Năm 2015, không tăng biên chế

Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, Chính phủ thống nhất năm 2015 không tăng biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính.

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 1/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, trong phiên họp thường kỳ tháng 11, Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận về cải cách thủ tục hành chính.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các thành viên Chính phủ, các địa phương tự đề ra kế hoạch cho mình, để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, không để vướng mắc như thời gian qua; rơi vào ngành nào, địa phương nào, người đứng đầu ngành, địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Bộ trưởng cho biết: “Chính phủ thống nhất năm 2015 không tăng biên chế. Trước mắt chưa thể giảm biên chế được ngay thì cũng không tăng”.

Còn với những biên chế giảm tự nhiên (nghỉ hưu) thì các đơn vị có thể bổ sung để bảo đảm công việc, cân đối điều hành trong phạm vi từng đơn vị nhưng cũng không quá 50% số đã nghỉ hưu. 50% biên chế còn lại phục vụ cho yêu cầu, nhiệm vụ mới phát sinh. 

Thông cáo báo chí phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2014 do Văn phòng Chính phủ phát đi chiều 1/12 cũng cho biết, tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát trong thực thi công vụ, thực thi pháp luật và công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và xử lý nghiêm các vi phạm.

Các bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội. Trong năm 2015, không tăng thêm biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính. Bộ Nội vụ chủ trì nghiên cứu, đề xuất phương án liên quan đến thực trạng bổ nhiệm hàm chức danh quản lý, lãnh đạo tại các bộ, ngành hiện nay.

Trước đó, ngày 20/11, Chính phủ ban hành nghị định về chính sách tinh giản biên chế. Trong đó, Chính phủ quy định các trường hợp tinh giản biên chế như: cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử làm người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, khi thôi làm đại diện phần vốn nhà nước, nhưng không bố trí được vị trí công tác mới.

Các cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn; Có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên bị hạn chế về năng lực hoàn thành công việc được giao, nhưng không thể bố trí việc làm khác.

Các trường hợp như chủ tịch công ty, thành viên hội đồng thành viên, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu... cũng thuộc trường hợp tinh giản biên chế.

Các vị trí trên thuộc diện tinh giản biên chế nếu dôi dư do thực hiện cổ phần hóa, giao, bán, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN