Nghề đập kính lấy tiền

Để có tiền gửi về quê cho con ăn học, hằng ngày họ lầm lũi bên “núi” kính vỡ nơi đất khách để mưu sinh. Không ít người phải bỏ mạng hoặc bị thương tật vĩnh viễn vì cái nghề đặc biệt này.

Đổ “máu” mới có tiền

Có mặt tại xã An Phú, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương trong tuần tháng 4 nắng gắt, nơi đây tập trung hàng chục người dân tỉnh lẻ rủ nhau về miền đất gốm để mưu sinh bằng nghề đập kính vỡ. Công việc hằng ngày của họ là vùi đầu bên các “núi” kính phế thải rồi dùng búa đập nát để bán lại cho các điểm thu mua phế liệu, xí nghiệp trên địa bàn tái chế sử dụng lại.

Giữa buổi trưa oi nồng nóng bức, tiếng đập kính lẻnh kẻng khô khốc cứ liên tục vang lên. Cả chục người một tay cầm búa, một tay rút những miếng kính bể sắc ngọn nằm ngổn ngang trong đống đổ nát, lôi ra để đập chan chát rồi hốt bỏ vào bao.

Ngừng công việc, đưa tay quệt những dòng mồ môi đang ướt sũng trên mặt, chị Nguyễn Thị Nô (45 tuổi, quê ở Vũng Tàu) nói: “Ở quê ngoài việc làm ruộng thì chỉ mỗi cái nghề buôn gánh bán bưng để sống, nhưng thu nhập bấp bênh không ổn định. Từ ngày mấy đứa nhỏ bước vào đại học là hai vợ chồng dắt díu lên đây mưu sinh. Mỗi ngày đập kính cũng được 200 ngàn. Tuy nhiên, nghề này rất nguy hiểm vì lúc làm việc phải hết sức tập trung chứ không bị kính cứa vào tay chảy máu như chơi. Đến giờ trên người tôi không biết có bao nhiêu vết cứa sắc lẹm của kính, nhiều người cùng quê với tôi và ở nơi khác lên đây làm một thời gian rồi phải bỏ nghề vì không chịu nổi vết thương cứa vào da thịt mỗi ngày”.

Vừa nói, chị Nô nheo mắt rồi dùng cây búa sắt nện chan chát xuống làm những mảnh kính vỡ bay tung tóe. Sau đó, chị đưa bàn tay được bảo hộ bởi đôi bao tay bằng vải cũ sờn loang lổ rách tươm cứ liên tục hốt kính đã vỡ nát bỏ vào bao vải. Chị nói, công việc hằng ngày của những người đập kính phế thải là như vậy.


Nghề đập kính lấy tiền - 1

Anh Cường trong một lần bị thương  do“núi” kính đổ lên người. Ảnh: D.N

Ngồi hớp vội ly nước dưới tán cây rợp bóng, chị Hứa Thị Mùi (47 tuổi, quê An Giang) rút đôi bao tay da rồi xắn tay áo lên để lộ ra hàng chục vết thương chồng chéo, nhiều chỗ vết thương đang kéo da non đỏ hỏn trên thân thể người phụ nữ dặm trường này. Chị cho hay: Nghề này tiền kiếm thì khó nhưng bị thương thì dễ lắm, nhưng đã làm thì phải chấp nhận chảy máu thương tật. Những ngày mới vào nghề nhìn những miếng kính sắc nhọn đến rùng mình, nhưng nghĩ lại cảnh vợ chồng đang thất nghiệp, mấy đứa con ở quê đến tháng lấy đâu ra tiền nộp học phí nên đành phải liều để bước vào cái nghề khắc khoải này…”. 
 
Bỏ mạng, thương tật nơi đất khách

Mặc dù biết cái nghề của mình đang mưu sinh có biết bao hiểm nguy rình rập, nhiều đồng nghiệp bị thương tật vĩnh viễn, thậm chí có người mất mạng, nhưng vì chuyện cơm áo gạo tiền nên họ vẫn mặc cho kính cứa máu đổ để kiếm tiền nuôi con. Tuy sự việc đau lòng đã trôi qua gần hai năm, nhưng giờ nhắc lại những người đập kính vẫn không khỏi rùng mình bởi ám ảnh. Khoảng giữa năm 2011, cậu thanh niên 22 tuổi quê Hà Giang, trong lúc chuyển kính lên xe qua xã Tân Bình, huyện Dĩ An để bán cho các đại lý thu mua về tái chế, thì bị một mảnh kính xuyên qua bao và cứa đứt cổ, chết trên đường đưa đi cấp cứu.

Gần 6 năm gắn bó với nghề, anh Hồ Quang Cường (34 tuổi, quê Long An) vẫn còn nhớ mồn một về vụ tai nạn do kính vỡ đè lên người suýt chết. Hôm ấy anh đang lom khom rút những miếng kính từ một đống kính cao ngập đầu để đập, bất ngờ “núi” kính đổ xuống đè cả vào người. Cấp cứu vào bệnh viện, các bác sĩ phải nối lại tĩnh mạch ở cổ, may lại vành tai kịp thời thì mới giữ được tính mạng cho anh vì máu ra quá nhiều. Gần một tháng nằm dưỡng thương, các vết cắt do kính gây ra vừa kéo da non là anh rời căn nhà trọ ọp ẹp để tiếp tục lao vào công việc đập, hốt kính vỡ.

“Công việc này nếu ai chứng kiến thì cũng biết nó cực nhọc thế nào, nhiều lúc ăn cơm trưa nhai phải cả những miếng kính nhỏ vỡ vụn bám vào. Vợ tôi phải hai lần đến bác sỹ để gắp mảnh kính nhỏ bị xóc vào cổ. Giờ bỏ nghề thì biết nghề gì khác mà làm, thôi tới đâu hay tới đó, mình chỉ biết cố gắng hi sinh để nuôi hai đứa con ăn học thành tài sau này tránh khỏi cái nghề cực nhọc của cha mẹ”, anh Cường nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những người làm nghề đập kính vỡ đều ở các tỉnh lẻ dạt về, do cuộc sống ở quê quá khó khăn, ngày họ bỏ quê hương ra đi với ước mơ sẽ thay phận đổi đời, thoát khỏi cái nghèo. Nhưng số phận trớ trêu nên họ đành chấp nhận mưu sinh với những nghề lam lũ, hiểm nguy nơi đất khách.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Du Nguyễn (Gia đình và xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN