Không giảm tốc độ tối đa cao tốc TP HCM - Trung Lương

Tai nạn xảy ra trên đường cao tốc thường tập trung vào ba yếu tố: cầu đường - kỹ thuật - người lái.

Không giảm tốc độ tối đa cao tốc TP HCM - Trung Lương - 1

Vụ tai nạn liên hoàn xảy ra trên cao tốc TP HCM - Trung Lương khuya 28/9 đoạn qua địa phận tỉnh Long An khiến hai người chết, nhiều người bị thương.

Trả lời PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN khẳng định, phần lớn các vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên cao tốc TP HCM - Trung Lương không phải do xe chạy tốc độ cao, nên không có lý do để phải điều chỉnh tốc độ trên tuyến cao tốc này.

Các vụ tai nạn không phải do xe chạy tốc độ cao

Theo ông Huyện, qua xem xét cho thấy, bốn vụ tai nạn gần nhất xảy ra trên tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương đều chạy dưới tốc độ 93 km/h, thậm chí có xe chạy tốc độ 45 km/h nhưng vẫn xảy ra tai nạn. Cũng theo ông Huyện, qua quá trình vận hành khai thác cao tốc này, chỉ ghi nhận khoảng 2,8% phương tiện chạy tốc độ từ 120 km/h trở lên. Vì vậy, có thể khẳng định các xe gây tai nạn không phải xuất phát từ nguyên nhân tốc độ mà chủ yếu do ý thức của người lái xe. Do đó, Tổng cục không xem xét việc điều chỉnh tốc độ trên tuyến đường này.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục quản lý đường cao tốc (Tổng cục Đường bộ VN) cũng cho biết: “Không nên đặt vấn đề có nên hạn chế tốc độ trên tuyến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương hay không”.

Lý giải về điều này ông Tuấn cho biết, tai nạn xảy ra trên đường cao tốc thường tập trung vào ba yếu tố: cầu đường - kỹ thuật - người lái. Vì thế, cần phải xem xét kỹ nguyên nhân để “chữa bệnh”. Rõ ràng ở đây không thấy có vấn đề liên quan đến yếu tố cầu đường thì không cần thiết phải điều chỉnh. Trong trường hợp cầu đường bị xuống cấp, giải pháp là xử lý cầu đường để đảm bảo duy trì đúng tốc độ thiết kế chứ không hạ thấp tốc độ xuống. Nếu làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác và lưu thông. Không nên vì lỗi của người lái mà can thiệp vào vấn đề kỹ thuật.

Hơn 50% tai nạn do lái xe ngủ gật

Trước đó, UBND tỉnh Long An đã có văn bản gửi cơ quan chức năng kiến nghị giảm tốc độ tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương xuống 100 km/h thay vì 120 km/h như hiện nay. Tại văn bản do ông Đỗ Hữu Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh ký nêu rõ: “Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương thông xe ngày 3/2/2010 đến nay đã trên 5 năm. Trong thời gian đó, riêng đoạn đi qua tỉnh Long An dài gần 30 km đã xảy ra 212 vụ TNGT làm chết 33 người, bị thương 149 người, hư hỏng 83 xe ô tô và thiệt hại nhiều tài sản khác.

Thực tế nhiều vụ tai nạn trên đường cao tốc xảy ra vừa qua phần lớn do tài xế không giữ đúng khoảng cách an toàn, chạy quá tốc độ, buồn ngủ, xe bị nổ lốp… Vì vậy, kiến nghị giảm tốc độ xuống còn 100 km/h là không hợp lý”.

Ông Vũ Anh Tuấn
Phó cục trưởng Cục quản lý đường cao tốc

Qua thống kê và phân tích cho thấy, các vụ TNGT chủ yếu xảy ra vào ban đêm chiếm 76%  (161/212 vụ). Nguyên nhân do lái xe ngủ gật chiếm 51% (108/212 vụ). Các vụ tai nạn xảy ra trên đường hướng từ Tiền Giang về TP Hồ Chí Minh chiếm 82% (174/212 vụ).

“Nhằm phòng ngừa và giảm thiểu tai nạn, UBND tỉnh Long An kiến nghị: lắp đặt đèn chiếu sáng ban đêm suốt toàn tuyến, bổ sung tấm chống chói đoạn qua cầu cạn, bổ sung biển cấm đậu đỗ tại những nơi nguy hiểm, giảm tốc độ tối đa từ 120 km/h xuống 100 km/h, xử lý nghiêm các trường hợp chạy quá tốc độ tối đa, chạy dưới tốc độ tối thiểu”, công văn nêu.

Ông Phùng Văn On, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Long An lý giải thêm về kiến nghị trên, thực tế có nhiều đoạn trên cao tốc TP HCM - Trung Lương mặt đường chưa được tốt, nhất là những đoạn có cống hộp ngang và mặt đường không bằng phẳng. Mỗi khi xe qua những vị trí này đều bị xóc, nếu chạy tốc độ nhanh sẽ bị lạc tay lái. “Khi tăng tốc độ lên 120 km/h, thời gian rút ngắn cũng không nhiều so với 100 km/h, nhưng nguy cơ tai nạn cao hơn. Vì thế, có thể đoạn đường tốt giữ nguyên tốc độ, còn đoạn nào mặt đường không được êm thuận nên giảm xuống”, ông On kiến nghị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phan Tư - Tiến Mạnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN