Người dân lo uống nước hoa quả bị phạt vì hơi thở có cồn: “Không thể phạt oan”

Liệu Bộ Y tế có đề xuất sửa luật trong khi nhiều người đang lo lắng vì thông tin “dù không uống một giọt rượu bia nào nhưng ăn trái cây vẫn có nồng độ cồn trong máu có thể bị phạt”?

CSGT hướng dẫn người tham gia giao thông thổi vào máy đo nồng độ cồn

CSGT hướng dẫn người tham gia giao thông thổi vào máy đo nồng độ cồn

Kể từ 1/1/2020 khi lái xe mà có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt sẽ rất nặng. Tuy nhiên, quy định này cũng khiến nhiều người lo lắng bởi có thông tin không uống rượu bia khi lái xe vẫn có thể bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn do việc sử dụng một số loại hoa quả (như vải, nho, dứa..) lên men, thậm chí là thuốc (như siro ho..), dẫn đến bị xử oan nếu phải kiểm tra nồng độ cồn.

Một số ý kiến bày tỏ lo lắng và cho rằng Bộ Y tế nên đề xuất sửa đổi Luật Phòng chống tác hại rượu bia.

BS Trần Văn Phúc, BV Xanh Pôn chia sẻ, ông băn khoăn với quy định nồng độ cồn trong cơ thể phải bằng 0 khi lái xe. Giới hạn bằng 0 tuyệt đối có nghĩa là bất kì ai có nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở trên con số 0, sẽ bị coi là bất hợp pháp. Theo ông Phúc, con số giới hạn bằng 0 tuyệt đối này, trong một số trường hợp cụ thể sẽ gây ra những hệ lụy pháp lý phức tạp, có thể kể đến việc sử dụng hoa quả lên men khiến trong máu có cồn khiến tài xế bị xử phạt dù họ không hề sử dụng rượu bia.

Trao đổi với PV về những băn khoăn, lo lắng của người dân, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đã khẳng định: “Giới hạn nồng độ cồn trong máu bằng 0 là chưa chính xác. Bộ Y tế sẽ không đề xuất sửa Luật Phòng chống tác hại rượu bia”.

Đại diện cơ quan soạn thảo Luật này cho biết, đối với người ăn trái cây lên men có hàm lượng cồn rất nhỏ, không còn đáng kể lượng cồn trong máu.

“Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi kiểm tra đối với những người vừa ăn xong mà lái xe thì mới vượt 0. Còn ăn xong và đi lại thì chỉ 10-15 phút là thực phẩm đó đã được chuyển hóa và bay hơi. Không có ai vừa ăn xong trái cây đã lên xe lái ngay còn đối với những người vừa ăn xong lái xe ngay thì lượng cồn có trong máu không đáng kể và sẽ không bị xử phạt, bà Trang nói.

Theo bà Trang, thay vì đề xuất sửa Luật Phòng chống tác hại rượu bia như mọi người kiến nghị, Bộ Y tế sẽ tuyên truyền để mọi người biết là có hàm lượng cồn rất nhỏ trong máu do thực phẩm thì người tham gia giao thông sẽ không vấn đề gì cả. Trong trường hợp những người cố tình uống rượu bia sau đó lái xe mà nói là do ăn thực phẩm hoặc uống nước ngọt thì sẽ bị xử phạt nặng hơn nữa.

“Bên cạnh đó, chúng tôi được biết qua kiểm tra, CSGT cũng nắm được ai là người có nồng độ cồn do rượu bia, ai là người có nồng độ cồn do thực phẩm. Họ không thể phạt oan”, bà Trang khẳng định.

Trong khi đó, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, người dân không nên quá lo lắng bởi quy trình kiểm tra, xét nghiệm nồng độ cồn của lực lượng CSGT hiện nay là rất chính xác, rất khó để xảy ra trường hợp xử phạt oan.

“Luật hoàn toàn đúng về mặt khoa học. Trường hợp người dân có sử dụng các loại thực phẩm, thuốc có chứa cồn thì lưu ý nên nghỉ ngơi ít nhất từ 15 phút đến nửa tiếng rồi mới tham gia giao thông còn nồng độ cồn trong các loại thực phẩm này đều không cao và sẽ bay hơi chỉ sau một thời gian ngắn”, BS Nguyên nói.

Lực lượng CSGT sẽ thực hiện 5 bước theo quy trình để kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông, cụ thể như sau:

Bước 1: Thông báo cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhiệm vụ kiểm tra theo kế hoạch, chuyên đề.

Bước 2: Mời người tham gia giao thông chấp hành kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng CSGT.

Bước 3: Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông bằng máy kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở bằng máy chuyên dụng. Người bị kiểm tra sẽ ngậm vào ống thổi, sau đó thổi dứt khoát vào máy cho đến khi cán bộ kiểm tra thông báo ngừng lại.

Bước 4: Nếu người bị kiểm tra không vi phạm về nồng độ cồn sẽ tiếp tục di chuyển. Nếu vi phạm về nồng độ cồn theo nghị định 100/2019/NĐ – CP thì lực lượng CSGT sẽ kiểm tra đăng ký xe, GPLX và các giấy tờ hành chính có liên quan.

Bước 5: Thông báo lỗi vi phạm nồng độ cồn, mức xử phạt và lập biên bản theo quy định.

Mức phạt mới đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn
Bạn nghĩ thế nào về mức phạt mới đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn từ 1/1/2020?

Nguồn: [Link nguồn]

Tài xế “không phục” kết quả kiểm tra nồng độ cồn bằng ống thở, CSGT xử lý thế nào?

Lực lượng CSGT sẽ thực hiện 5 bước theo quy trình để kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Xử phạt lái xe có nồng độ cồn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN