NATO khởi động giai đoạn 1 lá chắn tên lửa

Các lãnh đạo NATO trong cuộc họp ngày hôm qua (20/5) tại Chicago đã nhất trí khởi động giai đoạn đầu của hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu bất chấp sự phản đối từ phía Nga.

Theo một quan chức Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hôm qua (giờ địa phương), tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 25 của khối này ở Chicago, Tổng thống Mỹ Barack Obama và các đồng minh vừa mới quyết định sẽ đưa một tàu chiến Mỹ có trang bị các tên lửa đánh chặn tới Địa Trung Hải và thiết lập một hệ thống radar tại Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự chỉ huy của NATO từ một căn cứ đóng ở Đức.

Liên minh này vẫn nhấn mạnh rằng lá chắn tên lửa của họ không nhằm vào Nga mà chỉ để bắn hạ các tên lửa được phóng đi từ những nước thù địch, chẳng hạn như Iran. Tuy nhiên, Moscow lo ngại hệ thống này cũng sẽ làm vô hiệu hóa khả năng răn đe hạt nhân của mình.

NATO khởi động giai đoạn 1 lá chắn tên lửa - 1

Nguyên thủ các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Chicago ngày 20/5/2012

“Không thể thiếu phòng thủ tên lửa. Chúng ta đang đối diện với những mối đe dọa tên lửa hiện hữu”, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen phát biểu trước thềm Hội nghị.

"Chúng tôi đã mời Nga tham gia hệ thống phóng thủ tên lửa của mình và lời mời này vẫn còn nguyên giá trị”, Ông Rasmussen nói.

Về phía Nga, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang của Nga, Tướng Nikolai Makarov trong tháng này từng nói rằng bố trí các tên lửa Iskander tầm ngắn ở vùng Kaliningrad gần Ba Lan là một lựa chọn của Nga.

Hệ thống lá chắn tên lửa của NATO do Mỹ đứng đầu dự định triển khai ở châu Âu được chia làm 4 giai đoạn và sẽ đưa vào hoạt động đầy đủ vào 2018. Giai đoạn đầu tiên sẽ chỉ mang lại cho liên minh này khả năng phòng thủ tên lửa rất hạn chế.

Tây Ban Nha đã đồng ý tiếp nhận 4 tàu Aegis của Mỹ tại một cảng ở Rota trong khi Ba Lan và Romania nhất trí cho phép triển khai các tên lửa SM-3 trong những năm tới đây.

Moscow từng đề nghị được tham gia điều khiển hệ thống này và yêu cầu NATO ký một bảo đảm pháp lý rằng hệ thống không nhằm vào Nga. Tuy nhiên, NATO đã khước từ cả hai yêu cầu trên nhưng thay vào đó, lại đề nghị chia sẻ các thông tin nhạy cảm với Nga.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN