"Lai lịch" hay "lý lịch" trên thẻ Căn cước?

Sự kiện: Thời sự

Về dự thảo Luật Căn cước, có ý kiến cho rằng cần bỏ từ "lai lịch" trong khái niệm căn cước hoặc thay bằng từ "lý lịch".

Sáng 25-10, theo nghị trình, Quốc hội (QH) thảo luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước.

Khoản 1 Điều 3 dự thảo quy định Căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người. Tuy nhiên, theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, có ý kiến đề nghị bỏ từ “lai lịch” hoặc thay bằng từ “lý lịch”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: QH

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: QH

Giải trình về vấn đề này, UBTVQH cho rằng “lai lịch” bao gồm những thông tin cơ bản thể hiện nguồn gốc, quá trình sinh sống, hoạt động xuyên suốt, lâu dài của một người; còn lý lịch chỉ là những thông tin nhỏ hẹp, ghi nhận dữ liệu tại một thời điểm, chưa phản ánh đầy đủ thông tin về căn cước của một cá nhân.

Vì vậy, UBTVQH đề nghị QH cho giữ quy định như dự thảo Luật.

Ngoài ra, đối với CMND đã được cấp, còn thời hạn sử dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An Ninh của QH Lê Tấn Tới cho biết có ý kiến đề nghị quy định tiếp tục sử dụng CMND song song với thẻ căn cước đến khi hết thời hạn theo quy định bảo đảm thuận tiện cho người dân trong một số giao dịch dân sự.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An Ninh của QH Lê Tấn Tới cho biết tất cả CMND hết giá trị từ 31-12-2024 không tác động lớn đến người dân.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An Ninh của QH Lê Tấn Tới cho biết tất cả CMND hết giá trị từ 31-12-2024 không tác động lớn đến người dân.

Theo UBTVQH, hiện nay Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư đã kết nối với 13 Bộ, ngành và 63 địa phương. Việc kết nối, khai thác CSDLQG về dân cư phục vụ nhiều hoạt động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời đã cấp được gần 80 triệu CCCD cho công dân đủ điều kiện.

"Vì vậy, quy định thời hạn hết giá trị sử dụng của CMND từ ngày 31-12-2024 cơ bản không tác động lớn đến hoạt động giao dịch của người dân" - ông Lê Tấn Tới nói.

Lý do bỏ vân tay trên mặt thẻ

Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, UBTVQH cho biết việc thay đổi về thông tin thể hiện trên thẻ căn cước đã được đánh giá cụ thể trong quá trình xây dựng Luật. Việc này bảo đảm không trùng lặp giữa các trường thông tin, thống nhất giữa các loại giấy tờ tùy thân phổ biến hiện nay của công dân.

Việc dự thảo bỏ vân tay trên bề mặt thẻ (vẫn được lưu trữ trong bộ phận lưu trữ) để bảo đảm tính bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ; bỏ thông tin “quê quán”, sửa đổi “số thẻ CCCD” thành “số định danh cá nhân”, “CCCD” thành “thẻ căn cước”, “nơi thường trú” thành “nơi cư trú”, bổ sung “nơi đăng ký khai sinh”... để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước.

Đồng thời, bảo đảm tính chính xác về các thông tin của người dân trong việc xác thực, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân...

Nguồn: [Link nguồn]

Bỏ vân tay trên bề mặt thẻ căn cước để bảo đảm tính bảo mật

Dự thảo luật bỏ vân tay trên bề mặt thẻ (được lưu trữ trong bộ phận lưu trữ) để bảo đảm tính bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ; bỏ thông tin “quê quán”, sửa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NHÓM PHÓNG VIÊN ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN