Nhiều thông tin sai lệch về cậu bé 10 tuổi sống cô độc trong rừng ở Tuyên Quang

Cô giáo Phạm Thị Nga cho biết, sau khi cô chia sẻ câu chuyện về cậu bé 10 tuổi sống cô độc vì sự bỏ rơi của gia đình ở Tuyên Quang, đã có rất nhiều thông tin sai lệch và cả sự vụ lợi trong việc nhận tiền quyên góp.

Mấy ngày qua, câu chuyện về cậu bé 10 tuổi sống cô độc trong rừng tên Đặng Văn Khuyên (Trường tiểu học Thành Long, xã Thành Long, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) đã nhận được nhiều sự quan tâm, xót xa của cộng đồng mạng và các tổ chức đoàn thể. Câu chuyện được chính cô Phạm Thị Nga - giáo chủ nhiệm của em Khuyên chia sẻ trên trang cá nhân. Ngay lập tức, bài viết đã lan tỏa mạnh mẽ và em Khuyên đã nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ về cả tinh thần lẫn vật chất.

Nhiều thông tin sai lệch về cậu bé 10 tuổi sống cô độc trong rừng ở Tuyên Quang - 1

Theo thông tin cô Phạm Thị Nga chia sẻ thì Đặng Văn Khuyên sống một mình từ nhiều năm nay, dù bố mẹ, ông bà nội ngoại và các bác vẫn còn sống. Bố em lên Lạng Sơn làm thuê từ khi em mới 2 tuổi. Em chỉ biết mặt bố khi bố vừa mất gần đây. Mẹ em bỏ đi lấy chồng từ khi em 4 tuổi. Em ở với bà nội nhưng năm 2018, bà nội cũng bỏ em ở một mình đi lấy chồng xa. Ông bà ngoại thì được biết là "không có trách nhiệm nuôi em".

Vậy là từ đó, Khuyên sống một mình, tự chăm sóc bản thân, ai cho gì ăn nấy, không có thì chỉ ăn cơm trắng với măng rừng hái được.

Điểm trường nơi Khuyên theo học (ảnh cô Nga cung cấp)

Điểm trường nơi Khuyên theo học (ảnh cô Nga cung cấp)

Ở Trường tiểu học Thành Long, không ai là không thương cảm cho hoàn cảnh của Khuyên nhưng rồi các thầy cô, phụ huynh học sinh cũng chỉ biết giúp em sống qua ngày bằng cái quần cái áo, chút thực phẩm. Bác ruột của em sống gần đó cũng hỗ trợ cho Khuyên nhưng cũng chỉ trong khả năng có hạn.

Sự việc chỉ thay đổi cho đến khi cô Phạm Thị Nga làm chủ nhiệm vào đầu năm học này và biết được hoàn cảnh của em.

Theo cô Phạm Thị Nga, cô bắt đầu chú ý đến Khuyên gần đây khi thấy em cứ lủi thủi một mình. Với kinh nghiệm 22 năm đứng lớp, linh tính mách bảo cho cô đây là một trường hợp đặc biệt. Sau khi biết hoàn cảnh của em, cô Nga đã đến nhà để tìm hiểu thêm.

Căn nhà của Khuyên

Căn nhà của Khuyên

"Nhìn em sống trong căn nhà tuềnh toàng đó, tôi thật sự xót xa. Hôm tôi đến, em vừa đi hái măng về. Vậy là hai cô trò vừa nhặt măng vừa nói chuyện. Chứng kiến bữa cơm của em mà tôi rơi nước mắt.

Các cô giáo trong trường ai cũng biết hoàn cảnh của Khuyên nhưng nói thật là tâm lý chung, không ai muốn chia sẻ lên mạng xã hội vì e ngại. Mọi người chỉ bảo nhau giúp được em cái gì thì giúp như cho quần áo hay chút đồ ăn.

Mãi đến gần đây, khi tôi đang dạy thì thấy có người nhà đến báo là bố em mất ở Lạng Sơn. Hôm đó, tôi đưa em về nhà, em khóc và tôi cũng khóc. Tối đó, tôi trằn trọc không sao ngủ được khi nghĩ cảnh mình trên chăn dưới đệm, còn thằng bé thì sống cảnh lạnh lẽo trong căn nhà gió lùa, thiếu hơi ấm người thân. Vậy là hôm sau tôi quyết định chia sẻ câu chuyện của em lên facebook".

Bữa cơm đạm bạc nhưng thường xuyên của Khuyên

Bữa cơm đạm bạc nhưng thường xuyên của Khuyên

Theo cô giáo Nga, mục đích khi đưa câu chuyện lên mạng xã hội của cô chỉ là để mọi người hỗ trợ Khuyên chút đồ ăn hoặc may mắn hơn là sửa lại cho em căn nhà. Nhưng cô Nga không ngờ câu chuyện lại nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng đến như vậy. Không chỉ ở Tuyên Quang mà các tỉnh xa cũng về thăm và trao quà, tiền tiết kiệm cho Khuyên rất nhiều. Rất mừng là em đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời của cộng đồng khi bố em vừa mất.

Nhưng điều cô Nga băn khoăn là từ hôm thông tin về Khuyên được đăng tải trên facebook và báo chí, không biết mẹ em có nhận được thông tin không mà vẫn chưa thấy về thăm con. Bà nội và ông bà ngoại của Khuyên cũng vậy.

"Lần bà nội về thăm cháu là hôm 15/11, khi bà về dự đám tang của bố Khuyên. Bà ở đây đến hôm thứ 3 thì về Yên Bái. Mấy hôm nay nhiều người đến thăm, tôi có gọi cho bà nội em để bà sắp xếp về đây cảm ơn mọi người nhưng vẫn chưa thấy đâu. Đêm hôm qua, tôi có gọi thêm lần nữa nhưng bà bảo, đang bận bán gà, bán lợn, xong mới về được", cô Phạm Thị Nga nói.

Cô Phạm Thị Nga và Khuyên (ảnh do cô Nga cung cấp)

Cô Phạm Thị Nga và Khuyên (ảnh do cô Nga cung cấp)

Qua trò chuyện với cô giáo Nga mới biết, hiện có nhiều thông tin sai lệch về câu chuyện của Khuyên, thậm chí còn có dấu hiệu trục lợi từ hoàn cảnh của em.

Đầu tiên, cô cho biết, Khuyên đi học chỉ có 2km từ nhà đến trường chứ không phải 20km như các báo và facebook đưa tin. Vì bây giờ đều có các điểm trường đến tận thôn bản nên không có chuyện các em học sinh phải đi học xa như ngày xưa.

Thứ 2, có facebook đứng ra kêu gọi mọi người khuyên góp tiền để mua quan tài chôn cất bố Khuyên là không đúng. Bởi tại thời điểm quyên góp thì bố Khuyên đã được chôn cất và làm lễ xong xuôi hết rồi.

Thứ 3, không có chuyện Khuyên cầm 10 triệu lên Lạng Sơn đưa bố về chôn cất. Thực tế, sau khi nghe tin bố Khuyên mất, biết em không được người thân hỗ trợ nên các thầy cô giáo trong trường bàn nhau góp tiền để giúp đỡ gia đình đưa bố em về. Cụ thể, mọi người mua một chiếc quan tài 4 triệu, thuê xe hết 2 triệu. Mỗi người một ít, gọi là cho vay rồi trả sau.

Nhà Khuyên có nhiều người đến thăm và giúp đỡ

Nhà Khuyên có nhiều người đến thăm và giúp đỡ

Thứ 4, một số tài khoản mạng xã hội còn đăng số tài khoản của cô Nga để mọi người quyên góp, ủng hộ cho Khuyên nhưng trên thực tế, cô Nga không hề cung cấp số tài khoản. Cô cũng chỉ kể câu chuyện của Khuyên lên mạng chứ không đưa ra lời kêu gọi quyên góp, ủng hộ. Số điện thoại cô công khai cũng là để chỉ dẫn mọi người đến thăm Khuyên hoặc kết nối họ với cơ quan đoàn thể như Hội Chữ thập đỏ, UBND xã. Vì chuyện đăng số tài khoản này mà bản thân cô bị ảnh hưởng rất nhiều.

Cho đến nay, số tiền ủng hộ Khuyên đã lên đến con số hàng trăm triệu. Trong đó, số tiền mà cô Nga biết đã trao cho Khuyên bằng hình thức sổ tiết kiệm là 50 triệu, 32 triệu và 12,5 triệu. Những khoản tiền này chỉ được rút khi Khuyên đủ 18 tuổi, còn hàng tháng chỉ được rút lãi. Khi nhận và rút phải có sự chứng kiến của 3 bên là Khuyên, Hội Chữ thập đỏ và chính quyền xã.

Ngoài ra, có những hội, nhóm độc lập lên thăm Khuyên, cô Nga cũng đưa họ đến trao trực tiếp cho Khuyên với số tiền từ 2-5 triệu đồng.

Rất đông người đến thăm hỏi và chia sẻ với hoàn cảnh của Khuyên

Rất đông người đến thăm hỏi và chia sẻ với hoàn cảnh của Khuyên

Có một thông tin chính xác mà cô Nga chia sẻ là cho đến nay, có nhiều người nhận nuôi Khuyên nhưng em không đồng ý vì đã quen sống một mình rồi. Bản thân cô Nga cũng từng bảo Khuyên về nhà cô ở, làm con thứ 3 của cô nhưng Khuyên từ chối.

Vui nhất là từ hôm nhận được sự quan tâm của cộng đồng, đời sống của Khuyên khá hơn hẳn. Nhà em đông vui nhộn nhịp vì có nhiều người đến thăm hỏi. Bữa ăn cũng được cải thiện hơn, có cá, có thịt. Vừa sáng nay, cô Nga cũng xách đến lớp cho Khuyên 2kg thịt lợn và ít rau xanh để học xong là em mang về nhà ăn dần.

Người mẹ trong bức vẽ của Khuyên

Người mẹ trong bức vẽ của Khuyên

"Vừa hôm qua khi đi thi giáo viên giỏi của huyện, tôi kể câu chuyện của Khuyên mà ai cũng cảm động. Đồng nghiệp khuyên tôi hãy vững tâm, đừng suy nghĩ nhiều về những lời lẽ không đúng về mình", cô Nga tâm sự.

Được biết, trường nội trú ở đây cũng đã nhận sẽ nuôi Khuyên ăn học, sống tại trường. Mong muốn sau này của các thầy cô giáo và chính quyền xã là sẽ dựng lại căn nhà để Khuyên sống yên ổn lâu dài. Cô Nga cũng nói rằng, tuy không đứng ra nhận tiền nhưng sẽ cập nhật cụ thể số tiền mà Khuyên nhận được một cách công khai, minh bạch để các nhà hảo tâm yên tâm giúp đỡ Khuyên".

Nguồn: [Link nguồn]

Cậu bé 10 tuổi sống cô độc, đi hàng trăm cây số đưa thi thể bố về chôn cất

Dù chẳng biết mặt bố nhưng nghe mọi người báo tin bố bị tai nạn chết trên cửa khẩu, cậu bé 10 tuổi vẫn vượt hàng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hà ([Tên nguồn])
Những phận đời kém may mắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN