Ngồi ở Mỹ, "lái" máy bay oanh tạc nước ngoài

Chỉ cần thao tác trên bàn phím máy tính và ngồi một lúc, thượng tá Scott Brenton có thể nhìn được hình ảnh trực tiếp ở nơi cách đó 7.000 dặm tại Afghanistan, rồi bấm nút để chiếc máy bay không người lái Reaper tiêu diệt mục tiêu nhanh gọn.

Reaper thuộc đội máy bay không người lái mà các phi công tại vùng ngoại ô TP. Syracuse, bang New York (Mỹ) điều khiển để tiêu diệt những tay súng nổi dậy và bảo vệ binh lính Mỹ ở nước ngoài.

Khi nhận được lệnh phóng tên lửa tiêu diệt một tay súng nào đó Brenton cho biết tóc gáy anh dựng lên giống như lúc đang điều khiển chiếc máy bay chiến đấu F-16. “Tôi nhìn thấy các ông bố, bà mẹ đang chơi với con, những cặp vợ chồng bên nhau, những đứa trẻ đang đá bóng”, Brenton kể.

“Tôi không thấy có cảm xúc gì với kẻ thù. Tôi được giao nhiệm vụ, và tôi phải hoàn thành”.

Máy bay không người lái không chỉ làm thay đổi căn bản cách tham gia chiến tranh của Mỹ, mà cũng làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của các phi công như Brenton.

Ngồi ở Mỹ, "lái" máy bay oanh tạc nước ngoài - 1

Hình ảnh tại một trung tâm điều khiển máy bay không người lái của Mỹ

 “Khi được điều đến Iraq, bạn có khái niệm về điều bạn đang và sẽ làm”. Nhưng giờ, sau khi bước ra khỏi căn phòng có màn hình video, Brenton vẫn đến nhà hàng, đi mua đồ dùng giúp vợ con… nhưng không ai biết công việc anh đang làm”, Brenton tâm sự. “Đó là cảm giác rất lạ. Không ai xung quanh tôi biết về những điều đã xảy ra”.

Nhờ những camera cực mạnh trang bị cho máy bay, cuộc chiến ở nơi xa xôi hiện ngay ra trước mặt phi công không khác gì trò game trên máy tính.

Dù các phi công có những lúc cảm thấy vui mừng vì chỉ nhờ quan sát màn hình video mà có thể cảnh báo cho quân bộ binh ở Afghanistan về một trận phục kích phía trước, nhưng có khi không quân phải mời cả giáo sĩ và nhân viên y tế đến ngay trung tâm điều khiển để điều trị tâm lý cho phi công khi họ gặp những tình huống đáng tiếc như một đứa trẻ bị giết nhầm.

Một trong những trở ngại tâm lý khó khăn nhất là quan sát cận cảnh để bắn tỉa từ trên cao. Phi công và trợ lý điều khiển camera máy bay phải quan sát thói quen, hành vi của đối tượng, từ việc họ chơi với con, nói chuyện với vợ và sang thăm hàng xóm để từ đó xác định thời điểm tấn công thích hợp khi đối tượng ở nhà một mình.

“Quan sát những hành động, công việc thường ngày của đối tượng thường gợi nhớ phi công về những hoạt động thường ngày của chính mình. Những điều quen thuộc đó thường khiến họ cảm thấy rất khó khăn khi nhấn nút tấn công”.

Phi công truyền thống sắp hết thời

Trong số hàng chục phi công, kỹ thuật viên điều khiển camera và chuyên gia phân tích tình báo từ 3 căn cứ quân sự được phỏng vấn gần đây, không ai nói rằng họ bị giật mình tỉnh giấc lúc nửa đêm vì ác mộng liên quan đến những hình ảnh máu me chết chóc như binh lính tham chiến trước đây. Tuy nhiên, tất cả đều nói rằng họ có cảm giác thân thuộc với cuộc sống của các gia đình Afghanistan mà những phi công trước đây không thể thấy được từ độ cao hơn 6km.

Một vài phi công cho biết họ cảm thấy tâm trạng bị xáo trộn sau khi ấn nút phóng tên lửa. “Tôi có lý do tốt để biện minh cho việc giết những người đó. Nhưng tôi không bao giờ xóa được khỏi tâm trí, lúc nào cũng nhớ như in”, Will, một sĩ quan không quân tại Holloman, tâm sự.

Không quân Mỹ đang nỗ lực theo kịp đòi hỏi phải tăng cường lực lượng phi công không người lái trong tương lai, vì con số 1.300 phi công hiện nay chưa đủ so với yêu cầu. Lực lượng phi công này đang đóng tại ít nhất 13 căn cứ trên khắp nước Mỹ, chưa kể phi công trong những chương trình bí mật của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) tại các nước như Pakistan, Somalia và Yemen.

Cho đến năm 2015, Lầu Năm Góc dự tính Không quân Mỹ sẽ cần hơn 2.000 phi công máy bay không người lái để tuần tra khắp thế giới suốt ngày đêm. Không quân Mỹ đã đào tạo số lượng phi công máy bay không người lái nhiều hơn số lính chiến đấu và phi công ném bom kết hợp lại.

Tướng Norton A. Schwartz, tham mưu trưởng Không quân Mỹ, nói rằng số lượng phi công máy bay không người lái trong tương lai gần sẽ nhiều hơn phi công lái máy bay truyền thống. Tuy nhiên, tướng Schwartz dự đoán không quân Mỹ vẫn phải sử dụng phi công máy bay truyền thống trong ít nhất 30 năm tới.

Nhiều phi công lái máy bay truyền thống đã chuyển sang học điều khiển máy bay không người lái trước sự thay đổi của thời cuộc. Hancock Field là một trong số đó, anh thôi lái chiến đấu cơ F-16 để chuyển sang điều khiển máy bay điều khiển từ xa Reapers từ năm 2010. Thượng tá Brenton sau hơn 4.000 giờ đồng hồ điều khiển F-16 trong suốt 15 năm đã chuyển sang điều khiển máy bay không người lái vì vẫn muốn được tham gia trên chiến trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Quỳnh (theo NYT) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN