Làng nghề Việt hay “phố Trung Quốc”?

Làng nghề mộc truyền thống từ hàng trăm năm của Bắc Ninh đang dần bị biến thành… “khu phố tiếng Tàu”.

Đi dọc con đường làng vào thôn Đông và Phù Khê Thượng (Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh), nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp hàng loạt biển hiệu "lạ". Những tấm biển hiệu tràn ngập tiếng Trung xen giữa tiếng Việt ở những xưởng sản xuất gỗ, công ty vận tải, cửa hàng ăn, nhà nghỉ...

Làng nghề Việt hay “phố Trung Quốc”? - 1

Đường liên xã Phù Khê – Hương Mạc như một “khu phố” của người Trung Quốc với các biển hiệu chữ Trung và chữ Việt đan xen nhau

Theo Phó chủ tịch UBND xã Phù Khê, đây là nơi có nghề mộc truyền thống từ hàng trăm năm nay. Hiện xã có hơn 20 công ty và hơn 2.000 hộ với hàng chục ngàn người tham gia sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp. Sản phẩm gỗ ở đây được sản xuất từ các loại gỗ quý như: gỗ trắc, gụ, hương, mun.. nên giá thành rất cao và chủ yếu xuất đi Trung Quốc.

Rẽ vào một cửa hàng đồ gỗ ở thôn Đông, chúng tôi gặp chị Nguyễn Kim Cúc (30 tuổi) chủ cửa hàng. Chị Cúc cho biết gia đình sản xuất và bán đồ gỗ được 4 năm, mặt hàng chủ yếu là bàn ghế bằng gỗ trắc cao cấp. Nhìn lên tấm biển ghi hai thứ tiếng, chị giải thích: “Toàn bộ sản phẩm làm ra đều được người Trung Quốc đến tận nơi thu mua nên biển hiệu cũng phải có tiếng Trung để họ dễ nhận biết mà tìm đến. Hồi mới mở cửa hàng, tôi nhờ một người giỏi tiếng Trung trong làng dịch hộ rồi đem lên thị xã đặt làm”. Chị Cúc còn cho biết thêm mình mới đi học một khóa tiếng Trung giao tiếp.

Hoạt động mua bán đồ gỗ chủ yếu diễn ra về chiều, từng tốp người bước ra từ các nhà nghỉ. Họ đi bộ đến các cửa hàng gỗ hỏi han, xì xồ ngã giá bằng tiếng Trung.

Bằng giọng nói tiếng Việt khá sõi, một lái buôn tên Nán (34 tuổi, đến từ tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc) cho hay đã ở Việt Nam được hơn 2 năm, đang thuê nhà tại thành phố Bắc Ninh.

“Mình thường xuyên sang mua hàng, mua được nhiều nhiều thì thuê ô tô chở về… Mình chỉ nói được thôi, không đọc được chữ Việt, ở đây nhiều chữ nước mình, thấy tiện quá!", lái buôn người Trung Quốc nói.

Làng nghề Việt hay “phố Trung Quốc”? - 2

Anh Nán - một trong rất nhiều lái buôn người Trung Quốc thường xuyên đến Phù Khê thu mua đồ gỗ

Tò mò hỏi Nán liệu ở Trung Quốc có nơi nào treo biển hiệu nhiều tiếng nước ngoài hay không, Nán mỉm cười, lắc đầu: “Không… không có đâu".

Qua khảo sát, hầu hết những cửa hàng đồ gỗ đều của người dân Phù Khê. Tuy nhiên, không chỉ cửa hàng đồ gỗ mà các nhà nghỉ, công ty vận chuyển, cửa hàng ăn uống đều treo biển hiệu tiếng Trung xen lẫn tiếng Việt. Theo một số người dân ở đây, nhiều người Trung Quốc thuê lại nhà nghỉ, cửa hàng để kinh doanh dịch vụ cho người Trung Quốc.

Anh Đàm Văn Luân, 40 tuổi, chủ một xưởng sản xuất cho biết khoảng từ năm 2000, người Trung Quốc đã về Phù Khê mua đồ gỗ. Càng ngày người Trung Quốc đổ về đây càng đông. Phần lớn họ không biết tiếng Việt nên các biển hiệu đều viết thêm cả tiếng Trung.

Làng nghề Việt hay “phố Trung Quốc”? - 3

Biển quảng cáo dạy tiếng Việt cho người Trung Quốc trên đường vào xã Phù Khê

Anh Luân chia sẻ: “Sản phẩm làm ra chủ yếu xuất đi Trung Quốc, bán trong nước chẳng được bao nhiêu. Bởi vậy, dù biết treo biển hiệu thế này nhìn chướng mắt nhưng cũng đành chịu”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Khương, Phó chủ tịch UBND xã Phù Khê cho biết: “Thường xuyên có khoảng hơn 100 người Trung Quốc đăng ký tạm trú tại xã. Họ về đây mua đồ gỗ rồi vận chuyển về nước. Một số người Trung Quốc cũng mở các dịch vụ như cửa hàng tạp hóa, nhà nghỉ, quán ăn... phục vụ người nước họ”.

Khi chúng tôi hỏi thêm về hiện tượng chữ tiếng Trung tràn ngập trên biển hiệu. Vị phó chủ tịch xã giải thích người dân buôn bán với người Trung Quốc nên treo biển hiệu như vậy để tiện giao dịch. Sau đó, ông Khương lấy lý do đang bận, không thể trao đổi tiếp với chúng tôi.

Công việc sản xuất và buôn bán gỗ với thương lái Trung Quốc đem lại cuộc sống khá giả cho người dân Phù Khê. Nhưng nó cũng dần biến một làng nghề truyền thống xứ Kinh Bắc thành “ khu phố Trung Quốc ”.

Làng nghề Việt hay “phố Trung Quốc”? - 4

Một cửa hàng ở thôn Đông – Phù Khê đặt biển cố định duy nhất một loại chữ Trung Quốc

Làng nghề Việt hay “phố Trung Quốc”? - 5

Biển chỉ dẫn bằng tiếng Trung ở thôn Đông - Phù Khê

Làng nghề Việt hay “phố Trung Quốc”? - 6

Công ty vận tải của người Trung Quốc dày đặc chữ tiếng Trung

Làng nghề Việt hay “phố Trung Quốc”? - 7

Chữ Trung Quốc được đặt trước chữ tiếng Việt sai quy định

Theo Luật Quảng cáo 2012, các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN