Ma men đưa lối vào viện, giường mổ cấp cứu kín đặc những ngày lễ

Trong số bệnh nhân đưa vào cấp cứu vì tai nạn thì có hơn 50% bệnh nhân có sử dụng bia rượu. Số ca vào viện vì ẩu đả cũng gia tăng.

Ngày 2/5, BS Trần Hà Phương trực cấp cứu Bệnh viện Việt Đức cho biết, từ ngày 29/4 – 2/5, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận 365 bệnh nhân vào khám, cấp cứu. Trong đó hơn 200 trường hợp tai nạn giao thông, 150 ca do tai nạn sinh hoạt.

Đặc biệt, có 12 trường hợp nặng xin về, có 9 ca là tai nạn giao thông, 3 ca tai nạn sinh hoạt. Các bác sĩ dự kiến, do trong ngày 2/5, lượng người tham gia giao thông tăng nhiều hơn nên bệnh nhân được chuyển về có thể sẽ đông hơn.

Ma men đưa lối vào viện, giường mổ cấp cứu kín đặc những ngày lễ - 1

Chỉ 4 ngày lễ, có gần 400 ca tai nạn vào viện Việt Đức cấp cứu

Hiện 5 phòng mổ tại Bệnh viện Việt Đức dù hoạt động hết công suất, ưu tiên mổ ca nặng, cấp cứu nhưng vẫn có bệnh nhân phải chờ vì quá tải. Nhiều bệnh nhân chấn thương rất nặng nề, đa chấn thương, chấn thương sọ não.

Ngoài những trường hợp chuyển mổ cấp cứu, theo dõi tại khoa, nhiều trường hợp được chuyển về các khoa phòng liên quan để giải phóng giường bệnh cho bệnh nhân. Cán bộ y tế trong những ngày nghỉ lễ phải được tăng cường.

Trong số bệnh nhân đưa vào cấp cứu vì tai nạn, có hơn 50% bệnh nhân có sử dụng bia rượu. Đơn cử trường hợp bệnh nhân N.M.H (26 tuổi) bị tai nạn xe máy đêm 1/5 tại Ba Vì, Hà Nội. Sau khi được sơ cứu tại cơ sở y tế địa phương, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức sáng sớm ngày 2/5 trong tình trạng kích thích vật vã do đa chấn thương rất nghiêm trọng.

Theo BS Phương, bệnh nhân dù đến Việt Đức sau hơn 6 tiếng tai nạn nhưng nồng độ rượu trong máu vẫn ở ngưỡng cao 100mg/dl. Điều đáng lưu ý là rượu không chỉ khiến người bệnh không tỉnh táo gây tai nạn, mà hiện tại ảnh hưởng rất xấu đến quá trình cấp cứu do bệnh nhân chảy máu nhiều. Hiện bệnh nhân này vẫn được tiếp tục theo dõi, chưa thể phẫu thuật ngay do tiên lượng chảy máu nhiều trong cuộc mổ.

Theo các bác sĩ, nồng độ rượu ethanol trong máu ở ngưỡng 20 – 50mg/dl đã có thể gây nên tình trạng rối loạn ức chế, kích thích nghịch thường, cảm xúc không ổn định, thích giao du với người khác, hưng cảm, nói nhiều. Ở ngưỡng 50 – 100mg/dl, người uống rượu sẽ chậm đáp ứng, giảm khả năng phán xét, mất điều hòa vận động biên độ nhỏ, loạn vận ngôn dẫn đến lái xe không an toàn, đi đường có thể gây tai nạn, đe dọa tính mạng bản thân, gây họa cho người khác.

Ngoài tai nạn giao thông, số ca cấp cứu do ẩu đả cũng đáng báo động.

Dù đã tăng thêm bàn mổ nhưng hiện tại, 5 phòng mổ tại Bệnh viện Việt Đức đã kín đặc lịch mổ. Trong 4 ngày nghỉ lễ, trung bình mỗi ngày các bác sĩ mổ cấp cứu 30 ca nặng tại phòng mổ; mổ từ 15 – 20 ca nhẹ ngay phòng mổ ngoài phòng khám. Các ca phẫu thuật luôn được thực hiện ưu tiên với trường hợp nặng, đe dọa tính mạng.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, Trung tâm cấp cứu 115 mỗi ngày phân công 14 kíp cấp cứu ứng trực 24/24h tại Trung tâm và các Trạm cấp cứu vệ tinh trên địa bàn Thành phố. Từ ngày 29/4/2017 đến ngày 02/5/2017 đã tiếp nhận 273 lượt yêu cầu, đáp ứng 273 lượt yêu cầu. Tổng số bệnh nhân cấp cứu 185, chuyển đến bệnh viện 148, để lại nhà 30, tử vong tại nhà 7 ca, tổng số bệnh nhân tai nạn 31 ca, trong đó có 1 ca do đánh nhau.

Các Bệnh viện trong thành phố đã khám cấp cứu cho hơn 5.300 ca, trong đó tai nạn giao thông có 384 ca, tai nạn lao động có 108 ca, tai nạn sinh hoạt chiếm số lượng cao nhất với 437 ca. Có 19 ca tử vong trong 4 ngày nghỉ lễ.

3 ngày nghỉ lễ: 47 người tử vong vì tai nạn giao thông

Trong 3 ngày nghỉ lễ, đường dây nóng của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia nhận được 97 cuộc gọi và tin nhắn của người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Võ Thu (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN