Nhờ vé số ế, đôi vợ chồng nghèo đổi đời

Tình cờ mua tờ vé số ế của ông bán vé dạo, chị Nguyễn Thị Vị (ngụ ấp Trung Sơn, Xuân Trường, Xuân Lộc, Đồng Nai) không ngờ ông trời lại dành lộc cho mình.

Số tiền 1,5 tỷ đồng trúng giải đặc biệt đã giúp cho gia đình chị có của ăn của để. Không hưởng lạc giống như một số người đã trúng vé số, gia đình chị Vị vẫn mộc mạc, giản dị trong xóm núi. Nhờ có số tiền này, chị đã có thể đi bệnh viện phẫu thuật sỏi thận và vẫn tiếp tục làm công nhân giày da.

Trúng số nhờ thương người

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Vị vào một buổi chiều. Con đường đất đỏ gồ ghề, uốn lượn dẫn vào nhà chị rất hoang vắng, hai bên là những núi đá nhấp nhô. Chị Vị vui vẻ đón tiếp chúng tôi và kể lại chuyện mình may mắn trúng số độc đắc.

“Hôm đó tôi có chút việc ngoài bến xe, đang ngồi ở bến thì có ông cụ đi bán vé số đến mời mua. Vì không phải là người hay chơi vé số nên tôi đã từ chối. Sau thấy ông cụ loay hoay với mớ vé số ế, tôi đã quyết định mua giúp hai tờ. Ông cụ hỏi tôi thích lấy số nào. Tôi nói: “Số nào cũng được, cháu chỉ mua ủng hộ cụ thôi mà”. Ông cụ mừng rỡ lấy cho tôi hai tấm vé bất kỳ. Về đến nhà, tôi đưa cho ông xã rồi loanh quanh với mấy công việc gia đình mà chẳng nghĩ tới việc so kết quả”.

Mua giúp ông cụ hai tờ vé số với tinh thần “ủng hộ” nên chị không để ý đến chuyện được mất. Đó chỉ là lòng trắc ẩn của người phụ nữ trước những mảnh đời còn nhiều gian nan. Chẳng bao giờ chị nghĩ sẽ giàu lên từ vé số nên cũng không quan tâm đến “số phận” hai tấm vé đã mua hồi chiều. Buổi tối, anh Hoàng Văn Trương, chồng chị Vị lại có lịch trực ở cơ quan, nhân tiện mang hai tấm vé số ra so. Thấy một trong hai tấm vé đã trúng thưởng trị giá 1,5 tỷ đồng, anh rất bất ngờ và vui mừng báo tin cho vợ. Khi đang say giấc, được chồng gọi điện báo tin trúng giải độc đắc, chị cho rằng anh đùa và nói: “Trúng cái gì mà trúng, có mà trúng gió ấy”. Nói xong chị cúp điện thoại và tiếp tục ngủ.

Nhờ vé số ế, đôi vợ chồng nghèo đổi đời - 1

Chị Vị kể lại giấc mơ đổi đời đến khó tin của gia đình.

Biết vợ chưa tin nên chồng chị gọi điện lần nữa để khẳng định thông tin trúng số là sự thật, không phải chuyện đùa và anh đang chuẩn bị về nhà. Từ lúc ấy chị cứ thao thức, hồi hộp chờ chồng về. Đến thời điểm đó chị vẫn băn khoăn không biết mình có trúng vé thật không, không biết chồng đùa dai hay có thể soi nhầm kết quả… Bao nhiêu cảm xúc lẫn lộn, bao nhiêu giả thiết được đặt ra. Khi anh Trương về đến nhà, đưa tờ vé số và bảng kết quả nhưng chị Vị vẫn… chưa tin hẳn, bắt chồng cùng so lại kết quả thêm lần nữa. Khi biết đã chắc chắn trúng thưởng, chị vui mừng khôn xiết, không ngờ rằng điều tuyệt vời này lại đến với gia đình mình. Hai tấm vé số chị mua ủng hộ ông già dạo bán vé số ế đã mang đến cho chị một món tiền vốn trong mơ cũng không dám nghĩ tới.

Nhận được phần thưởng giá trị từ “vị thần may mắn”, chị Vị đã không hề đắn đo ủng hộ quỹ vì người nghèo các cấp, các hội chữ thập đỏ, hội phụ nữ, hội nông dân tập thể, các cơ quan đoàn thể cấp huyện, xã. Với bà con xóm núi, chị đã chia sẻ cho mỗi gia đình 10kg gạo, 1 bịch bột ngọt kèm theo một ít tiền lấy may. Gia đình chị còn tổ chức bữa tiền liên hoan mời xóm làng. Chị Vị đã gửi một số tiền khá lớn biếu, tặng cha mẹ, họ hàng và công đức cho đền chùa.., ở quê.

Chị nói: “Lộc bất tận hưởng, mình có được may mắn thì cũng không nên giữ tất cả cho mình. Tôi ủng hộ các quỹ hội, chùa chiền, biếu tặng họ hàng, người thân, hàng xóm, số còn lại tôi mua đất để cho hai con sau này, một chút ít gửi tiết kiệm cho chúng học hành. Con gái lớn của tôi đang học Đại học ở Biên Hòa, còn con trai út đang học lớp 8. Chúng đang tuổi ăn tuổi học nên cũng tốn kém nhiều lắm. Trời cho số tiền ấy tôi cũng để dành lo cho tương lai của chúng tôi tốt hơn thôi”.

Nhờ tấm vé số của ông già dạo vé mà chị Vị đã trở thành người may mắn hiếm có. Đã có nhiều lần vợ chồng chị cùng nhau ra bến xe, nơi chị gặp “thần tài vé số” để gửi lời cảm ơn, chia sẻ với ông chút chút “lộc trời cho” này nhưng đều không gặp. Chị nói: “Chỉ mong có dịp gặp lại ông cụ bán cho tôi hai tấm vé số ấy để biếu ông chút ít thay lời cảm ơn”.

Chị cũng cho biết thêm, nhờ số tiền may mắn ấy mà ngôi nhà gia đình chị đang sinh sống đã được sửa sang lại đôi chút cho rộng rãi, thoáng mát hơn. Dù vậy, chúng tôi thấy ngôi nhà của vợ chồng chị vẫn mộc mạc, giản dị lắm. “Nhà cửa khang trang ai chẳng thích nhưng bây giờ các con tôi còn đang học, tốn kém lắm. Ngôi nhà này vợ chồng tôi chắt bóp bao nhiêu năm mới gây dựng được. Đất ở đây thì rộng nhưng nhà chri xây đủ ở thôi. Nhờ lộc trời, tôi chỉ sửa sang lại đôi chút chứ không dám nghĩ xây lớn hơn. Nhà cửa thế này tôi cũng thoải mái rồi”.

Trúng số tiền tỉ vẫn sống bình dị

Quê gốc của vợ chồng chị Vị đều ở miền Trung, cha mẹ đều làm nông nghiệp. Từ nhỏ phải lăn lộn với nắng gió, ruộng đồng, chị Vị đã quen với việc lao động để kiếm sống. Chị theo cha mẹ vào Đồng Nai lập nghiệp và đã gặp gỡ rồi nên duyên với chàng thanh niên đồng hương Hoàng Văn Trương tại mảnh đất này. Vợ chồng chị quyết định ra ở riêng và cùng nhau xây dựng tổ ấm trên mảnh đất Xuân Trường, Xuân Lộc, Đồng Nai.

Thừa hưởng phẩm chất chịu thương chịu khó của người dân miền Trung, vợ chồng chị đã sớm có một mái ấm hạnh phúc, bình yên. Cho đến nay, anh Trương đã nhận công tác trong khu Di tích Gia Lào, còn chị hài lòng với công việc của một công nhân sản xuất giày da. Anh chị hạnh phúc với hai đứa con chăm ngoan, hiếu thảo. Anh chị không quản nhọc nhằn, thức khuya dậy sớm làm tròn trách nhiệm của người làm cha mẹ. Cuộc sống dù không sang giàu nhưng cũng đủ để nuôi các con ăn học bằng người.

Mới ở tuổi 39 nhưng sức khỏe chị Vị có phần suy giảm do mắc bệnh sỏi thận. Nhờ “lộc trời”, chị đã phẫu thuật và trị tận gốc căn bệnh. Hiện tại chị vẫn phải đi truyền nước và điều trị thêm cho dứt hẳn. Thấy chị còn yếu, tôi hỏi chị có nghĩ tới việc xin ngỉ việc ở công ty giày da để ở nhà dưỡng sức và chăm lo gia đình không thì chị cười yếu ớt và nói rằng: “Bạn bè, anh em cũng khuyên tôi nghỉ làm nhưng bây giờ mà nghỉ thì ai cho không mình hơn 100 mỗi ngày? Tôi đi làm công nhân 1 tháng cũng thu nhập 4-5 triệu đồng. Nếu nghỉ làm ở nhà, tôi vừa buồn vừa không có thêm thu nhập. Có tiền núi mà không đi làm cũng sớm hết thôi. Người ta nhiều tiền đến mấy vẫn phải đi làm nữa là mình mới may mắn có một ít để làm vốn”.

Chị cho biết thêm: “Tôi đi chữa bệnh, công ty cho nghỉ 10 ngày, cũng chuẩn bị đến ngày đi làm rồi. Bây giờ tôi phải điều trị thêm ở ngoài để sức khỏe nhanh hồi phục. Tôi chỉ cầu mong có sức khỏe để tiếp tục làm việc và chăm sóc gia đình thôi”. Với chị thì công việc rất quan trọng và cần thiết. Vợ chồng, con cái trong gia đình không ỷ vào số tiền trúng số mà hưởng lạc, xa hoa. Anh chị vẫn tha thiết với công việc gắn bó bấy lâu. “Tôi còn làm việc cho đến chừng nào tôi không thể làm được nữa mới thôi”, chị Vị nói.

Hiện tại, sức khỏe của chị đã đỡ hơn nhiều. Chị đang chuẩn bị để quay lại với công việc công nhân sản xuất giày da. Anh Trương, chồng chị vẫn cống hiến cho Khu Di tích Gia Lào. Cuộc sống của gia đình chị Vị vẫn bình yên, hạnh phúc trong sự êm ả của xóm núi Trung Sơn. Tấm vé số may mắn chính là phần thưởng xứng đáng cho người phụ nữ giàu lòng trắc ẩn, cho đôi vợ chồng miệt mài lao động. Đó cũng là nhân tố giúp vợ chồng chị yên tâm hơn trong việc chăm sóc cho hai con học hành. Vợ chồng chị Vị dùng số tiền đầu tư cho tương lai hai con cũng là góp phần thay đổi diện mạo cho quê hương, bởi thế hệ trẻ là tương lai của đất nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Hiền (Đời sống & Hôn nhân)
Hậu vận của những người bỗng dưng thành tỷ phú Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN