Người "phải lòng" ông Tiến sĩ giấy

Sự kiện: Tết Trung thu

Sắp đến rằm Trung thu, căn nhà nhỏ của cô Nguyễn Thị Tuyến thôn Hậu Ái, Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội lại tất bật vào mùa, đâu đâu cũng thấy sự hiện diện của những đồ chơi truyền thống. Với 52 tuổi đời nhưng có đến hơn 40 năm tuổi nghề, cô tự nhận mình là người “phải lòng” ông tiến sĩ giấy.

Đi đến thôn Hậu Ái, Vân Canh, Hoài Đức, chúng tôi hỏi thăm nhà cô Tuyến chuyên làm ông Tiến sĩ giấy cho trẻ nhỏ. Được sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi không khó để tìm đến nhà cô.

Với cái quán trà đá nho nhỏ, cô Tuyến vừa bán hàng vừa thoăn thoắt vót những chiếc nan tre. Những chiếc nan trẻ mỏng manh, dẻo dai được đan với nhau, chỉ vài phút đã định hình được phần xương của con giống, đèn ông sao… những đồ chơi làm trẻ con thời xưa mê mệt.

Người "phải lòng" ông Tiến sĩ giấy - 1

Đầy đủ bộ ông Tiến sĩ giấy trong mâm ngũ quả đêm Rằm Trung thu

Cô Tuyến năm nay 52 tuổi mà đã có đến hơn 40 năm tuổi nghề. Ngày nay, nghề sản xuất đồ chơi truyền thống không còn đem lại giá trị kinh tế nữa, nhưng đối với cô, nó lại là một niềm vui không thể thiếu. Chẳng phải để kinh doanh mà chỉ làm để cho đỡ nhớ và muốn lưu giữ lại một nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Người "phải lòng" ông Tiến sĩ giấy - 2

Cô Tuyến có thể làm đồ chơi trẻ em ở mọi lúc mọi nơi

Cô kể: “Cả làng Hậu Ái chỉ còn mỗi nhà tôi làm ra những ông Tiến sĩ giấy, đèn ông sao, con giống… để phục vụ các em nhỏ đón rằm Trung thu. Từ năm 10 tuổi, những đứa trẻ con nhà nghề như chúng tôi đã biết làm những chiếc quần ông tiến sĩ, xâu tay chân, điểm màu trang trí cho sản phẩm thật hợp lý và đẹp mắt. Làm nhiều thành quen, tôi cũng không dứt được, năm nào không làm là nhớ lắm”.

Người "phải lòng" ông Tiến sĩ giấy - 3

Trong nhà cô, đâu đâu cũng thấy trò chơi truyền thống

Làm nên một sản phẩm bằng giấy và tre này quả thực là không khó, người thợ chỉ cần một chút tỉ mỉ, kiên trì và óc sáng tạo là có thể làm được. Với các thể loại đồ chơi to nhỏ đủ kích cỡ, để phục vụ đủ hàng cho trẻ nhỏ quanh khu vực, gia đình cô phải bắt tay làm từ đầu tháng 8. Cô tâm sự: “Chỉ khi rảnh rỗi mới bắt tay làm được, gia đình cũng không dám nhận nhiều đơn đặt hàng, năm nay đã có 3 cơ sở nhận hàng với số lượng lớn. Gia đình 4 người chúng tôi phải làm đến sát ngày rằm mới nghỉ”.

Người "phải lòng" ông Tiến sĩ giấy - 4

Đèn cầy hình chú công này rất hút trẻ vì độ khéo léo, rực rỡ

Trong nhà cô Tuyến, đâu đâu cũng thấy sự hiện diện của ông Tiến sĩ giấy. Cô giải thích về ý nghĩa của món đồ chơi này: “Ông Tiến sĩ giấy đủ bộ thì phải có 3 ông, một ông chính ngồi giữa có ghế và lọng, hai ông nhỏ bên cạnh múa gậy để bảo vệ ông ngồi giữa. Ông Tiến sĩ giấy để bầy mâm ngũ quả cho trẻ vào rằm tháng 8, đúng vào dịp đầu năm học. Ông tiến sĩ tượng trưng cho việc giáo dục trẻ nhỏ chăm ngoan để cuối năm học nhận nhiều bằng khen và đỗ đạt”.

Người "phải lòng" ông Tiến sĩ giấy - 5

Cô Tuyến người duy nhất sót lại với nghề chia sẻ: " Tôi như người phải lòng ông Tiến sĩ giấy vậy"

Giải thích xong, cô Tuyến thở dài, giọng buồn buồn: "Ngày xưa nhộn nhịp với tiếng lộc cộc, với muôn màu của những tấm giấy... thì nay lặng lẽ hẳn. Những món đồ chơi cứ lặng lẽ treo ở đó đến khi bụi phủ kín cũng chẳng còn ai để tâm. Đồ chơi bằng pin, bằng điện của Trung Quốc giờ càng thu hút trẻ con hơn. Rồi cũng đến khi tôi không còn đủ sức để níu giữ chút truyền thống này nữa. Chỉ tội cho những đứa trẻ sau này, không biết mùi Trung thu truyền thống".

Đã qua 40 năm, không năm nào cô Tuyến không tự tay làm đủ bộ đồ chơi Trung thu, đặc biệt bộ Tiến sĩ giấy để phục vụ trẻ con làng Hậu Ái. Cô bảo: “Tôi như người phải lòng ông Tiến sĩ giấy vậy”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hòa Anh ([Tên nguồn])
Tết Trung thu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN