Những ám hiệu bí mật ở trường lái
Như một quy định ngầm, trong sân tập lái xe luôn có những ký hiệu riêng giúp học viên vượt qua bài thi. Chương trình dạy bị cắt cúp đến nỗi nhiều người học xong không dám cầm vô lăng ra đường.
Những đường kẻ bí hiểm
Trong vai những học viên học lái, nhóm phóng viên đến Trung tâm Ngọc Hà (một sân tập lái kiêm sân sát hạch nằm ở bãi Chèm, Từ Liêm, Hà Nội) để thuê xe. Vừa lên xe, giáo viên tên Hùng tuyên bố thẳng: “Đây là sân sát hạch, chúng tôi dạy bạn cách để qua được kỳ thi thực hành”.
Đúng như tuyên bố, suốt buổi học, thầy Hùng bật mí cho chúng tôi nhiều chiêu để đối phó với bài thi. Với bài dừng đèn đỏ, thầy chỉ cho trò một chiêu độc vi phạm quy tắc lẫn văn hóa giao thông là dừng trước vạch kẻ (dừng xe) khoảng 2 mét.
Học viên tại Trung tâm Ngọc Hà được hướng dẫn dừng trước vạch đèn đỏ khoảng 2m.
“Anh thấy cái vạch vàng phía trước chưa, cứ dừng trước vạch đó sẽ tránh được bài thi dừng đèn đỏ; khi nào gần đến đèn xanh cứ từ đây mà đi” - thầy bật mí.
Sau khi đọc báo Tiền Phong, chúng tôi cử thanh tra GTVT đến những địa điểm báo nêu để xử lý” Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân nói chiều 21/3 |
Đến bài xe qua đường hẹp, thầy tiếp tục truyền một “bí kíp” khác bằng cách yêu cầu ngắm vào những đường nét đứt màu trắng phía trước cho đến khi thẳng hàng với vạch nhỏ gắn (chủ động) trên kính xe. “Bây giờ các anh thi có đường kẻ trắng này thì dễ hơn nhiều; theo quy định không được kẻ đâu” - thầy giải thích.
Tại sân sát hạch lái xe Sài Đồng (Thuộc Cty Cổ phần Vận tải Ô tô số 2 - Sài Đồng, Long Biên) hoặc sân sát hạch Đức Thịnh (thị trấn Đông Anh - Hà Nội)… đều có những ám hiệu như vậy.
Thậm chí, 2 sân này còn có một “bí mật” khác là, phía ngoài chuồng lùi xe có một vạch màu đỏ nhỏ được kẻ sẵn. Khi lùi chuồng, học viên chỉ việc căn vào vạch đỏ đó đảm bảo không bị trượt.
Điểm đỏ “bí mật” tại bài thi lùi chuồng ở sân sát hạch của trung tâm Đức Thịnh
Ngay cả trong bài thi thuộc diện khó (dừng xe trong tình huống khẩn cấp) cũng có cách ứng phó: Nhìn đèn tín hiệu trên đồng hồ chấm điểm trong xe để nhận biết sắp đến tình huống khẩn cấp.
Không dám cầm vô lăng
Không chỉ học gạo, học đối phó, sự bát nháo trong đào tạo lái xe còn bộc lộ phổ biến ở việc cắt cúp chương trình học. Anh Quang, một học viên vừa tốt nghiệp tại một trung tâm lái xe ở quận Long Biên than thở: “Thầy hứa cho học lý thuyết, nhưng đến cuối khóa không thấy động tĩnh. Vì thế, tôi đành bỏ ra mấy buổi tối tự học luật. Đến cuối khóa, thầy còn gạ “chạy” luật 500.000 đồng, vô lý hết sức”.
Anh Quang cũng cho biết, thầy dạy lái xe tại trung tâm còn cắt cúp bài học ở trải nghiệm lái vào ban đêm, đi địa hình miền núi… Nguyên nhân chủ yếu do thầy thoái thác bận hoặc tiết kiệm xăng.
Tại trung tâm Ngọc Hà kể trên, khi hỏi giáo viên về việc học cấu tạo ô tô và các kỹ năng sửa xe cơ bản (các bài học này đều có trong cơ cấu bài giảng theo quy định của Bộ GTVT), thầy giáo nhìn học sinh như sinh vật lạ, rồi nói: “Làm gì có ai chịu học. Mà học cũng không có thiết bị. Trung tâm có phòng trưng bày kết cấu ô tô, nhưng không có máy. Khi đoàn kiểm tra đến mới đi mượn về”.
Trong khi đó, trung tâm Ngọc Hà là một trong những trung tâm được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Thế nên nhiều học viên có bằng rồi mà không dám cầm vô lăng ra đường!
Còn nữa
Thanh tra đột xuất kiểu báo trước Tổng cục Đường bộ VN vừa công bố tổ chức kiểm tra đột xuất một số cơ sở, trung tâm sát hạch cấp giấy phép lái xe về cơ sở vật chất, hồ sơ, tài liệu, qua đó xác định khả năng thực tế đào tạo lái xe của các đơn vị đào tạo. Tuy nói là đột xuất kiểm tra, nhưng danh sách các đơn vị kiểm tra lại được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng gồm: Trường Trung cấp nghề Cơ giới Đường bộ; Trung tâm Dạy nghề, Đào tạo - Sát hạch Lái xe - Học Viện cảnh sát Nhân dân; Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo Lái xe - Học Viện an ninh Nhân dân; Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo Lái xe - Trường Trung cấp Cảnh sát Nhân dân 1; Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo Lái xe - Học viện Quốc tế. |