Kiểm toán Nhà nước kết luận một số đơn vị đã mua hơn 2.600 tỉ đồng kit test Việt Á

Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện các tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng kit xét nghiệm Covid-19.

Ngày 1-7, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã họp báo công bố công khai Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN năm 2020 và Báo cáo kiểm toán chuyên đề "Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ".

Bà Hà Thị Mỹ Dũng, Phó Tổng KTNN, cho biết trong kế hoạch kiểm toán năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao KTNN thực hiện kiểm toán "Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ".

Năm 2021, công tác xét nghiệm sàng lọc Covid-19 được triển khai trên diện rộng - Ảnh: Ngô Nhung

Năm 2021, công tác xét nghiệm sàng lọc Covid-19 được triển khai trên diện rộng - Ảnh: Ngô Nhung

Lãnh đạo KTNN nhấn mạnh đây là cuộc kiểm toán chưa có tiền lệ, được KTNN tập trung nguồn lực để kiểm toán ngay từ đầu năm, triển khai trên phạm vi toàn Ngành với quy mô lớn, thực hiện kiểm toán tại 9 Bộ, cơ quan Trung ương và 32 tỉnh, thành phố.

Kết quả kiểm toán cho thấy, về cơ bản các bộ, ngành, địa phương và người dân đã tổ chức triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, kịp thời và hiệu quả. Do đó, đến nay, đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch, còn tồn tại, hạn chế trong việc ban hành một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo phòng, chống dịch và các chính sách hỗ trợ; công tác huy động, lập, phân bổ, quản lý, sử dụng vắc-xin; công tác quản lý, sử dụng máy móc, trang thiết bị y tế; công tác tiếp nhận và sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ và công tác thu dịch vụ xét nghiệm…

Theo kết luận của cơ quan kiểm toán, tổng nguồn lực đã huy động cho công tác phòng, chống dịch đến 31-12-2021 hơn 376,2 ngàn tỉ đồng, ngoài ra ngân sách nhà nước còn hỗ trợ các địa phương 142.017,3 tấn gạo; tổng số phân bổ, sử dụng năm 2020, 2021 hơn 351 ngàn tỉ đồng. Nguồn lực toàn xã hội được phân bổ kịp thời, cơ bản đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19.

Kết luận của KTNN đã nêu nhiều nội dung cụ thể, trong đó có việc quản lý và sử dụng kit test Covid-19. KTNN tổng báo cáo của các bộ, ngành, địa phương được kiểm toán trong giai đoạn 2020 - 2021 cho thấy, các đơn vị đã thực hiện mua sắm sinh phẩm, hóa chất và 58.716.805 kit test, sinh phẩm xét nghiệm PCR, với tổng giá trị 7.973 tỉ đồng, với các mức giá khác nhau, tùy thuộc vào chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất.

Trong đó có một số đơn vị mua sắm kit test từ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á giá trị 2.161,6 tỉ đồng (trực tiếp hoặc qua đơn vị trung gian phân phối), như một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc; Hà Tĩnh, Đà Nẵng; Quảng Nam, Hải Dương, Đồng tháp; Tiền Giang…

Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc mua sắm sinh phẩm, kit test nhanh, PCR trị giá hơn 617,2 tỉ đồng, trong đó có 1.269.404 kit test nhanh; 237.452 bộ kit test PCR với nhiều mức giá khác nhau, (giá mua kit test nhanh từ 47.000đ - 220.500đ/test; bộ kit test xét nghiệm PCR từ 126.042đ - 653.571đ/bộ).

Mức giá ghi nhận của một số đơn vị tại các địa phương như Hà Nội cho thấy, giá kit test nhanh từ 48.500 đồng đến 242.000 đồng/test; giá kit Test Realtime RT-PCR từ 48.500 đồng đến 210.000 đồng/test; Quảng Nam giá kit test nhanh từ 48.500đ/test đến 198.000đ/test; giá kit test PCR từ 200.000 đồng/test đến 300.000đ/test; Hải Dương kit xét nghiệm nhanh, đơn giá từ 63.000 đồng - 198.000 đồng/kit; kit xét nghiệm RT-PCR, đơn giá từ 84.000 đồng - 181.000 đồng/kit tách chiết, từ 305.000 đồng - 509.000 đồng/bộ kit định tính SARS-CoV-2…

Theo KTNN, việc quản lý, sử dụng sinh phẩm, kit test còn một số hạn chế như việc xây dựng kế hoạch xét nghiệm, phê duyệt, phân bổ kit test chưa kịp thời phục vụ công tác xét nghiệm; việc quản lý, giám sát chưa chặt chẽ, chưa theo dõi được số lượng thực dùng…

Cụ thể, có lô kit test PCR tài trợ qua lấy mẫu thử nghiệm chưa bảo đảm chất lượng sử dụng; việc hạch toán, lập, quản lý, lưu giữ hồ sơ, tài liệu liên quan như chứng từ phân bổ, kế hoạch xét nghiệm, phiếu nhập, xuất, danh sách cấp phát… chưa đầy đủ; kit test viện trợ hết hạn sử dụng phải tiêu hủy .

Một số đơn vị chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng kit test, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm như: Chưa thống kê, kiểm kê, theo dõi đầy đủ, chính xác số lượng nhập, xuất, tồn, còn chênh lệch số liệu giữa các bên liên quan; các đơn vị theo dõi chủ yếu tại khoa cấp phát, chưa theo dõi được theo từng nguồn và số lượng thực dùng tại đơn vị sử dụng; một số hàng hóa chỉ theo dõi về số lượng nhập xuất tồn, chưa có đầy đủ hồ sơ theo dõi về giá trị ; điều chuyển kit test cho đơn vị khác chưa có Quyết định của Bộ Y tế .

Một số đơn vị, địa phương ghi nhận việc mượn, mua vật tư, kit test, sinh phẩm xét nghiệm từ các nhà cung cấp với nhiều hình thức khác nhau như có hoặc không có văn bản thỏa thuận, có hoặc không có hợp đồng, đơn giá, phương án hoàn trả…, hoặc thiếu thông tin chi tiết chủ yếu chỉ có biên bản bàn giao với tổng giá trị hàng hóa mượn theo hợp đồng, thỏa thuận là 1.061.892trđ và mượn bằng hiện vật không có giá trị.

Theo KTNN, ngày 8-4 và ngày 27-4, KTNN đã chuyển danh sách các đơn vị, địa phương vay, mượn kit test có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để biết và lưu ý khi thực hiện thanh tra theo chuyên đề tại các bộ, ngành, địa phương .

Về mức thu dịch vụ xét nghiệm Covid-19, KTNN kết luận một số địa phương chưa ban hành mức giá đặt hàng từ ngân sách nhà nước đối với giá dịch vụ xét nghiệm làm cơ sở quyết toán; Một số đơn vị xây dựng cơ cấu giá xét nghiệm RT-PCR còn đưa vào một số nội dung chi không phù hợp, không có trong quy định hoặc cao hơn định mức kinh tế - kỹ thuật Bộ Y tế đã ban hành.

Đơn giá thu dịch vụ xét nghiệm của một số cơ sở y tế cao hơn mức quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, còn xảy ra tình trạng điều chỉnh đơn giá xét nghiệp chưa đúng quy định, thu dịch vụ xét nghiệm không đúng đối tượng quy định, chỉ định xét nghiệm không phù hợp. Một số cơ sở y tế chưa quản lý chặt chẽ các khoản thu xét nghiệm, chưa theo dõi được các khoản phải thu, số đã thu và còn phải thu.

Nguồn: [Link nguồn]

Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Đắk Lắk cung cấp thông tin về mua sắm kit test

Cơ quan Kiểm toán Nhà nước khu vực XII vừa có văn bản yêu cầu Sở Tài chính Đắk Lắk cung cấp các tài liệu liên quan việc quản lý, sử dụng kit test xét nghiệm Covid-19 tại tỉnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Chiến ([Tên nguồn])
Móc ngoặc, "thổi giá" kit test COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN