Nghề lạ ở Sài Gòn: Mót củi giữa lòng thành phố

Lâu nay, người ta thường nghĩ nghề mót củi chỉ xuất hiện ở những vùng nông thôn, rừng núi, ít ai ngờ công việc này lại tồn tại ngay giữa phố phường Sài Gòn náo nhiệt...

10 năm qua, hơn chục hộ dân đã bám trụ với nghề mót củi ở bãi rác trong khuôn viên của Công ty Công viên cây xanh TP.HCM (tại ấp 3, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn). Đó là nghề lạ lẫm giữa Sài Gòn nhưng là nghề hái ra tiền và là nguồn sống của nhiều gia đình nơi đây.

Nghề lạ lùng 

Theo chân một “tiều phu”, chúng tôi tìm đến bãi rác rộng hàng ngàn mét vuông trên để mục sở thị nghề đốn củi giữa lòng thành phố. Khác với những bãi rác khác, bãi rác nơi đây chỉ dành để đổ những thân cây, cành cây mà Công ty Công viên cây xanh cắt tỉa ở khắp các địa bàn trong thành phố.

Giữa cái nắng như đổ lửa, nhiều người vây quanh một chiếc xe tải chở những thân và cành cây vừa đổ xuống bãi rác rồi hì hục kéo những thân cây xanh ra ngoài. Công việc diễn ra liên tục, thi thoảng mọi người mới tạm dừng tay nghỉ ngơi trong cái lán dựng tạm. Ai nấy đều thở hổn hển, mặt mày mướt mồ hôi. 

Nghề lạ ở Sài Gòn: Mót củi giữa lòng thành phố - 1

Mót củi - Nghề lạ ở nơi được xem là đô thị bậc nhất của cả nước.

Bà Hồ Thị Tho (54 tuổi) vừa lấy tay gạt mồ hồi trên trán vừa nói: "Hơn 10 năm trước, nhà tôi ở gần công viên này và làm nghề nông, nhưng do đất bị nhiễm phèn nên trồng cây gì chết cây đó, chăn nuôi cũng chẳng khá hơn. Thất thu nhiều mùa vụ, nên kinh tế gia đình đi xuống. Chồng thì đi làm phụ hồ, còn tôi thì vào bãi rác này rồi bén duyên với nghề mót củi. Nhiều người vui đặt cho chúng tôi cái tên là 'tiều phu'. Chẳng mấy người nghĩ ở thành phố này lại có cái nghề lạ lùng, lạc hậu  này, bởi mấy ai dùng bếp củi nữa. Nhưng chúng tôi vẫn làm vì vẫn có một số hàng quán dùng củi nấu ăn, nấu bánh tét hay hầm xương để nấu nước lèo".

Đang dùng sức kéo nhánh cây dính chặt trong đống cây, bà Lê Thị Hồng (47 tuổi, ngụ ấp 3, xã Đông Thạnh) nói trong hơi thở gấp gáp: "Tôi đến đây làm từ 7h sáng, dọn dẹp cây vụn từ hôm qua rồi chờ đến tầm trưa xe đến mới bắt đầu nhặt củi, cứ thế làm đến 5h chiều luôn. Hôm nào có khách đến mua thì hôm đó có được khoảng 200.000đ- 300.000đ".

Khi hỏi người có "thâm niên" nhất trong nghề mót củi tại bãi rác này, không ai không biết đến bà Nguyễn Thị Ra (72 tuổi, nhà ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn). Bà Ra gắn bó với cái nghề lạ lẫm này tròn 10 năm. Tuy đã ở vào cái tuổi "thấp thập cổ lai hy" nhưng bà Ra trông rất khỏe. Miệng nhai trầu, bà Ra nói: "Lúc trước tôi đi mót củi, nhiều người trong gia đình cũng phản đối vì củi mót bán cho ai. Ở Sài Gòn nhà nào cũng dùng bếp gas, nhưng tôi vẫn nhất quyết đi làm. Vì có người vẫn cần đến củi. Công việc này không những giúp tôi có đồng vào đồng ra mà còn cho tôi có thêm sức khỏe. Hôm nào không đi làm, tôi thấy trong người khó chịu lắm".

Một người dân có thâm niên làm nghề nhặt củi gần 8 năm cho biết: “Nghề này vất vả nhưng cũng vui, vừa lao động tay chân có sức khỏe lại vừa có tiền. Ngày nào có khách mua thì kiếm vài trăm ngàn. Có khi củi nhiều thì kiếm được nửa triệu hoặc hơn”.

Nghề lạ ở Sài Gòn: Mót củi giữa lòng thành phố - 2

 Giữa cái nắng như đổ lửa, nhiều "tiều phu" lao vào đống cây xanh để mót củi.

Mót củi nuôi giấc mơ đại học

Cách đó khoảng 50m, cậu thanh niên Phan Văn Lời (19 tuổi) đang hì hục chất những khúc củi khô lại thành từng đống chờ khách đến mua. Những khúc củi Lời chặt và xếp trông rất đẹp mắt. Theo Lời, do cuộc sống gia đình khó khăn, cha bị bệnh, mọi gánh nặng gia đình đều đổ lên đôi vai gầy của mẹ. Thấy mẹ khổ nên Lời ra đây mót củi kiếm thêm tiền chữa bệnh cho cha và để dành đóng tiền học phí. Lời đang học năm nhất và chuẩn bị chuyển sang năm 2, Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM. "Ngoài giờ học, em lại chạy ra đây làm. Công việc này đã gắn với em 4 năm rồi. Nó là nguồn sống của gia đình em".

Trong bãi rác này còn có một em học lớp 8 cũng ra đây mót củi để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ và lấy tiền ăn học.

Ngoài ra, còn rất nhiều gia đình tìm đến đây để mót củi kiếm tiền và cho con cái được cắp sách tới trường. Anh Nam đang chất củi lên xe nói: "Vừa rồi con gái thi đại học ngành kế toán và đạt điểm khá cao. Tôi và vợ đang cố làm để dành dụm tiền đóng học phí khi con nhập học. Đó là niềm vui và cũng là động lực của vợ chồng tôi".

Theo nhân viên tại công viên này, bãi rác quy định không cho người vào nhưng do hoàn cảnh của những người làm nghề mót củi rất khó khăn nên Ban quản lý công viên cho họ vào để mót củi.

Một số hình ảnh về những "tiều phu" giữa lòng Sài Gòn:

Nghề lạ ở Sài Gòn: Mót củi giữa lòng thành phố - 3

 Nữ "tiều phu" mót củi bên đống cây xanh bị đốt.

Nghề lạ ở Sài Gòn: Mót củi giữa lòng thành phố - 4

 Những cành cây được rút ra trong đống cây xanh chằng chịt. Theo người phụ nữ này, nghề mót củi đã gắn bó với chị hơn 8 năm qua.

Nghề lạ ở Sài Gòn: Mót củi giữa lòng thành phố - 5

Nghề lạ ở Sài Gòn: Mót củi giữa lòng thành phố - 6

 Người phụ nữ này mang những cây củi nặng trĩu tới điểm tập kết.

Nghề lạ ở Sài Gòn: Mót củi giữa lòng thành phố - 7

 Cụ Nguyễn Thị Ra đã 72 tuổi nhưng vẫn không bỏ nghề "tiều phu" nặng nhọc này.

Nghề lạ ở Sài Gòn: Mót củi giữa lòng thành phố - 8

Số củi được các "tiều phu" mót trong bãi rác...

Nghề lạ ở Sài Gòn: Mót củi giữa lòng thành phố - 9

Nghề lạ ở Sài Gòn: Mót củi giữa lòng thành phố - 10

...và cắt tỉa cho thẳng rồi đem vào điểm tập kết chờ khách hàng đến mua.

Nghề lạ ở Sài Gòn: Mót củi giữa lòng thành phố - 11

Nghề lạ ở Sài Gòn: Mót củi giữa lòng thành phố - 12

Đây là địa điểm quen thuộc chuyên bán củi nên khách hàng thường tìm đến để mua.

Nghề lạ ở Sài Gòn: Mót củi giữa lòng thành phố - 13

Nghề lạ ở Sài Gòn: Mót củi giữa lòng thành phố - 14

 Những xe củi như thế này có giá từ 250.000đ-300.000đ, tùy theo loại củi.

Nghề lạ ở Sài Gòn: Mót củi giữa lòng thành phố - 15

 Gia đình khó khăn nên cậu sinh viên Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM Phan Văn Lời ngoài giờ học còn đến bãi rác để mót củi, kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Nghề lạ ở Sài Gòn: Mót củi giữa lòng thành phố - 16

Bữa cơm trưa tại chỗ của các "tiều phu" giữa lòng Sài Gòn.

Nghề lạ ở Sài Gòn: Mót củi giữa lòng thành phố - 17

Ban ngày làm "tiều phu", tối đến, sinh viên Lời lại cặm cụi vào sách vở.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Thanh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN