2010, Vinh bị bắt tạm giam về hành vi cố ý gây thương tích. Vinh khai, có tiền sử bệnh tâm thần nên được tại ngoại. Tháng 5/2012, cơ quan giám định kết luận, Vinh bị tâm thần nhưng khi phạm tội vẫn nhận thức đầy đủ. Do đó, Vinh bị bắt tạm giam lại với tội danh thay đổi từ “Cố ý gây thương tích” sang “Giết người”.
Cô Phương kể, ngày nhập trại, Vinh khóc ròng, la hét. Mất vài ngày đầu, cô gái này không thiết ăn, còn nói cười suốt ngày. Nữ Thượng úy này những tưởng Vinh bị “sốc” mà mất khôn. Một tuần sau Vinh vẫn vậy, lúc tỉnh, lúc “dại”. “Học trò” bất thường, cô Phương đã tách Vinh ở buồng riêng (có 2 người). Mỗi ngày, cô giáo không bỏ sót từng cử chỉ của “trò nhỏ”, lặng lẽ quan sát. Chờ lúc Vinh tỉnh táo, nữ quản giáo gần gũi chuyện trò. Nghe chuyện của Vinh, cô Phương phân tích để bị can hiểu được sự khoan hồng của pháp luật nếu Vinh thành khẩn, hối hận. Cô phân tích, Vinh đỡ “hốt”; cô gái này ngộ ra và bớt “phá phách”. Thấy tinh thần “học trò” ổn định, cô Phương để Vinh sinh hoạt cùng phòng đông người. “Vinh nhận thức hạn chế nên vô tình tiếp tay cho kẻ xấu.
Tôi thấy cô gái này đáng trách nhưng cũng thật thương. Suốt thời gian Vinh bị tạm giam, bố mẹ chưa một lần tiếp tế. Chỉ có duy nhất người chị gái làm “ô sin” ở Hà Nội thi thoảng gửi quà” – cô Phương chia sẻ. “Đàn chị” cùng buồng được thăm nom chu đáo khiến Vinh càng tổn thương. Hiểu lòng cô “học trò” nhỏ, quản giáo Phương lúc “giúi” kem đánh răng, khăn mặt, lúc gói bánh. Trong lúc trống trải, lo lắng nhất nhận được sự động viên của cô, Vinh thấy ấm lòng. Bị can này đã “lên dây cót”, chờ đợi phiên tòa xét xử mình vào ngày 24/10/2012. Cô Phương hy vọng, với sự thay đổi trong nhận thức, Vinh sẽ thành khẩn để tòa cho hưởng mức án thấp nhất.
Bị can mạnh miệng nhất phòng!
Trong lớp của cô Phương, Nguyễn Thị Mây, SN 1963, trú tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội, được “phong” là lắm lời nhất. Mây là bị can trong vụ án chống người thi hành công vụ ở thôn Tư Sản, xã Phúc Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Trước Tết âm lịch 2012, Mây bị bắt cùng một người khác. Cũng như Vinh, Mây chẳng được người thân ngó ngàng suốt thời gian tạm giam. Kể về hoàn cảnh của Mây, cô Phương nói, cuộc đời của bị can này lắm truân chuyên. Mây bị lợi dụng, bị lôi kéo cũng vì không được ăn học như người ta.
Cuộc hôn nhân của Mây đứt gánh giữa đường vì người chồng đột ngột bỏ mẹ con Mây ra đi. Chồng mất, suốt 10 năm qua, Mây ở vậy nuôi con. Trông cậy nhiều ở thằng con duy nhất nhưng Mây hụt hẫng vì nó “bập” vào ma túy năm 12 tuổi. Bố mất, mẹ mải miết với cuộc mưu sinh, thằng con thấy bơ vơ.
Nó theo đám bạn xấu đi “dạt” rồi sinh hư. Nói nặng, nói nhẹ nhưng con vẫn “chứng nào, tật ấy”, Mây bất lực. Cách đây 6 năm, hay tin con nhiễm HIV, Mây chết lặng. Là hộ nghèo trong xã, Mây chẳng có tiền đưa con đi chữa chạy. Chán cảnh nhà, cảnh mình, cũng từ đó, con trai Mây bỏ nhà đi biền biệt. Ngay cả khi mẹ vướng vào vụ án này, bị bắt tạm giam, nó cũng không hay biết.
Một mình vò võ, nghĩ đời mình không còn gì để mất, Mây tỏ ra bất cần. Ngày vào trại, người phụ nữ này la ó, khóc thét để gây “nhiễu”. Càng răn, Mây càng lớn giọng. Cán bộ quản giáo đã phải phạt “học trò” nổi loạn này bằng 5 ngày tạm giam riêng. Khi Mây “mệt lả” vì gào thét, cô Phương mới gần gũi, hỏi han. Tỏ tường cảnh nhà éo le của bị can, nữ Thượng úy rất thông cảm.
- Cô Phương: Chị còn muốn gặp con không?
- Mây: Đó là nguyên vọng duy nhất của tôi!
Đánh vào tâm lý, cô Phương đã thức tỉnh tình yêu, trách nhiệm của người mẹ trong Mây. Được “cô giáo” khuyên giải, Mây bớt tiêu cực. Bị can nung nấu, phải thay đổi nếp nghĩ, hợp tác với CQĐT để được hưởng đặc ân, sớm trở về tìm con. Ngày Mây bị TAND huyên Phú Xuyên xử, cô Phương vẫn dõi theo “học trò” của mình. Nữ quản giáo này mừng ra mặt khi nhận được tin, Mây được tòa cho hưởng 18 tháng tù treo. Trước khi rời trại tạm giam số 1, Mây trải lòng khiến cô Phương không giấu được nuối tiếc: “Cả đời tôi chưa bước ra khỏi lũy tre làng mà giờ phải ở chốn này và phải đối mặt với án tù. Cay đắng quá!”
(Còn nữa)