Mở cửa thoát hiểm máy bay VNA để hít khí trời

Thấy người nôn nao khó chịu lại nghĩ cửa thoát hiểm máy bay cũng như cửa thoát hiểm trên ô tô hay xe buýt nên hành khách Vũ Quốc Hưng (Hà Nội) đã tự ý mở cửa thoát hiểm trên chuyến bay VN1171 từ Hà Nội vào TPHCM để... hít khí trời.

Chánh thanh tra Cục Hàng không Việt Nam Nguyễn Trọng Thắng đã quyết định giữ nguyên “án” phạt đối với hành khách Vũ Quốc Hưng, người tự ý mở cửa thoát hiểm trên máy bay của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (VNA) vào tối ngày 19/7 vừa qua.

Sự việc xảy ra sau khi hành khách Vũ Quốc Hưng (trú tại ngõ Thanh Hà, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), có vé đi trên chuyến bay VN1171 của VNA hành trình Hà Nội – TPHCM lúc 21 giờ 30 phút ngày 19/7.

Theo lời của ông Hưng, khi lên máy bay được 5 phút, ông thấy trong người nôn nao khó chịu nên đã mở cửa thoát hiểm L2 bên trái máy bay để lấy không khí cho dễ chịu nên vô tình làm ảnh hưởng đến chuyến bay.

Ông Hưng giãi bày với nhà chức trách rằng đây là lần đầu tiên đi máy bay, lại không được VNA hay tiếp viên trên máy bay nhắc nhở gì và nghĩ cửa thoát hiểm máy bay cũng giống như cửa thoát hiểm của ô tô, xe buýt... có mở ra không ảnh hưởng gì nên mới tự ý mở.

Mở cửa thoát hiểm máy bay VNA để hít khí trời - 1

Cửa thoát hiểm trên máy bay chỉ được mở ra trong trường hợp khẩn cấp cần thiết - Ảnh minh hoạ

Vụ việc đã được lập biên bản tại chỗ và hành khách Hưng đã bị Chánh thanh tra Hàng không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng.

Ngay sau đó, nam hành khách này đã làm đơn khiếu nại lên Cục Hàng không Việt Nam vì cho rằng "lỗi của tôi là vô ý và xuất phát từ cách làm việc tắc trách của nhân viên VNA". Ông Hưng còn khẳng định: “Nếu tại của thoát hiểm có biển báo cấm mở, có nhân viên bảo vệ và được thông báo nội quy hay nhắc nhở khi lên tàu bay thì tôi đã không mắc phải lỗi này”. Ông Hưng cũng đề nghị được xem xét giảm mức phạt để giảm bớt khó khăn cho cuộc sống.

Tuy nhiên, Chánh thanh tra Hàng không đã giữ nguyên “án” phạt vì cho rằng theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, vô ý vi phạm các quy định của pháp luật cũng là có lỗi.

Ở nội dung khiếu nại thứ hai, Thanh tra Hàng không đã xem xét và nhận thấy tại cửa thoát hiểm L2 của máy bay A321 mà ông Hưng đã mở, phía bên phải có ghi rõ dòng chữ “NGUY HIỂM. Không mở cửa khi đèn cảnh báo màu đỏ đang nhấp nháy”. Phía bên trái cửa cũng có hướng dẫn “Chỉ mở cửa khi thoát hiểm” bằng cả tiếng Việt và Tiếng Anh.

Như vậy, với độ tuổi, sức khoẻ và thể chất, trình độ học vấn của ông Vũ Quốc Hưng là hoàn toàn có thể nhận biết được các chỉ dẫn nói trên.

Khung phạt tiền của hành vi mở cửa thoát hiểm máy bay là từ 10 đến 20 triệu đồng. Do đó, không thể áp dụng mức phạt thấp hơn đối với ông Vũ Quốc Hưng.

Nhiều hãng hàng không khác cũng đau đầu vì khách tự ý mở cửa thoát hiểm. Trên một chuyến bay từ TPHCM ra Hà Nội của hãng hàng không giá rẻ VietJet Air tối ngày 20/8, một hành khách gần 80 tuổi đã đi xuống phía cuối máy bay, loay hoay định mở cửa thoát hiểm để …đi vệ sinh.

Rất may là hành khách gần đó nhìn thấy đã hét lên “Không được mở cửa” khiến ông khách giật mình dừng tay.

Mở cửa thoát hiểm máy bay VNA để hít khí trời - 2

Phao trượt sẽ lập tức bung ra trong trường hợp mở cửa thoát hiểm

Khi tổ bay lập biên bản, vị hành khách này đã đề nghị được miễn phạt vì tuổi cao và thiếu hiểu biết. Xét thấy hành vi nói trên là vô ý, người vi phạm tuổi đã cao và cửa thoát hiểm chưa bị bung ra nên tổ bay nhắc nhở tại chỗ đối với khách vi phạm và người thân đi cùng chuyến bay, yêu cầu cam kết không tái phạm và không lập biên bản xử phạt.

Thời gian qua đã có hàng chục vụ vi phạm khách mở cửa thoát hiểm máy bay với đủ lứa tuổi và lý do vi phạm như mở cửa vì muốn ngắm cảnh, xuống cho nhanh, đi toilet…

Ngoài những mối nguy hiểm khi cửa thoát hiểm bị mở bất ngờ, việc mở cửa thoát hiểm còn gây ra thiệt hại khá lớn. Đối với những loại máy bay thân lớn, có phao trượt như A320/321, Boeing 777… sau mỗi lần phải bung cửa thoát hiểm, hãng hàng không đều buộc phải đổi phương tiện khai thác để cuộn lại cửa.

Riêng chi phí đưa máy bay sang Singapore để đóng lại cửa cũng mất khoảng 10.000 USD, chưa kể thiệt hại do tạm thời phải “cắt” một máy bay khỏi lịch khai thác. Từ đầu năm 2011, cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa máy bay trong nước đã tự đảm nhiệm được hạng mục kỹ thuật này đối với loại máy bay A320/321 nên thiệt hại có thể được giảm bớt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Hà (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN