Trở lại làng có 57 ngư dân tử nạn vì lốc xoáy

Bao thế hệ trai làng vùng bãi ngang Diễn Châu, Quỳnh Lưu (Nghệ An) đời này sang đời khác kiên cường bám biển. Biển rộng hai vai cưu mang những phận người. Biển cũng đã cướp đi nhiều phận đời. Đại dương chưa bao giờ phẳng lặng luôn cồn cào sóng dữ, để lại những ký ức đau thương, kinh hoàng.

Bãi ngang

Men theo đường bê tông nhỏ hẹp và hàng rào tường gạch chật chội xóm Thành Công (xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu), tôi như mộng du lần ra phía chợ. “Cậu biết vì sao nơi đầu sóng ngọn gió này cư dân làng chài lại sống co cụm lại như vậy không? Nhà cửa san sát!”, tiếng người bên cạnh nhẹ thoảng. “Không biết!”. “Khi mới lập làng, đàn ông biền biệt nơi biển cả, chỉ có đàn bà, trẻ em ở trên bờ. Những căn nhà nép mình vào nhau như vậy, để bao bọc, để che chở cho nhau trước phong ba, bão tố!”. Thiếu vắng đàn ông, những người phụ nữ phần nào bớt quạnh quẽ, cô đơn, khi những căn nhà xích lại gần nhau hơn. Làng ven biển kết thành một khối vững như tường thành.

Trở lại làng có 57 ngư dân tử nạn vì lốc xoáy - 1

Để đánh bắt được hải sản cho gia đình, nhiều khi ngư phủ phải đánh đổi bằng nước mắt, thậm chí mạng sống của chính mình.

Dân trong làng bỏ quang gánh chạy ra bờ biển, chứng kiến những chiếc thuyền nan trên bờ bị gió xoáy hất tung lên không trung, ném ra xa hàng trăm mét. Ngoài khơi, sóng cao ngất nhấn chìm tất cả mấy chục chiếc thuyền. Ai cũng khóc.

Bà Loan, vợ ông Ngô Đức Thái kể

Chợ Đình nằm giữa làng Quỳnh Long. “Một mái đình, dăm túp lều lụp xụp/ Phiên chợ chơ vơ đứng giữa làng/ Mua bán ít, cách hai ngày mới họp/ Chẳng có gì ngoài rau muống, khoai lang”. Chợ quê là như vậy. Lao xao. Nghèo nàn. Mái chợ Quỳnh Long cũng lụp xà lụp xụp như khổ thơ có lần tôi thoáng thấy trên báo tỉnh. Nhưng các thứ bày bán trên mẹt hàng ở chợ, giờ đây đã phong phú hơn nhiều. Thanh niên ồ ạt xuất ngoại. Người ở lại thì vay tiền đóng thuyền mới ra khơi. Kinh tế làng bãi ngang ven biển khá lên, đường nhựa vào tận xóm, nhà tầng san sát. Phía sau những quầy tạp phẩm và rau xanh, chợ cá nhấp nhổm kéo một vệt dài. Cá nục, cá thu, cá phướn, tôm, cua, ghẹ, mực... hải sản tươi rói chưa từng biết đến vị lạnh của đá bày bán từng mẹt, từng thúng. Nhìn vào chợ, là biết Quỳnh Long giàu. Nhìn vào hàng cá, tự nhiên lòng tôi nhói đau. Những thúng cá tươi thơm đã vượt bao hải lý trùng dương từ biển về đất liền, thấm đẫm mồ hôi của ngư phủ. Và để có một cuộc sống tươm tất hơn, nhiều ngư phủ đã phải đánh đổi bằng nước mắt, có khi cả máu, cả mạng sống của chính mình.

Cách chợ Đình một quãng đã là chân sóng. Chiều xuống, bóng tối dần buông, gió mùa Đông Bắc vần vũ mây và mưa lạnh đi qua, để lại dư âm se sắt trong tiếng sóng mải miết vỗ bờ. Biển, sau những trận cuồng phong tan nát, trở lại vẻ bình yên vốn có. Một màu đen tuyền phủ đầy trước mặt, mà nếu không có những ánh đèn câu mực le lói ngoài kia thì bóng tối có thể đã vô cùng. Những ngọn đèn của ngư dân vùng bãi ngang thao thiết thức thâu đêm, có ánh đèn đứng lặng yên, có ánh đèn dập dờn theo sóng, tạo một lằn ranh giữa biển và chân trời. Cách chỗ tôi đứng vài trăm bước chân là căn nhà của Vũ Văn Biên, thuyền viên tàu NA 93789-TS, người đã thoát chết thần kỳ sau vụ đắm tàu cách đây gần 4 tháng.

Trở lại làng có 57 ngư dân tử nạn vì lốc xoáy - 2

Những chiếc bè thô sơ của ngư dân “làng Lốc” đã nhiều lần chống chọi phong ba, bão tố. Ảnh: Quang Long.

NA 93789-TS là một con tàu đánh cá cỡ vừa, trị giá trên 1,3 tỷ đồng, do bốn anh em Bùi Chuân, Lê Híu, Vũ Văn Biên và Trần Thắng cùng trú tại thôn Minh Thành (xã Quỳnh Long) góp vốn. Ngày 7/8/2013, chiếc tàu bị sóng đánh đắm. Vũ Văn Biên sau 24 giờ trôi dạt, chống chọi với bão tố, được thuyền đánh cá của ông Bùi Đình Dũng (Gio Linh, Quảng Trị) cứu sống đưa vào đất liền. “Kỷ lục bất đắc dĩ” của anh Vũ Văn Biên đã bị phá vỡ khi các thuyền viên Vũ Văn Hà (xã Quỳnh Long) và Hồ Vĩnh Lai (xã An Hòa) đã sống sót sau 33 giờ lênh đênh trên biển. Chủ tịch xã Quỳnh Long, ông Trần Quang Vệ cho biết từ năm 2007 đến nay ngư dân trong xã đã “mất nhiều chiếc tàu do bị đắm, hàng chục người thoát chết”.

Trở lại “làng Lốc”

Người dân Diễn Hải (huyện Diễn Châu, Nghệ An) vẫn chưa quên trận lốc kinh hoàng mấy mươi năm trước. “Đó là một ngày đại tang của ngư dân bãi ngang xóm Trung Mỹ, 57 ngư dân đã tử nạn trong vòng 1 giờ đồng hồ. Ngày 3/4 hàng năm thành ngày giỗ chung của 57 gia đình ngư dân trong một xóm”, ông Ngô Đức Thái, trú tại xóm 4 Diễn Hải nhớ lại.

Buổi sáng định mệnh ấy, trời nắng đẹp, gió Tây Nam lất phất. Đầu giờ chiều, gió Đông nhẹ đưa, chẳng có gì đe dọa sau vòm trời xanh và mặt biển có vẻ phẳng lặng, bình yên. HTX ngư nghiệp Trung Hải huy động hơn 100 xã viên lên thuyền, tham gia đánh bắt hải sản còn có 250 lao động của Diễn Hải. Mái chèo gạt nước, thuyền nan lướt sóng giữa tiếng hò sảng khoái. Không khí lao động trên mặt biển nhộn nhịp chẳng khác gì trẩy hội.

Từ phía tây, mây đen bỗng sầm sập kéo đến, gió rít từng cơn. Chạy! Đoàn thuyền đánh cá không kịp kéo lưới, bỏ cả ngư cụ rối rít chèo thuyền vào bờ thoát thân. Nhưng tốc độ thuyền nan không bằng sức phi mã của bão tố với sức gió cấp 10, giật cấp 11 đánh thẳng vào đoàn người đang như ong vỡ tổ. Tiếp sức cho cơn thịnh nộ của biển cả, từ trên chín tầng mây mưa đá ồ ạt trút xuống, kèm theo tiếng sét nổ đinh tai nhức óc. “Dân trong làng bỏ quang gánh chạy ra bờ biển, chứng kiến những chiếc thuyền nan trên bờ bị gió xoáy hất tung lên không trung, ném ra xa hàng trăm mét. Ngoài khơi, sóng cao ngất nhấn chìm tất cả mấy chục chiếc thuyền. Ai cũng khóc!”, bà Loan, vợ ông Ngô Đức Thái kể.

Trở lại làng có 57 ngư dân tử nạn vì lốc xoáy - 3

Ông Ngô Đức Thái, người thoát chết trong trận cuồng phong đã cướp đi sinh mạng 57 người dân Diễn Hải.

Ông Thái thả lưới gần bờ, thấy trời đột nhiên trở gió bèn hối hả điều khiển thuyền về phía đất liền. “Gió giật từng cơn kinh hoàng, tôi chèo không nổi dù đã vào gần bờ và nước chỉ sâu ngang ngực. Lúc đó, tôi chợt nghĩ đến phương pháp dùng neo giữ thuyền khỏi bị gió đánh bật ra xa. Quăng neo ghì lấy chiếc thuyền, tôi ráng sức kéo vào bờ, nhờ vậy mà thoát chết trong gang tấc!”, ông Thái kể. Từ khóe mắt người đàn ông đã qua tuổi lục tuần ấy hai hàng nước mắt lặng lẽ lăn, giọng ông chùng xuống: “Từ 17h đến 18h, chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, xã Diễn Hải có 57 ngư dân tử nạn vì lốc xoáy. Trong đó, xóm Trung Mỹ có 52 người chết, xóm Kim Âu, Hùng Tiến có 5 người ra đi”.

Khi cơn lốc vừa dứt, HTX ngư nghiệp Trung Hải cấp tốc huy động những chiếc thuyền còn lại ra khơi cứu hộ. Ngoài những người tự chèo thuyền, bơi được vào bờ, đội cứu hộ của HTX cứu sống được gần 100 người. “Nhiều ngư phủ bị sóng nhấn chìm, mất tích, không tìm thấy xác. Có gia đình 2, 3 người con tử nạn trong một ngày, như hộ ông Lê Ngơi 3 con trai thiệt mạng; ông Lê Chung: 3 con trai bị chết; gia đình ông Nguyễn Mão xóm Trung Mỹ mất 3 con đẻ, con rể... Không khí tang thương bao trùm làng trên ngõ dưới”, ông Thái kể.

Xóm Trung Mỹ có biệt danh “làng Lốc” từ đó. Ngày tôi còn ở quê, xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cũng từng chứng kiến nhiều vụ đắm tàu, lật thuyền. Có những vụ tàu đánh cá gặp bão không kịp chạy vào đất liền, sóng lớn nhấn chìm cả thủy thủ đoàn hàng chục người, cả thôn trắng vành khăn tang. Đời thuyền viên gắn bó với thuyền, với biển, đầy tai ương và bất trắc. Vì cuộc mưu sinh và cả lòng yêu nghề, bất chấp hiểm nguy rình rập, các ngư phủ vùng bãi ngang vẫn ngày đêm kiên cường bám biển...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Long (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN