Lừa người dân tộc thiểu số đi bán hàng đa cấp

Sự kiện: Kinh doanh đa cấp

Lợi dụng sự thật thà của đồng bào thiểu số, một số người dụ dỗ nhiều thanh niên đi học đại học nhưng thực chất là lừa mua hàng, đào tạo bán hàng đa cấp

Thời gian qua, nhiều gia đình đồng bào thiểu số ở huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum rất lo lắng vì con em họ được tuyển đi học nhưng không thấy trở về. Tìm hiểu vụ việc, gia đình phát hiện con em mình đã mua hàng đa cấp và được đưa đi bán hàng đa cấp cho Công ty TNHH Lô Hội (Công ty Lô Hội).

Học... tìm người mua hàng

Sau một năm tham gia mua hàng và học cách bán hàng đa cấp do Công ty Lô Hội tổ chức, Y Thư (SN 1995; dân tộc Ca Dong; ngụ xã Ngọc Tem, huyện Kon Plong) đã trở về nhà tố cáo hành vi lừa đảo của công ty này.

Lừa người dân tộc thiểu số đi bán hàng đa cấp - 1

Một người bị lôi kéo tham gia bán hàng đa cấp ở Thừa Thiên - Huế kể lại sự việc với phóng viên

Theo Y Thư, sau khi tốt nghiệp THPT, đột nhiên em được một phụ nữ chưa quen biết gọi điện đến hỏi có muốn đi học không. Nếu muốn thì không cần chuẩn bị giấy tờ gì cả, chỉ mang theo CMND ra tỉnh Thừa Thiên - Huế học “đại học”, không mất học phí. Đang buồn chán vì rớt đại học, Y Thư đồng ý. Đến Thừa Thiên - Huế, Y Thư yêu cầu học ngành điều dưỡng nhưng bị đưa vào một trung tâm học về “tư tưởng làm giàu” và phải đóng 10 triệu đồng mua hàng lần đầu tiên là một số đồ dùng cá nhân, thực phẩm chức năng.

“Em chỉ được dạy cách tìm người mua hàng và ra sức dẫn dụ họ. Nếu không tìm được ai mua thì mang về bán cho người ở gia đình, ở làng nên em bỏ về. Tại trung tâm có rất nhiều người ở tỉnh Kon Tum cũng bị đưa ra Thừa Thiên - Huế học bán hàng đa cấp như em” - Y Thư cho biết. Sau hơn một năm, Y Thư đã mất 70 triệu đồng cho việc mua hàng và học bán hàng.

Tương tự, sau khi tốt nghiệp THPT, Y Đường (SN 1995; con gái của bà Y Sai, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Tem) cũng được một phụ nữ lạ gọi điện dụ dỗ ra Thừa Thiên - Huế học “đại học” cùng với 6 bạn khác. Khi bà Y Sai lên cơ quan “khoe” về con gái thì ông Nguyễn Minh Cường, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tem, phân tích đây là trò lừa. Lập tức gia đình gọi Y Đường cấp tốc trở lại Kon Tum.

Công an vào cuộc

Một cán bộ của xã Măng Cành, huyện Kon Plong cũng thông tin thêm về những trường hợp học sinh ở địa phương bị lừa đi học rồi tham gia mua sản phẩm, bán hàng đa cấp của Công ty Lô Hội. Có em sau 2 năm đi học không trở về nhà, gia đình phải nhờ địa phương tìm cách liên lạc nhưng không được.

Về vấn đề này, đại tá Trần Duy Liên, Trưởng Công an huyện Kon Plong, cho biết đã nắm thông tin và cho người xác minh. Theo đó, đầu năm 2014, có thanh niên tên A Khi bỏ học ở phân hiệu tại Kon Tum, ĐH Đà Nẵng và ra Thừa Thiên - Huế một thời gian. Sau đó, A Khi trở về xã Đắk Long dụ dỗ các thanh niên trên địa bàn cùng ra Thừa Thiên - Huế học đại học mà không phải tham gia kỳ thi nào cả, chỉ cần giấy tờ tùy thân và hộ khẩu.

A Khi hứa sau khi học xong sẽ có việc làm tốt, lương cao và nếu rủ thêm nhiều người đi học thì lương càng cao hơn. Đối tượng này còn ra điều kiện khi tham gia học phải đóng học phí 10 triệu đồng. Đã có 3 thanh niên xã Đắk Long bị A Khi lôi kéo vào hệ thống bán hàng đa cấp của Công ty Lô Hội. Tìm hiểu thêm vụ việc, Công an huyện Kon Plong phát hiện thêm ở xã Hiếu có 4 thanh niên bị dụ dỗ như trên.

“Chúng tôi đánh giá đây là một kiểu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vừa qua, chúng tôi đã đề xuất UBND huyện có văn bản chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động bà con khi đi học tập, lao động tại các địa phương khác phải thông báo với chính quyền để tránh bị lừa đảo” - đại tá Liên nói.

Đề xuất mở chuyên án điều tra

Vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum đã có công văn gửi Bộ Công Thương đề nghị chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh xem xét tính pháp lý việc xác nhận giá cả các mặt hàng kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp; hỗ trợ nghiệp vụ cho Sở Công Thương, các lực lượng chức năng xử lý đối với các hành vi kinh doanh bán hàng đa cấp trái phép…

UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Công Thương đề xuất với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo mở chuyên án điều tra, đấu tranh với những đường dây lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm chiếm đoạt tài sản của người tham gia kinh doanh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh ([Tên nguồn])
Kinh doanh đa cấp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN