Lấy đất công viên làm bãi xe: Điều cấm kỵ!

Dự án xây dựng bãi đỗ xe trong Công viên Thống Nhất đang gặp nhiều phản ứng trong dư luận. Không gian xanh của Hà Nội vỗn đã eo hẹp sẽ càng thêm eo hẹp nếu dự án này hoàn thiện. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với KTS Đoàn Đức Thành, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc và Nhà đẹp về vấn đề này.

Chúng ta đã chà đạp quá nhiều

Dự án xây dựng bãi đỗ xe trong Công viên Thống Nhất (Hà Nội) đang gây bất bình trong dư luận. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Bãi đỗ xe thì đúng là Hà Nội còn thiếu, nhưng phải tìm chỗ khác, lấy đất công viên là không được. Đó là điều cấm kỵ. Công viên là lá phổi xanh của đô thị, là một chút không gian để con người sống thoải mái. Nên giữ lại, không nên lấn át thêm nữa. Có thể hôm nay lấn để xây bãi đỗ xe, ngày mai thấy thứ khác quan trọng hơn lại cũng lấn thì cuối cùng sẽ thu dần diện tích lá phổi xanh của mình.

Thiên nhiên của Hà Nội còn lại rất ít. Chúng ta đã xây dựng quá nhiều, chà đạp quá nhiều. Bây giờ còn lại một chút gì đó ta nên giữ gìn, không nên quá mức thô bạo với thiên nhiên. Chứ các nhà đầu tư thì nhìn ở đâu có không gian, có thiên nhiên là rất thèm, chỉ muốn phá đi, xây lên nhà nọ nhà kia để kinh doanh. Môi trường thiên nhiên này một khi đã phá đi rồi thì không thể lấy lại được

Những điều này không phải nhà đầu tư không biết. Nguy hiểm là dù biết nhưng họ vẫn làm?

Người ta biết hết. Các nhà quản lý, chủ đầu tư biết hết và có khi còn biết hơn mình nữa ấy chứ. Nhưng vì quyền lợi thành ra người ta bất chấp. Nếu hỏi dân thì chắc chắn ai cũng muốn giữ trọn vẹn cái công viên. Đấy là tâm tư của dân. Còn chính quyền thì lại khác. Như cái Công viên 1/6 gần nhà tôi cũng mới được xây dựng đấy chứ. Trước đây là xí nghiệp dệt thảm len, sau khi giải thể người ta chuẩn bị xây nhà cao tầng, bà con phản đối ghê lắm nên sau buộc phải làm công viên. Bây giờ ở đây có không gian thoáng đãng, người lớn ra tập thể dục, trẻ con có chỗ chơi, như thế là hợp lý. Nhưng nhà đầu tư và cả chính quyền có khi lại không thích thế.

Nhưng nếu không còn những không gian xanh cho thế hệ mai sau, họ sẽ trách những người làm quy hoạch là các kiến trúc sư?

Quy hoạch ban đầu là kiến trúc sư (KTS). Họ là người vẽ, tính toán... nhưng khi thực hiện lại điều chỉnh, cắt cái nọ bớt cái kia là vấn đề của chính quyền chứ không phải giới kiến trúc. Chứ dân sáng tác không bao giờ cắt kiểu ấy. Không bao giờ có chuyện ông KTS lớp trước đã quy hoạch thành khu công viên như thế rồi ông KTS đời sau lại cắt nó đi.

Lấy đất công viên làm bãi xe: Điều cấm kỵ! - 1

Sau trận mưa năm 2008, người dân bơi trong nội thành Hà Nội trên thuyền tự chế bằng bình gas - Ảnh: Internet

Bất cứ KTS nào cũng thấy giá trị của những không gian xanh như thế này, nó sẽ bớt đi sự nặng nề của bê tông. Sống trong đô thị toàn bê tông gạch đá rất khó chịu, môi trường sống không lành mạnh. Thế nên trên thế giới người ta đầu tư vào cây xanh, mặt nước rất nhiều. Trước đây mình cũng có nhiều nhưng cứ mất dần, mất dần.

Họ không hỏi, mình làm sao mà biết

Có thể vì công viên chưa được khai thác hiệu quả?

Không hiệu quả thì phải tìm cách khai thác hiệu quả. Chứ không thể để cho nó xuống cấp rồi lợi dụng điều đó để xây dựng, lấn chiếm. Trên thế giới bao công viên khai thác hiệu quả chứ. Khai thác không hiệu quả là do trình độ của anh, anh chưa đầu tư thỏa đáng, cách nhìn chưa tốt chứ không phải là cái công viên đó tồi.

Tại sao những vụ như thế này Hội Kiến trúc sư không chủ động phản biện, thưa ông?

Gần như các công trình xây dựng bây giờ không có phản biện của Hội Kiến trúc sư. Không ai được hỏi. Bởi vì người ta cũng thấy hỏi KTS thì chỉ có rách việc thôi. Giới chuyên môn nhìn là thấy ngay. Nhưng họ không hỏi mình, cứ thế mà xây thì mình làm sao biết được người ta định làm cái gì. Chỉ khi công luận lên tiếng, thì KTS mới biết và có ý kiến được.

Quy hoạch nay thế này, mai thế khác

Như vậy, kiến trúc sư trưởng cũng không phải là người quyết định nên xây cái gì và không nên xây cái gì. Qua đây cũng thấy chúng ta chưa có một tổng công trình sư?

Tổng công trình sư chưa có vì chúng ta không đủ trình độ. Các nước họ có những con chim đầu đàn. KTS trưởng của ta cũng chỉ là vì thôi, vẫn nằm trong ủy ban, làm cái gì cũng phải thông qua ủy ban, chứ không được toàn quyền, không được độc lập. Chứ như ở Nhật Bản hay Hàn Quốc, KTS trưởng toàn quyền quyết được xây cái gì, không xây cái gì. Không thể tồn tại KTS trưởng với cái cơ chế của mình.

Vì thế cũng chưa có quy hoạch chuẩn?

Ta chưa có cái gì chuẩn. Ví dụ, nhà tôi ở là khu của Hội Kiến trúc sư. Theo quy hoạch ban đầu, chỉ được xây cốt nền cao 45cm so với mặt đường, đưa lên cao quá là bị phạt. Mình cứ theo thế mà làm. Nhưng từ năm 1998 đến nay đã mấy lần nâng đường lên rồi, đường sắp cao bằng nhà nên nhà tôi cứ mưa là ngập. Còn những nhà xây sau, họ xây cao hơn 60 - 70cm thì không bị sao. Ngẫm thấy vì mình thực hiện nghiêm túc quá nên bị thiệt (cười). Các quy định của mình thiếu khoa học là ở chỗ đấy. Quy hoạch có cố định đâu, nay thế này mai thế khác. Chứ như thời Pháp quy định cốt đường cao bao nhiêu, cống thoát nước từ trong nhà ra cốt ngoài cống chính bao nhiêu... nghiêm lắm, xây nhà là phải tuân theo. Cốt thoát nước phải cao hơn cốt ngoài đường 15cm trở lên thì mới thoát được tốt.

Lấy đất công viên làm bãi xe: Điều cấm kỵ! - 2

KTS Đoàn Đức Thành, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Chúng ta cứ chê dân tự phát muốn xây nhà thế nào thì xây, nhưng hoá ra chính những người làm quy hoạch cũng tự phát không kém?

Giờ không ai biết cốt thoát nước cố định từng khu vực của Hà Nội là bao nhiêu. Hồ để thoát nước thì lấp đi rồi. Chúng ta cứ nói sau bao nhiêu năm sẽ giải quyết hết ngập. Nhưng thực sự là khó lắm. Muốn giải quyết được thì phải hiểu. Quanh Hồ Gươm, phố cổ, kể cả những phố cũ như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt... không bao giờ được xây nhà cao tầng vì hệ thống cống và đường chỉ cho phép nhà 2 - 3 tầng là cùng. Giờ cứ xây 10 - 20 tầng, người tăng lên gấp hơn 10 lần thì dùng nước phải tăng lên, nước thoát cũng phải tăng lên, cống thoát vẫn không thay đổi, nước không thoát kịp được thì nó phải ứ tắc, dềnh lên mặt đường, thế là biến Hà Nội thành Hà "lội", ngày một lội sâu. Người đông, không có chỗ để xe thì lại lấn công viên, lá phổi để thở thì teo dần, thế là chết. Những điều này giới KTS cảnh báo lâu rồi nhưng có ai nghe đâu. Cứ thấy chỗ nào có khoảng trống là xây cao lên.

Không nghe vì mình cảnh báo chưa đủ mạnh?

Mình thì chỉ cảnh báo bằng cái mồm thôi chứ. Còn vấn đề lại nằm ở chỗ lợi ích. Người ta không thích mình nói đâu. Vì nghề nghiệp, vì lương tâm thì mình phải nói. Tôi cũng đã có nhiều ý kiến, về khách sạn Hà Nội Vàng, toà nhà Điện lực, chợ 19/12, đền Lý Công Uẩn, khách sạn trong Công viên Thống Nhất.... Nhiều khi biết lắm cũng khổ, nói thì không ai nghe. Buồn lắm chứ!

Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!

Những năm 1958 - 1960, khi tôi học ở Hà Nội, thứ 7, chủ nhật là ngày lao động XHCN, chúng tôi lại đến Công viên Thống Nhất xúc đất, kéo xe... để từ đống rác mà trở thành công viên có hồ nước, có cây xanh đẹp đẽ như ngày nay. Một thế hệ trước đây đã tạo nên một cái đẹp như thế thì mình phải giữ, không nên phá đi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhật Minh (Kiến Thức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN