Mỹ trao giải dũng cảm cho cô gái Ấn bị hiếp

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa thông báo sắp trao Giải quốc tế cho phụ nữ dũng cảm năm 2013 cho cô gái 23 tuổi thiệt mạng sau khi bị cưỡng hiếp tập thể trên xe buýt ở New Delhi (Ấn Độ).

Cô gái không được tiết lộ danh tính và bạn trai bị tấn công trên một xe buýt ở Delhi vào ngày 16/12. Cô thiệt mạng 2 tuần sau tại một bệnh viện ở Singapore.

Vụ việc khiến cả nước Ấn Độ bị sốc và châm ngòi cho một cuộc tranh cãi rộng khắp về cách đối xử với phụ nữ.

Giải thưởng dành cho cô nữ sinh sẽ được trao tượng trưng vào ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.

Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng người phụ nữ - được gọi là Nirbhaya, nghĩa là “Không biết sợ”, đã “tạo dựng nền móng cho một phong trào rộng khắp nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ ở Ấn Độ”.

“Đối với hàng triệu phụ nữ Ấn Độ, thử thách bản thân, sự bền gan đấu tranh vì công lý, và sự dũng cảm của gia đình cô ấy đang giúp loại bỏ vết nhơ và tình trạng dễ bị tổn thương dẫn đến bạo lực chống lại phụ nữ”.

Cô đã “dũng cảm ghi âm lại thông báo của cảnh sát khi đang ở trong viện, đòi xử lý thích đáng 6 kẻ tấn công và nói rằng mình sẽ sống sót để chứng kiến công lý được thực thi”.

“Sau khi cô qua đời, xã hội Ấn Độ bắt đầu đấu tranh mạnh mẽ đòi thay đổi thể chế và các chương trình xã hội để ngăn chặn bạo lực chống lại nữ giới dưới nhiều dạng khác nhau và để quá trình xử lý các vụ cưỡng hiếp và đối xử bất công với phụ nữ được thực thi tốt hơn”.

“Nhờ những nỗ lực này mà chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu có hành động để đáp ứng yêu cầu của người dân”.

5 đối tượng trong vụ cưỡng hiếp cô nữ sinh 23 tuổi nói trên đang trong quá trình xét xử, trong khi đối tượng còn lại bị xét xử trong phiên tòa riêng dành cho bị cáo chưa thành niên.

Ấn Độ đã lập ra một hội đồng chuyên trách để xét lại hệ thống luật của đất nước đối với các tội phạm tình dục.

Chính phủ thông qua nhiều kiến nghị, mở đường cho việc nâng mức phạt đối với tội hiếp dâm tập thể lên chung thân.

Giải thưởng sẽ được trao bởi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại buổi lễ có sự tham dự của Đệ nhất phu nhân Michelle Obama.

9 phụ nữ khác cũng được nhận giải trong dịp này là blogger và nhà hoạt động Tây Tạng Woeser; nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền người Nga Elena Milashina; và luật sư nhân quyền người Syria Razan Zeitunah – sáng lập viên của Ủy ban hợp tác địa phương, tổ chức chuyên thống kê các vụ thương vong và vi phạm nhân quyền tại Syria trong thời gian xảy ra xung đột.

Giải quốc tế cho Phụ nữ dũng cảm (International Women of Courage Award) là giải thưởng hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ dành trao tặng những phụ nữ trên khắp thế giới có khả năng lãnh đạo, can đảm, tháo vát và sẵn sàng hy sinh cho những người khác, đặc biệt là để thúc đẩy gia tăng quyền phụ nữ.

Giải thưởng này được Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice lập ra từ năm 2007 nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ. Các tòa đại sứ Hoa Kỳ trên khắp thế giới có quyền đề cử một phụ nữ làm ứng viên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trúc Quỳnh (theo BBC) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN