Nga: Muốn dùng quà tặng, quan chức phải mua lại

Quan chức Nga nhận được quà sẽ có 2 tháng suy nghĩ xem thực sự cần nó hay không, nếu cần thì... nộp tiền mua lại.

Trong khuôn khổ chiến lược chống tham nhũng trên toàn quốc, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev vừa ký ban hành quy định mới, yêu cầu viên chức nhà nước giao nộp mọi món quà trị giá hơn 3.000 rúp (khoảng 1,9 triệu đồng) mà họ nhận được.

Nhận quà phải báo cáo

Những biện pháp chống tham nhũng mới đòi hỏi quan chức chính phủ báo cáo mọi món quà trong vòng 3 ngày sau khi nhận. Trường hợp nhận quà giữa lúc đi công tác thì phải báo cáo trong vòng 3 ngày sau khi trở về. Sau khi kiểm tra - căn cứ theo giấy tờ hoặc giám định, nếu quà thấp hơn 3.000 rúp mới được nhận lại.

Nếu giá trị món quà vượt quá 3.000 rúp, người nhận sẽ có 2 tháng suy nghĩ để xem thực sự cần nó không. Cần thì đệ đơn đề nghị, nhà chức trách sẽ trả lại với điều kiện “khổ chủ” bỏ tiền túi đền bù cho nhà nước đúng bằng giá trị món quà, coi như mua lại. Nếu không, món quà sẽ bị sung vào công quỹ và sau đó có thể được đem bán đấu giá. Điều thú vị là nếu không ai muốn mua món quà tại cuộc đấu giá, nhà chức trách sẽ quyết định tiêu hủy nó.

Nga: Muốn dùng quà tặng, quan chức phải mua lại - 1

Thành viên Duma Quốc gia Nga là một trong những đối tượng bị cấm nhận quà tặng đắt tiền (Ảnh: KAMAZ.RU)

Quy định trên áp dụng với mọi quan chức chính phủ, thành viên Duma quốc gia (hạ viện), Hội đồng Liên bang, các nhà lập pháp và thẩm phán khu vực... và với bất kỳ loại quà nào, trừ hoa và vật dụng văn phòng được trao trong các sự kiện chính thức và các giải thưởng.

Nên cấm hẳn

Tuy nhiên, theo hãng tin Itar-Tass, Hội đồng Nhân quyền trực thuộc tổng thống Nga không đồng tình với mệnh lệnh báo cáo quà cáp của thủ tướng. Theo họ, nên cấm hẳn chứ không cần giới hạn giá trị 3.000 rúp. Hội đồng chỉ chấp nhận quà tặng là những món văn phòng phẩm nhất định với mục đích thể hiện sự quan tâm mà thôi.

Ông Kirill Kabanov, Chủ tịch Ủy ban thường trực Hội đồng Nhân quyền về đối phó tham nhũng, thẳng thắn: “Tôi không bao giờ ủng hộ chuyện tặng quà cho viên chức nhà nước. Về nguyên tắc, đơn giản nhất là cấm tặng, trừ những món như bút viết bằng nhựa, sổ tay, lịch…”. Ngoài ra, theo ông Kabanov, quá trình xác định giá trị món quà được miêu tả trong chỉ thị của chính phủ quá phức tạp, gây thêm tốn kém.

Trước đó, vào đầu năm mới 2014, Ủy ban Về luật dân sự, hình sự, luật tố tụng và trọng tài của Duma Quốc gia Nga đã công bố dự luật về tịch thu tài sản của thân nhân các quan chức bị kết tội tham nhũng. Theo các chuyên gia, biện pháp này giúp bù đắp thiệt hại do các quan chức lạm quyền gây ra cho nhà nước. Các nghị sĩ đưa ra đề xuất này vì trên thực tế, các đối tượng tham nhũng thường để người thân đứng tên tài sản có được bằng con đường bất hợp pháp.

Ngoài ra, những đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản cho người thân ở nước ngoài cũng bị đề nghị xử án tù giam 10-20 năm. Bị phạt tù vì tội này, họ sẽ không được ân xá hay trả tự do cho đến khi bồi hoàn toàn bộ số tài sản đã tham nhũng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngô Sinh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN