Kim Jong-un chưa thâu tóm hết quyền lực?

Các chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phải mất vài năm nữa mới thâu tóm hết quyền lực của mình.

Ngày 26/9, một chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ (CNA) cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn chưa hoàn toàn nắm được quyền lực đầy đủ và ông này phải mất 1 hoặc 2 năm nữa mới củng cố vững chắc được quyền lực của mình.

Nhận định này được chuyên gia Ken Gause đưa ra trong Hội nghị Asan về Triều Tiên tổ chức tại Seoul trong bối cảnh ông Kim Jong-un có vẻ như đã gặp nhiều thuận lợi trong việc tiếp nhận quyền lực từ người cha của mình sau khi ông Kim Jong-il đột ngột qua đời vào tháng 12/2011.

Kim Jong-un chưa thâu tóm hết quyền lực? - 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Chuyên gia này cho rằng ông Kim Jong-un đã kế thừa quyền lực một cách hợp pháp và đã thành công trong việc tiếp nhận tất cả những chức vụ cần thiết để đứng ở vị trí người lãnh đạo Triều Tiên, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc ông đã thâu tóm được toàn bộ đất nước này.

Mặc dù mới chỉ trên dưới 30 tuổi nhưng Kim Jong-un đã trở thành Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Triều Tiên, Bí thư thứ nhất đảng Lao động Triều Tiên và Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên.

Mặc dù vậy, chuyên gia Gause nhận định: “Ông ta vẫn cần phải phát triển những vị trí đang nắm giữ và học cách phát huy hiệu quả quyền lực của mình”, và điều này đòi hỏi ông Kim phải thể hiện được khả năng lãnh đạo cũng như các kỹ năng xây dựng quan hệ của mình.

Chuyên gia này cho hay ông Kim hiện đang thực hiện tiến trình ba bước nhằm củng cố quyền lực của mình.

Bước thứ nhất là việc ông Kim được chỉ định làm người kế nhiệm của cha mình vào năm 2010, bước tiếp theo là việc nhà lãnh đạo này thiết lập cơ sở quyền lực vững chắc và tạo ra hệ thống bảo trợ của riêng mình bắt đầu từ đầu năm nay, đồng thời giảm thiểu sự phụ thuộc vào các vị cố vấn thân cận. Trong bước thứ 3 có thể bắt đầu vào khoảng năm 2015, Kim Jong-un có thể sẽ đảm nhiệm toàn bộ trách nhiệm của vị Tổng thư lệnh tối cao và thiết lập quy trình ra quyết định của riêng mình.

Ông Gause nói rằng nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên này có thể trụ vững trong giai đoạn thứ ba, sự ổn định của Triều Tiên sẽ được được đảm bảo trong tương lai trước mắt. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo là vẫn có nguy cơ quyền lực của ông bị người khác thâu tóm. Trong trường hợp này, sự ổn định của chế độ ở Triều Tiên sẽ là một câu hỏi lớn.

Các chuyên gia khác tham dự hội nghị do Viện Nghiên cứu Chính sách Asan Hàn Quốc tổ chức này dự đoán rằng sự ổn định của chế độ Triều Tiên sẽ không bị thách thức trong ngắn hạn, tuy nhiên sẽ không có gì đảm bảo cho sự trường tồn của quốc gia này.

Nhà nghiên cứu Triều Tiên Andrei Lankov đang giảng dạy tại đại học Kookmin chỉ ra rằng Triều Tiên sẽ vẫn giữ được ổn định trong ngắn và trung hạn. Tuy nhiên về dài hạn, chế độ này có thể sẽ gặp nhiều bất ổn.

 Ông Lankov cho biết quan điểm của ông dựa trên thực tế nền kinh tế kế hoạch tập trung kiểu bao cấp đã lỗi thời của Triều Tiên không thể nào thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, thế hệ trẻ ở Triều Tiên dường như càng ngày ít cảm thấy sợ chính phủ và hiểu biết về thế giới bên ngoài hơn, điều này có thể dẫn đến nguy cơ bất ổn chính trị ngay từ bên trong Triều Tiên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo GlobalPost) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN