Khi cuộc chiến nối dài trên giường bệnh

Chiến tranh đã qua đi nhưng những vết thương để lại thì mãi mãi còn đó. Nó hiện hữu mồn một giữa cuộc sống ngày thường và ngày ngày thách thức bản lĩnh, nghị lực sống của những người lính Cụ Hồ.

Có mặt tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng (Hà Nam), nơi đang chăm sóc và điều trị cho 86 thương bệnh binh bị mắc bệnh tâm thần mãn tính do vết thương sọ não gây ra, mới thấu hiểu được phần nào sự khốc liệt của chiến tranh…

Khi cuộc chiến nối dài trên giường bệnh - 1

Bệnh binh Nguyễn Bá Đọc luôn thân thiện với những người xung quanh. Ông Đọc nhập ngũ năm 1968, năm 1972 ông bị sức ép bom và được chuyển về hậu phương điều trị cho đến nay

Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng được thành lập tháng 3-1976 với nhiệm vụ quản lý, chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng cho thương bệnh binh và đối tượng xã hội bị mắc bệnh tâm thần mãn tính. Hiện nay trung tâm đang quản lý 108 thương bệnh binh, trong đó có 86 thương bệnh binh nặng và 22 đồng chí hưu trí, viên chức mất sức, thân nhân liệt sĩ của 30 tỉnh, thành từ Quảng Ngãi trở ra.

Nhiều bệnh binh ở đây có người đã lập gia đình, có người từng có hạnh phúc, và nhiều người chưa một ngày được cảm nhận sự ân cần chăm sóc của  người vợ, sự trìu mến thiêng liêng của một tiếng “cha”...

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - giám đốc trung tâm, do đặc thù về tình trạng thương tật nên bệnh lý của nhiều bệnh binh ở đây rất phức tạp: “70% thương bệnh binh ở đây sa sút về trí tuệ nặng, họ thờ ơ lạnh nhạt, nóng giận vô cớ và rất dễ bị kích động. Mặt khác anh em thương bệnh binh tuổi đã cao (tuổi đời trung bình 55-60 trở lên) nên sức khỏe đã bị giảm sút, nhiều bệnh nội, ngoại khoa kết hợp. Đáng buồn hơn, khoảng 40% anh em không có vợ con hoặc vợ bỏ do bệnh nặng”.

Cuộc sống của họ tại Trung tâm Kim Bảng trôi đi một cách lặng lẽ và chậm rãi, trái ngược với sự vồn vã dữ dội của một cuộc chiến tranh, nơi họ từng là chỉ huy hay một người lính can trường.

Dưới những mái đầu bạc trắng, những mảnh bom đạn vẫn “lầm lì” gan góc găm sâu trong nhiều người. Và họ phải từng ngày "chiến đấu" để bảo vệ sức khỏe như một thời trong khói lửa anh hùng.

Khi cuộc chiến nối dài trên giường bệnh - 2

Bữa ăn trưa trong lặng lẽ của các thương bệnh binh tại Trung tâm Kim Bảng

Khi cuộc chiến nối dài trên giường bệnh - 3

Thiền là một phương pháp hữu hiệu giúp một số thương binh lấy lại trạng thái tâm lý cân bằng, tuy nhiên chỉ một số ít các bệnh binh ở đây có đủ tỉnh táo để rèn luyện sức khỏe

Khi cuộc chiến nối dài trên giường bệnh - 4

Bệnh binh Quan Văn Minh đang được vợ Đinh Thị Thùy chăm sóc sức khỏe. Ông Minh vào trung tâm từ năm 1977, do vẫn còn mảnh đạn trong đầu nên thỉnh thoảng ông bị tái phát. Lần tai biến gần đây nhất đã khiến người bệnh binh này liệt nửa người và phải di chuyển bằng xe lăn

Khi cuộc chiến nối dài trên giường bệnh - 5

Thương bệnh binh Trần Quang Cơ (quê Hoài Đức, Hà Nội) bị chứng bệnh tâm thần phân liệt. Ông thích được giúp đỡ người khác, đặc biệt thích dọn dẹp, lau chùi nhà cửa dù khả năng ngôn ngữ rất hạn chế

Khi cuộc chiến nối dài trên giường bệnh - 6

San sẻ cho nhau từng điếu thuốc

Khi cuộc chiến nối dài trên giường bệnh - 7

"Thương binh tàn nhưng không phế" - một khẩu hiệu được treo trang trọng giữa phòng phục hồi chức năng cho các bệnh binh

Khi cuộc chiến nối dài trên giường bệnh - 8

Bệnh binh Hoàng Đình Hải (quê Phú Xuyên, Hà Nội) đang tích cực đạp xe vận động cơ thể

Khi cuộc chiến nối dài trên giường bệnh - 9

Những lọ thủy tinh chứa thuốc điều trị, có ghi tên tuổi của các bệnh binh, đang được các y sĩ sắp xếp chuẩn bị cho giờ uống thuốc

Khi cuộc chiến nối dài trên giường bệnh - 10

Niềm hạnh phúc của gia đình bệnh binh Nguyễn Xuân Ngọc và chị Nguyễn Thị Hợi. Họ kết hôn vào tháng 12/2002, khi ông Ngọc vẫn bị bệnh nặng, bất chấp sự phản đối gay gắt từ phía gia đình chị Hợi. Hiện họ đã có một bé gái tên Nguyễn Thị Hồng Nga (9 tuổi). Từ khi con gái ra đời, sức khỏe của ông Ngọc đã tiến triển rất tốt, những cơn động kinh đã thuyên giảm rõ rệt

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Khánh (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN