“Người rừng” may áo bằng vỏ cây

Sống trong rừng sâu suốt hơn 40 năm, cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang đã khiến nhiều người dân trong làng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Cha con ông Hồ Văn Thanh đã “vận dụng” bản năng vốn có của con người để đối chọi lại với cuộc sống khắc nghiệt của thiên nhiên nơi “rừng thiêng nước độc”…

Biết làm áo mưa, đan áo

Trong số hàng chục món đồ vật được người dân mang từ căn lều trên thân cây của cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh về, có rất nhiều vật dụng do chính tay cha con “người rừng” làm để phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Món “độc nhất” là cái áo mưa do cha con “người rừng” tự chế tác. Họ làm áo mưa bằng cách đan một khung tre dài gần 1m rồi lấy lá cây rừng lợp thành nhiều lớp dọc theo khung tre. Mỗi khi mưa xuống, cha con “người rừng” chỉ cần đội chiếc áo mưa ấy trên đầu đi kiếm cái ăn là chẳng hề ướt.

“Người rừng” may áo bằng vỏ cây - 1

Chiếc áo mưa kỳ lạ do cha con người rừng tự tay “sản xuất”

“Người rừng” may áo bằng vỏ cây - 2

Chiếc áo y hệt áo vải bình thường nhưng lại được làm ra từ vỏ cây và dây rừng

Không chỉ tự thiết kế ra loại áo mưa “độc”, cha con “người rừng” còn tự tay đan áo. Không ít người ngạc nhiên khi chỉ bằng vỏ cây và dây rừng, cha con họ lại có thể đan thành những chiếc áo mặc trên người. Ngoài những chiếc khố, cha con “người rừng” còn đan 2 chiếc áo ấm, cũng bằng vỏ cây và dây rừng để chống rét trong mùa đông. Nhìn chiếc áo lạ, những người có mặt tại căn chòi của cha con “người rừng” đều phải gật gù thán phục.

Suốt bao năm qua, hai cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh còn đan những chiếc gùi, túi đựng làm từ cây và dây rừng. Họ biết chọn nơi ở gần bên con suối, rồi dùng những thân cây bắt dài từ con suối dẫn nước về nơi ở.

Làm búa, rìu, dao từ mảnh bom đạn

“Người rừng” may áo bằng vỏ cây - 3

“Người rừng” may áo bằng vỏ cây - 4

Hàng chục dụng cụ tự chế kỳ lạ của cha con “người rừng”

Ai cũng ngạc nhiên khi thấy có quá nhiều dụng cụ lao động tự chế của cha con “người rừng”. Nào là dao, búa, rìu, rựa, xoong nồi… Những công cụ này phần lớn đều được làm từ những mảnh bom đạn vỡ. “Người rừng” đã nhặt những mảnh bom đạn còn sót lại trong rừng rồi mang về mài, đập gõ để chế ra những dụng cụ cần thiết cho cuộc sống.

Sống trong rừng, cha con ông Hồ Văn Thanh không thiếu một dụng cụ nào trong sản xuất nông nghiệp, dù những dụng cụ họ làm ra không đẹp, không tốt như những công cụ bình thường. Từ những dụng cụ thô sơ ấy, cha con “người rừng” đã phát rẫy trồng trọt, săn bắt thú rừng để sống.

Trong căn chòi làm trên thân cây, người ta đã phát hiện rất nhiều nguồn lương thực dự trữ do cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh trồng trọt mà có. Từ lúa gạo, mè, thuốc lá... Thậm chí họ còn dự trữ những miếng thịt động vật đã phơi khô.

“Người rừng” may áo bằng vỏ cây - 5

Lương thực dự trữ của cha con ông Hồ Văn Thanh

Chi tiết về cuộc sống giữa rừng sâu của cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh như thế nào, còn phải chờ một thời gian sau nữa, khi cha con họ thật sự đã hòa nhập lại với cộng đồng và nói được bằng đúng tiếng của Cor của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Võ Hoàng Uyên ([Tên nguồn])
"Người rừng" ở Quảng Ngãi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN