Lạ kỳ làng “cơm ngày 2 bữa”
Người ta vẫn thường gọi những làng biển ấy là làng “cơm ăn ngày 2 bữa” vì giờ giấc sinh hoạt của họ chẳng giống ai. Những bữa cơm không phân biệt sáng – trưa – tối mà về nhà lúc nào ăn lúc đấy. Họ chỉ có 2 bữa ăn vào lúc rất lạ đời: giữa buổi sáng và giữa buổi chiều, hoặc nửa đêm và quá trưa…
Mẹ về con ngủ, mẹ ngủ… con về!
Làm nhà chỉ cho chó mèo ở Ông Hồ Hữu Tam (xóm 8, xã Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu) chia sẻ: “Dân chúng tôi vẫn thường nói với nhau mình làm nhà cho gà và chó mèo ở, vì nhà xây xong để đó, cửa không khi nào đóng, nhưng người thì ở ngoài ruộng rau với ngoài chợ. Nhiều khi nhìn vợ con cũng thấy vất vả quá, đến ăn bữa cơm mà quanh năm không khi nào thấy thong thả”. |
Dọc theo bờ cửa sông Cấm (Nghệ An), thi thoảng lại gặp một bến sông đậu lúp xúp những con thuyền nhỏ. Đó là thuyền của những dân chài “chưa khá giả”. Không có đủ tiền để mua thuyền to, họ đi thuyền nhỏ, đi về trong ngày và hình thành nếp sinh hoạt đặc trưng bao nhiêu năm nay. Cứ nửa chiều, họ kéo nhau đi câu, trở về khi 7 – 8 giờ sáng, ăn bữa cơm rồi đi ngủ. Đến tận 3 – 4 giờ chiều, dậy ăn tiếp bữa cơm nữa rồi chuẩn họ bị cho một đêm làm việc mới. Cứ như thế nhiều năm, nhiều đời rồi, đến nỗi cái đồng hồ sinh học thành phản xạ khiến cho những ngày nghỉ được ở nhà với nếp sinh hoạt bình thường của người dân sông Cấm này lại trở nên lạ lẫm.
Chúng tôi gặp người phụ nữ tên Thủy khi chị đang vác bó lưới lên bờ. Ở những vùng như Nghi Thiết, Nghi Quang… (huyện Nghi Lộc, Nghệ An), phụ nữ cũng ra khơi, khác với một số vùng lại có tục kiêng không cho đàn bà con gái bước chân lên thuyền, đi biển là việc của đàn ông, nơi đây, cứ mỗi thuyền là 2 vợ chồng đi với nhau. Đến khi thuyền đầy cá, mực, ghẹ… họ có thể bán ngay tại cảng Nghi Thủy, hoặc về thẳng cửa sông gần nhà rồi vợ bán buôn, còn chồng xếp lưới, rửa thuyền cho sạch sẽ. Hỏi chị, vợ chồng cùng đi biển như thế, con cái ở nhà để cho ai, chị cười buồn: “Thì để cho ông bà chứ còn ai nữa, nhưng thường thì đứa mô đi học rồi thì cũng biết đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa cho bố mẹ. Đứa lớn trông đứa bé”.
Trẻ con vùng này sớm tự lập, sớm biết lo lắng những việc nhỏ trong nhà để bố mẹ ra khơi, hơn nữa nếu không đảm việc sớm như thế, cũng chẳng ai làm cho. Chúng cũng sớm quen với lối sinh hoạt khác thường của bố mẹ mình so với những nơi làm nông hay làm nghề khác.
Những ngư dân đang gỡ lưới sau khi thuyền về. Ảnh: H.Hà
Chị Thuỷ kể: Thường cứ về nhà nấu cơm ăn thì con đi học buổi sáng rồi. Có những hôm về mệt quá, ngủ say, lúc dậy thì thấy con nấu cơm úp sẵn lồng bàn đó rồi đi học tiếp buổi chiều, bố mẹ dậy chuẩn bị đi biển, rứa là cả mấy ngày không nhìn thấy mặt con”. Những ngư dân ấy, vẫn thường đùa với nhau một cách hài hước về cái tên “cơm ngày 2 bữa” của làng mình, nhưng đó là chất chứa bao nỗi vất vả, lo lắng: Là nước da đen sạm; Là đôi mắt thâm quầng vì thức đêm (dù đã được ngủ bù vào ban ngày); Là mùi cá mực đi vào hơi thở, da thịt mình... Ai cũng có thể chọn cho mình một nghề, một nếp sống, nhưng xưa nay sinh ra ở biển thì lớn lên và sống nhờ vào biển. Đó là cái nghiệp mưu sinh chưa bao giờ dễ dàng mà phải đánh đổi bằng nước mắt và mồ hôi, thậm chí cả sinh mạng ngư dân nhưng lại trở thành cái nghề truyền đời bao thế hệ, khó mà dứt bỏ được.
Không đi biển cũng “ăn cơm khác người”
Muốn con cái đổi nghề Điều lo lắng của ngư dân làng “cơm 2 bữa” này, ngoài những cơm áo gạo tiền mà ai cũng như ai, là tương lai, việc học hành của con cái. Khi chúng sớm biết tự lập thì cũng biết cả đi biển là có tiền. Xa vắng sự thúc giục, sự quan tâm sát sao từng ngày của bố mẹ, những đứa trẻ sớm ham đi thuyền ra biển để có tiền hơn là đi học… Họ làm lụng vất vả, cũng để mong sau này con cái nên người, đi làm cái nghề khác thay cho nghề vất vả của cha mẹ, hoặc dù nối nghiệp ra khơi, cũng “có học có hơn, tháo vát làm ăn khấm khá để sắm thuyền to hơn đời bố mẹ nó”. |
Chúng tôi sang bến Lộc Mỹ (xã Nghi Quang, Nghi Lộc) khi những con thuyền đã nằm im lìm cạnh những lồng bè nuôi cá của ngư dân sống quanh đây, gặp ông Nguyễn Văn Thông (66 tuổi) đang neo chặt thuyền vào bờ, ông vui vẻ góp chuyện: “Từ sáng thuyền đã về, mua bán xong xuôi xếp lưới gọn gàng, giờ này thì chẳng còn mấy ai ở ngoài bến nữa mô, về ngủ từ lâu rồi. Tôi vừa đi thuyền, vừa đóng bè nuôi cá nên giờ ni mới ra cho cá ăn, rồi ngủ lại trên bè luôn. Nhà tui có 5 đứa, phải làm mà nuôi con. Chúng tôi vẫn có giờ giấc đàng hoàng chứ, chẳng qua không giống giờ của người khác thôi...”.
Cũng là làng biển, cũng cơm ngày 2 bữa dù không hề đi biển là làng trồng rau ở xã bãi ngang ven biển Quỳnh Lưu như Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, Quỳnh Liên… nổi tiếng từ lâu khắp trong ngoài tỉnh Nghệ An là những làng trồng rau màu. Thiên nhiên cho họ cái thứ đất cát pha, chỉ cuốc nhẹ là trồng lên đó bao nhiêu cà chua, rau cải, mướp đắng, hành hoa… tươi tốt và ông cha để lại cho họ cái nghề trồng rau đổi lấy lúa gạo.
Ở trên bờ, chẳng phải lênh đênh với biển, nhưng nghề nào cũng có cái vất vả riêng, cũng sớm khuya tất bật, chân tay lấm lem với đất. Xưa kia, đòn gánh kĩu kịt trên vai, nửa đêm trở dậy nhổ rau chất đầy 2 sọt, rồi ăn vội bát cơm, chở rau đi nhập, đi bán đến quá trưa mới trở về. Chẳng kịp nghỉ ngơi, họ lại xắn quần ra ruộng tưới nước cho rau. Đất cát nhanh ngấm nước mà cũng mau khô, trồng rau cho tốt phải tưới liên tục cả ngày lẫn đêm như thế. Bây giờ, cuộc sống đã khác xưa nhiều lắm. Người ta còn bảo nhau làng trồng rau nhìn nhà cửa nhếch nhác thế thôi, chứ dân giàu chẳng nghèo đâu. Nhưng, cái no đủ ấy là chính đáng, là đổi bằng bao giọt “mồ hôi mà đổ xuống đồng” của người dân nơi đây.
Người trồng rau hiện nay đã “khỏe” hơn nhiều bởi xe cộ vào tận ruộng rau. Những “nhà” buôn rau còn nhận luôn phần nhổ rau, buộc rau, đóng bì và chở đi luôn. Nhưng cái công chăm rau thì sớm tối liên tục người nông dân không thể rời ra được, bất kỳ một giai đoạn nào từ khi mới gieo trồng cho đến khi thu hoạch đều phải lo lắng và “lăn ra ngoài ruộng”, không giống như trồng lúa còn có tháng nông nhàn. Họ cũng không thể nào bỏ được thói quen chạy chợ sớm đi – trưa về vì sau khi nhập số lượng lớn cho nhà buôn, còn lại họ vẫn thu hoạch đem ra chợ bán lẻ. Đồng tiền thu được sau bao nhiêu công sức, chi phí giống, phân, thuốc men bỏ ra… đối với họ cũng chẳng hề đơn giản.
Vậy nên, những đêm thức dậy khi gà chưa gáy sáng, những giấc ngủ tranh thủ chợt mắt gà gật ngoài chợ người qua kẻ lại, những bữa cơm nuốt vội, đã thành thói quen, thành cuộc sống hằng ngày của những người trồng rau, từ xưa đến nay chưa hề thay đổi. Họ vẫn sống như thế, với những buồn vui tất bật. Và những người cơm ngày 2 bữa ấy, khi không có việc để làm, khi tay chân bỏ không, mới là lúc họ thấy không quen, thấy bất thường…