Người báo bão không lương
Với hai chiếc ICOM, một tầm trung, một tầm xa, 5 năm qua anh Nguyễn Quang Phú, 36 tuổi (cảng cá Thuận An, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) đã cung cấp cho ngư dân Thừa Thiên - Huế hàng chục ngàn thông tin nóng hổi về thời tiết, đường đi của bão biển.
Anh còn là một kênh tiếp nhận và thông tin kịp thời đến các cơ quan có chức trách vào cuộc xử lý những chuyện bất trắc xảy đến giữa biển khơi.
Phú ICOM
Vốn xuất thân là ngư phủ, năm 1993, Phú quyết định “cập bờ” để đi tìm việc khác. Sau thời gian dài “vắt óc” suy nghĩ, Phú chọn học nghề được liệt vào “hàng độc” thời bấy giờ: Nghề sửa thiết bị đi biển. “Định vị được nghề để đeo đuổi, nhưng học cái gì, học ở đâu thì tui cũng mơ hồ. Đến lần nọ, lần mò theo những thông tin ghi trên phiếu bảo hành chiếc máy ICOM của ngư dân vừa tậu, tui hay tin Cty cung cấp máy này còn đào tạo sửa chữa: COM, máy tầm ngư, thiết bị định vị GPS... cho những người có nhu cầu học. Nghe được rứa, tui sướng như vừa vớ lấy được vàng” - Phú kể với giọng thọ thẹ của người miệt biển.
Phú tức tốc cơm đùm gạo bới vào miền Nam đăng ký theo học lớp sửa chữa thiết bị hàng hải của Cty CP thiết bị hàng hải có trụ sở tại TPHCM. Hai năm sau, Phú ra nghề. Bỏ qua những lời mời mọc, níu giữ các nơi, anh quyết định trở về quê biển lập nghiệp. Mấy năm đầu mở tiệm, “nghề độc” của anh ế ẩm lạ lùng.
Sửa chữa thiết bị đi biển là công việc chính để nuôi sống cả gia đình
Căn nguyên do thời bấy giờ, ICOM của ngư dân Thừa Thiên - Huế dùng hàng mới, hoặc giả dụ như có cũ thì mua về sử dụng chưa lâu: “Thời đó, máy ICOM toàn đồ của Nhật, tiền mua bằng cả gia tài. Một chiếc máy mới mua đến lúc trở chứng cũng phải ngót nghét chục năm. Vì rứa mà thời gian đầu tiệm của mình chỉ đông người mang máy đến nhờ hướng dẫn sử dụng, vắng khách sửa, nên chẳng dám thò tay lấy tiền” - Phú nhớ lại.
Phú lại vào miền Nam tìm đến Cty CP thiết bị hàng hải liên hệ làm đại lý phân phối, kiêm luôn trách nhiệm bảo hành sản phẩm cho Cty. Nhờ đó, anh bám trụ với nghề cho tới hôm nay. Ngót nghét 16 năm nghiên cứu, sửa chữa thiết bị đi biển, Phú là một “lương y” của những chiếc ICOM, GPS. “Bất kể thiết bị gì trở chứng, qua tay anh Phú ICOM đều “khoẻ mạnh” trở lại. Mà tiền thì tốn ít hơn nơi mô hết” - ngư dân Đỗ Văn Khể, xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang - nói.
Trước đây, chiếc ICOM của ông Khể mang đi nhiều nơi sửa chữa tốn tiền triệu nhưng chỉ một thời gian sau lại nổi chứng “cà tưng”. Được người bạn giới thiệu đến tiệm của Phú, chiếc ICOM của ông Khể chưa một lần sửa quá trăm ngàn. “Khoảng năm 2000 trở đi, riêng ở Thuận An có đến vài người mở tiệm làm nghề ni. Nhưng rồi được thời gian thì dẹp tiệm hết” - anh Phú nói. Nguyên nhân thì Phú không dám nói vì chuyện nghề tế nhị. Nhưng ông Khể thì nói ngay, rằng do vừa sửa kém mà... chém đẹp nên dân ở đây chẳng ai dám tìm đến.
Đang dở câu chuyện, chiếc điện thoại bên cạnh đổ chuông, Phú nhấc máy giọng “ngọt” chẳng khác nhân viên tổng đài thứ thiệt: “Dạ, Phú nghe”. “Ngày 23/10 có đợt gió mùa yếu, chú cứ yên tâm đi biển. Có gì giữ liên lạc nhé”.
Ngày gặp Phú cũng là ngày ngư dân Thừa Thiên - Huế bắt đầu chuyến ra khơi mới. Đó cũng là ngày mà anh phải làm việc cật lực từ sáng sớm đến tối mịt để chỉnh sửa thiết bị, tiếp nhận hàng trăm cuộc điện thoại để ngư dân kịp ra khơi: “Từ bốn giờ sáng đến giờ, điện thoại phải cắm sạc pin, liên tục nhận cuộc gọi hỏi về thời tiết trong mấy ngày sắp tới. Giờ còn cả chồng máy sửa chưa xong nhưng những cuộc gọi như vừa rồi không thể không nghe” - anh Phú tâm sự.
“Tổng đài” báo bão
Cơ duyên đưa Phú từ ông thợ sửa ICOM thành “người báo bão” bắt đầu từ năm 2007. Năm đó, trong một lần lắng nghe nguyện vọng của ngư dân, ông Nguyễn Văn Nhuận - Giám đốc cảng cá Thuận An - nảy ra ý tưởng tìm người giúp dân nắm thông tin thời tiết. Tài năng, sự nhiệt thành của Phú đã được ông Nhuận nhìn thấy.
Đích thân vị giám đốc này đã đến mời Phú, cho không một phòng làm việc ngay tại trụ sở cảng, lắp máy tính nối mạng Internet, máy ICOM - một tầm trung, một tầm xa - để Phú liên lạc, thông tin thời tiết cho ngư dân. Chẳng bao lâu, Phú đã trở thành chiếc phao đem bình yên cho ngư dân giữa khơi xa đầy trắc trở.
Anh Phú hướng dẫn cho ngư dân sử dụng máy định vị GPS (ảnh phải)- Ảnh: Đăng Khoa
Những ngày biển động, Phú đành gác lại công việc, ngồi lỳ trước màn hình máy tính, truy cập mạng dự báo thời tiết của Việt Nam, Nhật Bản, Hoa Kỳ... ghi chép, tổng hợp đưa tin kịp thời đến ngư dân.
Trong 5 năm, hai chiếc máy ICOM suốt ngày è è tín hiệu, rất nhiều câu chuyện có khi là khẩn cấp, có khi chỉ là chuyện thường ngày ở cảng được Phú tiếp nhận xử lý, ghi chép chi chít hết 5 cuốn nhật ký với trên 1.000 trang giấy. Phú kể, có khi nửa đêm, cả nhà đang yên giấc, điện thoại di động vẫn réo lên. Đầu dây bên kia, giọng một ngư dân ngáp dài ngáp ngắn hỏi chuyện thời tiết. Cũng có hôm, một gia đình có người cao tuổi sắp mất nhờ báo tin ra khơi cho thân nhân kịp về lo đám.
Kể chuyện bão, ngư dân Nguyễn Văn Chinh ở Thuận An vẫn còn nổi gai ốc khi nhớ về trận bão to cuối năm 2009: “Bạn thuyền tui nếu không có những thông tin về thời tiết kịp thời của anh Phú về trận bão đó thì e đã làm mồi cho cá biển”.
Hôm đó, nhìn ảnh mây vệ tinh, Phú biết hoàn lưu bão sẽ quét qua khu vực tàu cá của ngư dân Thừa Thiên - Huế đang đánh bắt. Lập tức, Phú nhấc ICOM báo cho nhiều tàu cá ở Thuận An, Vinh Thanh, Phú Diên... chạy vào bờ. Nhưng ông Chinh và nhiều tàu đánh cá lạc - thời tiết xấu mới bắt được nhiều cá đã cố nán lại.
Đến khuya trời nổi sóng to gió lớn, tình hình nguy ngập, Phú thét lớn trong ICOM: “Các tàu chú ý đổi hướng chạy vào cảng Chân Mây mà tìm chỗ trốn”. Sau vụ đó, ông Chinh và nhiều tàu cá lạc mỗi khi nghe Phú báo sắp có sự chẳng lành là y rằng cuốn lưới lên bờ cho an sự.
Và không chỉ có chuyện bão, 8 giờ sáng ngày 26/12/2009 nhận được tín hiệu kêu cứu từ bộ đàm của một tàu cá ở Thừa Thiên - Huế về sự vụ 4 tàu cá Quảng Ngãi tông hư hỏng nặng tàu cá mang biển hiệu TTH 95111 của ông Huỳnh Văn Hưng (xã Phú Hải, Phú Vang). Vài tàu cá của ngư dân cạnh đó nhưng không ai dám đến ứng cứu vì tàu cá Quảng Ngãi khá manh động. Sau khi gây ra sự việc, tàu Quảng Ngãi bỏ đi. Anh Phú lập tức điện thông báo về hải đội 2, lực lượng kiểm ngư Thừa Thiên - Huế can thiệp, áp tải bốn tàu cá này vào bờ để xử lý. Ông Hưng giọng tri ân: “Lúc đó tình hình căng thẳng lắm, điện vào bộ đàm lại chập chờn, nếu không có anh Phú nắm thông tin nhanh, kịp thời báo cho lực lượng biên phòng thì e hậu quả khó lường”.
Trong 5 năm, hai chiếc máy ICOM suốt ngày è è tín hiệu, rất nhiều câu chuyện có khi là khẩn cấp, có khi chỉ là chuyện thường ngày ở cảng được Phú tiếp nhận xử lý, ghi chép chi chít hết 5 cuốn nhật ký với trên 1.000 trang giấy. |
Một lần khác, đang ngồi sửa chiếc máy GPS, Phú bỗng nghe tiếng kêu cứu khẩn thiết phát ra từ bộ ICOM: Tàu cá mang biển số TTH 0748 B1 của ông Đỗ Hữu Thông - ngư dân xã Vinh Thanh đang đánh cá ở vùng biển Thừa Thiên - Huế - đâm phải tàu cá ngư dân Bình Định. 18 tàu cá Bình Định đã quay lại truy đuổi, áp sát cố tông vào những tàu cá này để... trả đũa. Những thông tin ngắt quãng, lộn xộn phát ra từ ICOM, Phú chỉ kịp ghi toạ độ rồi điện cấp báo ngay cho lực lượng biên phòng Thừa Thiên - Huế kịp thời giải quyết... tránh xảy ra một vụ hỗn chiến giữa biển khơi.
Mới đây nhất ngày 18/10, 6 người trên tàu buôn cá TTH 94122 của ông Lê Giáp (thôn Tân Mỹ, thị trấn Thuận An) cũng được cứu sống nhờ những thông tin của Phú. Lực lượng biên phòng Thừa Thiên - Huế đã truy bắt được tàu chở hàng Nghi Sơn CEMENT - Thanh Hoá gây tai nạn để xử lý, bồi thường thiệt hại cho ngư dân.
Nói về việc của mình đang làm, Phú chỉ tóm gọn: “Không phải vì làm cái việc không lương mà lơ đễnh được mô. Nó là mạng sống, miếng cơm manh áo của cả hàng ngàn con người, nên mọi thông tin đưa ra đều phải cân nhắc kỹ lưỡng, phải có độ chính xác cao. Lơ mơ gọi dân vào bờ, tiền dầu tốn bạc tỉ mà chẳng thấy bão, thấy gió thì có bán nhà cũng không đền nổi”.
Trên cảng cá Thuận An, tàu nhỏ, to cập bến, ngư dân sau chuyến khơi xa được lộc biển ban. Cũng như bao lần, Phú khoanh tay đứng cửa cảng mà cười, mà vui. Anh chưa dám một lần dạo quanh cảng cá vì ngại chuyện ngư dân biếu cá, mực đền ơn. Với riêng anh, công việc sửa ICOM mà ngư dân mang lại để có tiền lo cho vợ, nuôi hai con nhỏ cũng đã là sự đền ơn xứng đáng.
Làm việc không lương Ông Nguyễn Văn Nhuận - Giám đốc cảng cá Thuận An - cho biết: Mỗi năm, anh Nguyễn Quang Phú đã cung cấp cho ngư dân Thừa Thiên - Huế và các tỉnh lân cận trên 5.000 thông tin về thời tiết. Cũng nhờ có Phú mà trong mấy năm trở lại đây, ngư dân Thừa Thiên - Huế ít thiệt hại do bão, áp thấp nhiệt đới... Những tình huống như tai nạn, mâu thuẫn, xung đột giữa các ngư dân trên biển đều được Phú tiếp nhận, báo cơ quan chức trách giải quyết kịp thời. Anh Phú là người rất đáng trân trọng, 5 năm qua, anh đã làm việc không lương và chưa bao giờ đòi hỏi gì về chuyện lương tiền... |