Làng phong xoay xở mưu sinh

Nơi nhà thơ Hàn Mặc Tử từng sống những ngày cuối đời giờ là chốn mưu sinh của 419 bệnh nhân phong. Mất cả tay chân vì bệnh nhưng họ không chấp nhận mình là người tàn phế, vẫn bươn chải nuôi sống gia đình.

Làng phong Quy Hòa nằm nép mình tĩnh lặng bên Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngày ngày, những cư dân trong làng vừa vật lộn với căn bệnh phong vừa bươn chải với miếng cơm manh áo.

Nhọc nhằn, lặng lẽ

Làng biển Quy Hòa vẫn giữ được những chiếc ghe bầu cổ xưa của dân vạn chài. Hàng chục chiếc ghe bầu là phương tiện kiếm cơm của gần 50 hộ dân sống bằng nghề biển. Đó là những chiếc ghe nan được gắn với 2 mái chèo nhưng không có bánh lái. Mũi ghe nhọn nhưng phần sau bầu bĩnh, tiếp xúc nhiều với mặt nước để có thể trụ được với sóng biển mà không cần lướt nhanh. "Nó phù hợp với chúng tôi - kẻ mất tay, người cụt chân, không còn xoay xở linh hoạt được - giá lại rẻ, chỉ 4 triệu đồng" - ông Nguyễn Hữu Trí, một bệnh nhân phong, cho biết.

Gần 5 giờ, những chiếc ghe lưới bắt đầu về bến. Xa xa trên mặt biển, những bóng người nặng nhọc gò lưng bên mái chèo để đưa ghe vào bờ. Không như những làng biển khác, Quy Hòa không ồn ào, náo nhiệt. Buổi sáng, thuyền đua nhau về bến nhưng chỉ có những người vợ lặng lẽ đợi chồng, chỉ có tiếng sóng vỗ ì oạp vào bờ và những câu trao đổi ngắn gọn nhưng đượm tình.

Làng phong xoay xở mưu sinh - 1

Loay hoay mãi, ông Lê Văn Sanh vẫn chưa buộc xong bọc lưới để mang về

Vừa về bến, ông Lương Thành Tân lê những bước chân cà nhắc, gồng người đẩy chiếc ghe lên bờ. Sau khi đưa vợ mớ cá ít ỏi để kịp ra chợ bán, ông ngồi bệt trên bãi cát thở dốc. Do bệnh phong, bàn chân phải của ông đùn lại, các ngón đã bị tháo bỏ. "Bàn chân tôi giờ không còn cảm giác. Có hôm, sau chuyến biển về nhà ngủ để lấy lại sức, tỉnh dậy tôi thấy máu chảy lênh láng. Lật bàn chân kiểm tra, tôi mới phát hiện nó bị nguyên cả vỏ sò đâm thủng mà không hay biết" - ông kể.

Ông Tân vốn là người ở TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, bị bệnh phong từ năm 13 tuổi. Sau khi đến Quy Hòa chữa bệnh, ông gặp bà Lê Thị Thu, cũng bị bệnh phong. Cả 2 nương tựa nhau, giờ đã có 2 mặt con.

Người cuối cùng về bến hôm ấy là ông Lê Văn Sanh. Không đủ tiền mua ghe, ông chấp nhận đánh lưới bằng thúng chai. Cả 2 bàn tay ông đã bị rút lại, co quắp, nhiều ngón không còn. Loay hoay mãi, ông vẫn chưa buộc được bọc lưới để mang về nhà. "Ra biển suốt đêm nhưng mớ cá đánh được này có lẽ chỉ bán được 50.000 đồng. Vậy là may rồi, đêm trước còn chẳng được con nào. Gắng làm để dành dụm cho đứa con thứ hai ra thành phố học lớp 10, chứ cả vợ chồng đều bị bệnh, biết kiếm đâu ra tiền..." - ông tâm sự.

Chuyện nữ diễn viên đóng thế

Ngoài nghề biển, ở Quy Hòa còn có những nghề không đâu thấy, như may quần áo cho bệnh nhân phong. Ở nơi nhà thơ Hàn Mặc Tử từng sống những ngày cuối đời này, tôi gặp chị Trần Thị Sanh, từng là diễn viên đóng thế trong bộ phim Bến sông trăng sản xuất năm 2000. Chị là thợ may quần áo nữ duy nhất ở Quy Hòa.

Làng phong xoay xở mưu sinh - 2

Hơn 15 năm nay, chị Trần Thị Sanh ngồi xe lăn may đồ để mưu sinh

Chị Sanh cho biết khi thực hiện Bến sông trăng, đạo diễn Đỗ Phú Hải cần diễn viên đóng thế cho nhân vật Hạnh - một cô gái xinh đẹp nhưng bị bệnh phong, phải cắt bỏ một chân - và được giới thiệu đến chị. "Ban đầu tôi không đồng ý, không muốn mình mang vóc dáng bệnh tật lên phim. Nhưng rồi Ban Hội đồng bệnh nhân Quy Hòa thuyết phục mãi, tôi cũng chấp nhận. Tuy nhiên, tôi chẳng dám xem phim ấy lần nào" - chị thổ lộ.

Bị bệnh phong từ năm 14 tuổi nhưng chị Sanh vẫn giữ được nét mặn mòi của phụ nữ xã đảo Nhơn Hải, TP Quy Nhơn. "Khi gia đình đưa vào đây chữa bệnh, tôi nghĩ mình phải tìm một nghề để sống cho sau này và đã học may. Đó là những ngày tháng cơ cực. Bàn chân trái của tôi không còn cảm giác để đạp máy may. Ngồi học suốt ngày, chân trái sưng phù, đau nhức và tôi sốt liên miên" - chị rùng mình nhớ lại.

Cắt bỏ chân trái nhưng căn bệnh phong vẫn cứ đeo bám chị Sanh. Chị còn chân phải nhưng giờ cũng đã bị viêm. Song, chị vẫn cắn răng đạp máy may. Chồng chị cũng là một bệnh nhân phong ngày ngày làm thuê kiếm sống. "Tôi vẫn thường dạy con rằng tôi chỉ có thể gắng nuôi chúng trên 2 bánh xe lăn. Thương cha mẹ, con tôi học rất giỏi" - chị khoe.

Nhờ quyết chí sống với nghề may nên tay thợ của chị Sanh được nhiều người biết đến. Không chỉ bệnh nhân phong, nhiều người ở phường Gềnh Ráng cũng tìm đến chị để đặt may quần áo. Giá tiền may một bộ quần áo dành cho bệnh nhân phong bao giờ cũng được chị lấy rẻ khoảng 10.000 đồng so với người bình thường, dù phải tốn nhiều công sức hơn. "May đồ cho bệnh nhân phong thì mình phải biết rõ từng người. Với người bị mất các ngón tay, cả cánh tay hay mất chân..., mình phải may khác đi cho phù hợp" - chị tiết lộ.

Giờ đây, chị Sanh đang lo một ngày nào đó, chân phải của chị cũng bị cắt bỏ nốt, không còn gì để đạp máy may. "Đêm qua, tôi mơ thấy mình được may máy may công nghiệp. Ở đó có một cần gạt bằng tay, chỉ gạt nhẹ là máy chạy, thật thích" - chị bộc bạch.

Không làm thì sao sống!

Theo ông Trần Công Nghĩa, Trưởng Ban Hội đồng bệnh nhân Quy Hòa, trong số 419 bệnh nhân của 255 hộ nơi đây, 276 người bị bệnh nặng phải nằm một chỗ, còn lại mỗi người phải tìm một nghề để mưu sinh.

"Mỗi bệnh nhân phong được hỗ trợ chữa bệnh miễn phí và sinh hoạt phí 150.000-235.000 đồng/tháng. Họ còn phải lo chuyện ăn uống, con cái học hành, không làm thì sao sống?" - ông Nghĩa băn khoăn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Ánh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN