Nhà báo Ai Cập ghi hình thần chết của mình

Một phóng viên ở Ai Cập được cho là đã ghi lại hình ảnh quân đội nổ súng vào người biểu tình và bắn chết chính phóng viên này.

Ngày 8/7, phóng viên trẻ tuổi Ahmed Assem của tờ Al-Horia Wa Al-Adala ở Ai Cập cùng với ít nhất 50 người khác đã ngã xuống khi lực lượng an ninh nổ súng vào đám đông biểu tình bên ngoài văn phòng Vệ binh Cộng hòa Ai Cập ở Cairo, nơi được cho là đang giam giữ vị Tổng thống bị lật đổ Mohammed Morsi.

Assem với tư cách là một phóng viên đã thâm nhập vào đoàn người biểu tình ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo này lúc rạng sáng hôm thứ Hai. Theo bạn bè và người thân, giây phút phóng viên này ngã xuống được ghi lại bằng chính chiếc máy quay phim của anh.

Nhà báo Ai Cập ghi hình thần chết của mình - 1

Phóng viên Ahmed Assem

Thông tin về cái chết của phóng viên Assem được xác nhận sau khi chiếc camera và điện thoại dính đầy máu của anh được tìm thấy tại khu trại của người biểu tình.

Ahmed Abu Zeid, biên tập viên văn hóa của tờ báo nơi Assem công tác cho biết: “Khoảng 6 giờ sáng, một người đàn ông đến trung tâm thông tin với một chiếc camera dính máu và nói với chúng tôi rằng một đồng nghiệp của chúng tôi bị thương.”

Nhà báo Ai Cập ghi hình thần chết của mình - 2

Người ủng hộ Anh em Hồi giáo biểu tình bên ngoài doanh trại Vệ binh Cộng hòa

“Khoảng 1 tiếng sau, tôi nhận được tin Ahmed đã bị một tay súng bắn tỉa bắn vào đầu trong khi đang quay phim hoặc chụp ảnh trên nóc một tòa nhà. Chiếc camera của Ahmed là thứ duy nhất ghi lại toàn bộ diễn biến vụ việc ngay từ đầu. Chiếc camera này là bằng chứng chứng minh sự vi phạm cam kết của quân đội.”

Đoạn phim trong chiếc camera này quay lại cảnh một tay súng bắn tỉa đứng nấp trên nóc một ngôi nhà màu vàng. Tay súng này bắn nhiều phát đạn, rồi sau đó đột ngột quay súng chĩa về đúng ống kính camera. Đoạn phim kết thúc, cũng như cuộc đời của Ahmed Samir Assem.

Theo Telegraph, hoàn cảnh diễn ra vụ nổ súng trong đoạn phim này rất khó xác minh. Tuy nhiên một số nhân chứng nói rằng có những tay súng bắn tỉa trấn giữ trên các tòa nhà xung quanh địa điểm biểu tình.

Trong một buổi họp báo, những người ủng hộ Anh em Hồi giáo đã đưa ra đoạn trích của video 20 phút được cho là do Assem quay được và coi đây là bằng chứng cho hành động thảm sát trên đường phố thủ đô Ai Cập.

Nhà báo Ai Cập ghi hình thần chết của mình - 3

Hình ảnh cuối cùng do chiếc camera ghi lại được

Một đoạn video khác quay lại những giây phút cuối cùng trước khi Assem bị bắn được đưa lên trang Facebook của phóng viên này, tuy nhiên nguồn gốc của video này cũng không thể xác minh được một cách độc lập.

Bạn bè của Assem cho rằng điều chắc chắn là Assem đã để lại một bằng chứng sống động cho sự kiện vốn đang gây tranh cãi quyết liệt tại Ai Cập. Những người ủng hộ ông Morsi thì cho rằng họ bị quân đội nổ súng bắn từ đằng sau trong khi đang cầu nguyện và không hề có hành động khiêu khích. Trong khi đó, phía quân đội cho rằng lực lượng an ninh chỉ nổ súng sau khi người biểu tình tìm cách tràn vào doanh trại của Vệ binh Cộng hòa.

Cũng có nguồn thông tin cho rằng phát súng đầu tiên là do những kẻ khiêu khích cài cắm gây ra nhằm kích động bạo lực.

Dù sự thật là thế nào đi chăng nữa thì phong trào Anh em Hồi giáo cũng tuyên bố rằng những cảnh quay cuối cùng của Assem đã nói lên tất cả và họ sẽ sử dụng nó làm bằng chứng chống lại quân đội. Tuy nhiên những người này từ chối yêu cầu được sao chép lại bản gốc của đoạn video này tại thời điểm nó được tung ra.

Nhà báo Ai Cập ghi hình thần chết của mình - 4

Quân đội Ai Cập chốt giữ tại các ngả đường ở Cairo

Đồng nghiệp của Assem tại tờ Al-Horia Wa Al-Adala, tờ báo chính thức của đảng Tự do và Công lý, một phe cánh chính trị của phong trào Anh em Hồi giáo nói rằng phóng viên này là một chuyên gia năng nổ với hơn 10.000 bức ảnh chụp được kể từ khi bắt đầu sự nghiệp phóng viên ảnh cách đây 3 năm.

Tuy nhiên, ngay sau khi đoạn video này được đưa lên mạng, nhiều độc giả đã tỏ ý nghi ngờ về độ chân thực của nó. Một độc giả thắc mắc: Đoạn video này giống như được quay bằng chiếc điện thoại từ thời năm 2000. Tại sao một phóng viên ảnh đi tác nghiệp lại quay đoạn video chất lượng thấp như vậy?

Một độc giả khác thắc mắc tại sao đoạn video lại ngừng đột ngột ở giây phút gay cấn nhất trước khi đưa ra bất cứ bằng chứng nào về một vụ giết người và cho rằng nó đã bị biên tập để phục vụ mục đích chính trị của Anh em Hồi giáo, bởi vậy nó không nói lên được bất cứ điều gì về tình hình đang diễn ra ở Ai Cập.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo Telegraph) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN