Người đầu tiên trên thế giới sắp phẫu thuật cắt lìa đầu

Ca phẫu thuật dự kiến sẽ kéo dài khoảng 36 giờ đồng hồ với chi phí ước tính lên tới 11,1 triệu USD.

Ngày 8/4, công dân người Nga Valery Spiridonov tuyên bố anh sẽ là người đầu tiên trên thế giới tình nguyện thử nghiệm phương pháp phẫu thuật cắt lìa đầu để ghép vào một cơ thể mới của bác sĩ người Ý Sergio Canavero, và dự kiến ca phẫu thuật chưa từng có tiền lệ này sẽ diễn ra vào năm sau.

Ngay từ khi sinh ra, Spiridonov đã mắc căn bệnh di truyền quái ác Werdnig-Hoffman khiến anh bị liệt và phải ngồi trên xe lăn suốt quãng đời vừa qua. Kỹ sư công nghệ thông tin 30 tuổi này cho biết anh muốn có cơ hội trải nghiệm một cơ thể khỏe mạnh trước khi chết. Anh nói: “Quyết định của tôi là cuối cùng, và tôi sẽ không thay đổi quyết định đó”.

Người đầu tiên trên thế giới sắp phẫu thuật cắt lìa đầu - 1
Anh Spiridonov sẽ là người đầu tiên trên thế giới phẫu thuật ghép đầu sang một cơ thể khác

Spiridonov thú nhận rằng mặc dù “rất sợ hãi”, song anh không muốn để vuột mất cơ hội thay đổi số phận này, khi tình trạng sức khỏe của anh đang ngày càng một giảm sút.

Được biết Spiridonov và bác sĩ Canavero đã trao đổi với nhau qua Skype nhiều lần, và Spiridonov đã đáp ứng được các yêu cầu mà vị bác sĩ này đề ra cho cuộc đại phẫu thuật chưa từng diễn ra trên thế giới này.

Tuy nhiên, bác sĩ Canavero tỏ ra rất tự tin về khả năng thành công của cuộc phẫu thuật ghép đầu này. Ông cho biết thử nghiệm ghép đầu đầu tiên đã được thực hiện trên loài khỉ cách đây 45 năm, và mới đây các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã thực hiện ca phẫu thuật ghép đầu trên loài chuột.

Theo quy trình phẫu thuật do bác sĩ Canavero vạch ra, cơ thể mới của Spiridonov sẽ được lấy từ một người hiến tạng khỏe mạnh nhưng bị chết não. Đầu của bệnh nhân và người hiến tạng sẽ được cắt lìa cùng một lúc bằng một loại dao siêu sắc để tạo thành vết cắt “ngọt” nhất có thể.

Người đầu tiên trên thế giới sắp phẫu thuật cắt lìa đầu - 2
Bác sĩ Canavero thuyết trình về phương pháp phẫu thuật của mình

Sau đó, chiếc đầu bị cắt lìa của bệnh nhân sẽ được đặt lên cổ của người hiến tạng và được gắn bằng một thứ mà bác sĩ Canavero gọi là “nguyên liệu thần kỳ” – một hợp chất dạng keo có tên gọi là polyethylene glycol – có tác dụng kết nối hai đầu tủy sống của hai cơ thể với nhau.

Phần cơ và mạch máu ở cổ sẽ được nhanh chóng khâu lại, trước khi bệnh nhân được đưa vào trạng thái hôn mê trong vòng 4 tuần trong khi chờ đợi đầu và cơ thể mới liền lại với nhau.

Khi tỉnh dậy, bệnh nhân có thể cử động, cảm nhận được khuôn mặt của mình và thậm chí có thể nói bằng giọng cũ. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch mạnh để ngăn chặn quá trình đào thải của cơ thể mới.

Ca phẫu thuật này dự kiến sẽ kéo dài khoảng 36 giờ đồng hồ, và chỉ có thể được tiến hành ở những phòng phẫu thuật hiện đại bậc nhất thế giới, với chi phí ước tính lên tới 11,1 triệu USD.

Người đầu tiên trên thế giới sắp phẫu thuật cắt lìa đầu - 3
Ca phẫu thuật có thể kéo dài 36 tiếng đồng hồ với chi phí lên tới 11,1 triệu USD. Ảnh minh họa

Tuy nhiên một số chuyên gia y tế lại cho rằng kế hoạch này của bác sĩ Canavero “hoàn toàn là ảo tưởng”, thậm chí họ còn so sánh vị bác sĩ này với nhân vật Frankenstein trong truyện kinh dị.

Ông Hunt Batjer, chủ tịch Hội Bác sĩ Phẫu thuật Thần kinh Mỹ thì cho rằng bác sĩ Canavero là “điên rồ”. Ông nói: “Tôi không muốn cuộc phẫu thuật này diễn ra trên bất cứ người nào. Tôi cũng sẽ không cho phép bất cứ ai làm điều đó với tôi, bởi nó chứa đựng những thứ còn tồi tệ hơn cả cái chết”.

Các chuyên gia này cũng cho rằng bác sĩ Canavero đã đơn giản hóa quá mức quá trình gắn kết tủy sống vốn vô cùng phức tạp khi cho rằng loại “nguyên liệu thần kỳ” của ông có thể giải quyết tất cả.

Hiện bác sĩ Canavero vẫn chưa tìm được nguồn tài trợ để tuyển mộ đội ngũ khoảng 150 bác sĩ và y tá cần thiết cho một cuộc phẫu thuật phức tạp và khó khăn như vậy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN