Lương tối thiểu: Cuộc rượt đuổi 20 năm
Tại hội thảo về mức sống tối thiểu và cơ sở xác định mức lương tối thiểu và lương đủ sống do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 12/4, hầu hết đại biểu cho rằng bài toán lương sau 20 năm vẫn giẫm chân tại chỗ.
Cao gấp 3 lần lương tối thiểu vẫn khó sống
Sự thực về đời sống công nhân tại Công ty Unilever Việt Nam đã khiến hầu hết đại biểu phải giật mình. Được cho là DN đầu tư vốn nước ngoài đang làm ăn “thịnh vượng” tại Việt Nam, Unilever đã trả lương cao hơn gấp 2 lần mức lương tối thiểu đối với lao động giản đơn và cao gấp 3 lần đối với lao động có kỹ năng. Chính vì thế, lãnh đạo công ty này khẳng định với mức chi trả trên, công nhân đã có mức lương đủ sống.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát về đời sống công nhân tại Unilever do Tổ chức Oxfam Việt Nam thực hiện, lại chỉ ra rằng, mức lương hiện tại không đủ để người lao động có chút tiết kiệm hoặc hỗ trợ người phụ thuộc.
“Chúng tôi không thể sống với mức lương hiện tại. Do đó, sau giờ làm trong nhà máy (thường ca của tôi kết thúc lúc 2 giờ chiều), tôi phải làm phục vụ ở quán cà phê từ lúc 3 giờ đến 9 giờ chiều mới đủ tiền để trả các chi phí cho gia đình”, một nữ công nhân tại Unilever cho biết.
Một nữ công nhân khác cũng cám cảnh: “Tôi làm cho Unilever từ năm 2002 và nay có ba con. Tuy nhiên, hai đứa lớn đã bỏ học làm việc vặt trong làng từ năm ngoái do tôi không đủ tiền cho các cháu đi học…”
Theo đại diện Oxfam Việt Nam, việc điều chỉnh lương tối thiểu lâu nay đã không tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế (Ảnh minh họa)
Theo bà Văn Thu Hà, đại diện của Oxfam Việt Nam, mức lương tối thiểu hiện bị ấn định ở mức quá thấp nên dù tăng nhiều cũng không thể “cân” lại được nhu cầu sống của người lao động.
Bà Hà cho rằng, việc điều chỉnh lương tối thiểu lâu nay đã không tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
“Hiện tại, với những người sống bằng lương tối thiểu, cuộc sống rất chật vật. Họ nằm trong hoặc hơn chút xíu nhóm có chi tiêu thấp nhất cho cuộc sống, hay nói cách khác họ thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo. Từ năm 2008, cho dù mức lương tối thiểu tăng nhưng vẫn chậm hơn so với mức tăng chi tiêu của nhóm nghèo nhất, nghĩa là người lao động sống bằng lương tối thiểu ngày càng nghèo hơn”, bà Hà phân tích.
20 năm và bao lâu nữa?
So sánh giữa lương và mức sống, ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn, ví von: “Tiền lương tối thiểu luôn chạy theo mức sống tối thiểu như hình với bóng nhưng chưa biết tới bao giờ hình với bóng mới gặp được nhau”.
Theo ông Điều, nguyên nhân dẫn tới tình cảnh trên xuất phát chủ yếu từ chính sách tiền lương của Nhà nước lâu nay chậm thay đổi, không phù hợp. “Tại khu vực DN ngoài nhà nước, chính phủ hầu như không kiểm soát được. Trong khi đó, phía công đoàn lẽ ra là người đại diện cho công nhân thì lại ăn lương của DN thì hỏi làm sao có sức mạnh để đàm phán? Lương thấp không đủ sống, công nhân chỉ có thể điều chỉnh bằng cách đình công…” ông Điều cho biết.
10 lần điều chỉnh tăng lương, đời sống công nhân vẫn khó khăn (Ảnh minh họa)
Theo ông Lê Xuân Thành, Vụ phó Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), suốt 20 năm nay (từ 1993) những nhà làm lương vẫn chạy theo tranh cãi làm sao để lương tối thiểu đáp ứng được đời sống tối thiểu.
“Tới nay vẫn chưa có tiêu chí cụ thể xác định mức sống tối thiểu để làm căn cứ quy định mức lương tối thiểu. Chính vì thế, dù thay đổi rất nhiều lần song lương tối thiểu hiện mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu sống tối thiểu người lao động trong khu vực hành chính và hơn 60% đối với khu vực doanh nghiệp”, ông Thành nói.
Theo thống kê, từ 1993 đến 2011, Việt Nam đã có 10 lần điều chỉnh lương tối thiểu. Hai lần điều chỉnh đầu tiên (năm 1997 và 2000) chủ yếu để bù lạm phát (lương tối thiểu tăng 50% từ 1993 đến 2000 và lạm phát tăng 53% cùng kỳ). So với mức tiền công thấp nhất trên thị trường, mức lương tối thiểu chung tăng dần từ 56% đến 85% từ 2000 đến 2011.
Trả lời đề nghị Bộ LĐ-TB-XH đưa ra mốc cụ thể tới bao giờ lương tối thiểu mới đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu, ông Thành cũng tỏ ra lúng túng với mốc 2015.
“Để đạt đúng lộ trình, Chính phủ sẽ phải điều chỉnh lương tối thiểu với mức tăng lớn trong 2 năm 2014-2015. Như vậy, doanh nghiệp khó có thể chịu được, thậm chí sẽ phải phá sản vì mức tiền lương thực tế của người lao động thấp hơn nhiều so với mức đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu”, ông Thành cho biết.
Từ đây, Bộ LĐ-TB-XH đã đề nghị Chính phủ cho giãn lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu tới năm 2016 sẽ đạt nhu cầu tối thiểu.
Để hình dung mức lương tối thiểu ở Việt Nam được ấn định thấp như thế nào, có thể lấy ví dụ năm 2005, mức lương tối thiểu Việt Nam chỉ đạt 22USD/tháng, thấp hơn từ 40% đến 70% so với mức lương tối thiểu của một số nước trong khu vực. Việt Nam đứng thứ 79/100 trong 102 nước năm 2007 về mức lương tối thiểu theo sức mua tương đương từ cao xuống thấp. Mục tiêu phấn đấu Bộ lao động đưa ra là tiền lương tối thiểu đạt 85% mức trung bình ASEAN vào năm 2020. |