Khám phá bí ẩn nền nhà nóng bất thường
Nửa đêm ngày 25/5, nền của căn nhà số 204, đường Hồ Ngọc Lân, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh bỗng nóng bất thường và ngày càng tăng nhiệt. Nhiệt độ cao khác thường lan rộng trong khoảng diện tính hơn 1m2. Khi chủ nhà đổ nước xuống nền nhà thấy hiện tượng bốc hơi, khoảng 2 phút sau thì nền nhà hết nước.
Đơn giản là do… chập điện
Hiện tượng nền nhà nóng bất thường từng được ghi nhận ở nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Cần Thơ, Quảng Nam... Sàn bếp nhà chị Nguyễn Thị Minh Sang (số 19, ngõ 55, phố Nguyễn Ngọc Nại, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) từng đột nhiên nóng bất thường hơn 70 độ C. Thậm chí, gia chủ có thể… rán trứng tại khu vực nóng nhất của nền nhà. Hội Địa chất thủy văn Việt Nam đã đến kiểm tra thực địa hiện tượng nền nhà nóng bất thường. Học viện Quân y cũng đến đo nồng độ phóng xạ, nhưng kết quả cho thấy nồng độ phóng xạ vẫn ở trong mức độ cho phép.
Hay vụ việc sàn nhà căn hộ số 43B và 43C phố Giảng Võ (Hà Nội) đột nhiên nóng bỏng tay. Tuy nhiên, sự việc cũng chỉ kéo dài khoảng 1 tuần, sau đó sàn nhà lại trở về nhiệt độ bình thường.
Thống kê cho thấy, đây không phải lần đầu tiên ở Hà Nội xảy ra hiện tượng nền nhà nóng bất thường. PGS.TS Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Bảo vệ Môi trường (thuộc Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam), Tổng thư ký Hội Địa chất thủy văn Việt Nam - cho biết, hiện tượng sàn nhà có nhiệt độ nóng bất thường hoàn toàn có thể giải thích về mặt khoa học. Theo ông Lâm, sàn nhà nóng lên không có gì bí hiểm và hoàn toàn không có mối liên quan nào với vấn đề tâm linh. Cũng theo PGS. TS Nguyễn Văn Lâm, còn nhiều nguyên nhân chủ quan có thể do điện, thường là nguồn từ lâu không còn sử dụng nữa, đã bị cắt đi và người nhà cũng không để ý, nay bị chập; hay hố tôi vôi… sau đó mới đến các nguyên nhân khách quan như: vỏ trái đất đang nóng lên, do khí mê tan trong lòng đất…
Đổ nước xuống nền nhà thấy hiện tượng bốc hơi, khoảng 2 phút sau thì khô sạch
Ngày 28/12/2011, nền nhà của ông Trần Văn Đức tại khu vực 6, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ xuất hiện một hiện tượng lạ là mặt đất bỗng nhiên bốc khói dữ dội kèm mùi hôi, phát ra tiếng sôi sùng sục như tiếng nước sôi giữa đêm khuya. Chủ nhà phát hiện chỗ phát ra tiếng sôi là xuất phát từ dưới nền nhà xi măng sát vách nhà (vách được che bằng lá) và đang bốc khói dữ dội, có mùi rất khó chịu. Khi đưa tay chạm xuống vị trí phát ra âm thanh lạ thì phát hiện nền nhà rất nóng khoảng 70-80 độ C. Theo nhận định của Phòng Tài nguyên Môi trường quận Ninh Kiều, nguyên nhân hiện tượng lạ trên có thể là do một lượng lớn khí mê tan tồn đọng lâu ngày dưới lòng đất gặp thời tiết thay đổi bất thường làm cho khí bốc lên gây ra nóng và bốc khói.
Theo lý giải của kỹ sư Cao Duy Giang, Trưởng Phòng Địa chất thủy văn và Địa chất công trình khi đến khảo sát hiện tượng nền nhà nóng lên có thể do 2 nguyên nhân. Trường hợp thứ nhất, phía dưới nền nhà có một hố vôi, khi nước ngầm thấm vào gây nở và tạo ra nhiệt. Trường hợp thứ hai, có thể trước kia khu vực này là đầm lầy, qua thời gian sinh ra khí mê tan, sinh nhiệt. Nhưng rồi nguyên nhân cuối cùng được xác định là rò rỉ điện chính là thủ phạm gây nóng nền nhà ở phố Giảng Võ. Qua kiểm tra công tơ điện của những gia đình có nền nhà bị nóng tiền điện tăng gấp đôi, gấp ba mức sử dụng bình thường. Sau khi xác định chính xác là do công nhân điện lực sửa đường dây và nối ngược chiều nguồn điện, khiến điện đi xuống tụ điện chôn dưới nền nhà nên gây nóng. Sau khi thợ điện đổi chiểu nguồn điện đi vào nhà thì vài hôm là hết nóng.
Hiện tượng này cũng giống như nhà ông Nguyễn Văn Thiệp, thuộc địa bàn xóm 4, thôn Quý Dương, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương do hệ thống đường dây điện đã rất cũ và chắp vá nhiều, lại được đấu nối không an toàn, nhiều đầu đấu nối thiết bị mặc dù đã không sử dụng nhưng cũng chưa được loại bỏ an toàn. Xác định lượng điện tiêu dùng của gia đình trong tháng, có tăng so với tháng trước. Sau khi cải tạo ngay hệ thống mạng điện đang dùng, nhiệt độ nền nhà ông Thiệp đã trở lại mức bình thường và không còn chênh lệch so với nhiệt độ của môi trường xung quanh nữa. Đó là do quá trình rò điện lâu ngày xung quanh hệ thống giằng móng đã gây ra hiện tượng sinh nhiệt làm cho hệ thống giằng móng và nền nhà bị nóng lên. Vì vậy, sau khi sửa chữa mạng điện mới, hiện tượng này đã hoàn toàn chấm dứt.
Đó là địa nhiệt?
Như vậy dưới góc độ Khoa học và Công nghệ, nguyên nhân của hiện tượng nền nhà nóng lên bất thường hoàn toàn không phải là hiện tượng địa chất bất thường và cũng không phải là hiện tượng thần bí, tâm linh. Theo các nhà khoa học, hiện tượng nền nhà nóng lên không phải là chuyện hiếm gặp, cũng không có gì kỳ bí. Nhiều trường hợp như vậy đã xác định được nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Ngoài những nguyên nhân kể trên, một cán bộ Viện Địa chất (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, nóng nền nhà có nhiều nguyên nhân. Không loại trừ khả năng do dưới nền đất có nguồn nước khoáng nóng. Trước đây chưa thấy có hiện tượng nóng nền nhà, nhưng nay lại nóng là do ở một điều kiện nào đó, có thể do nứt đất, nguồn nước khoáng nóng thấm lên. Nguyên nhân nữa có thể do quá trình nứt đất, ở dưới lòng đất có nguồn nhiệt độ cao, khí bốc lên cao gây nóng nền nhà. Đó là những nguồn năng lượng địa nhiệt - một dạng năng lượng được tích tụ dưới dạng nhiệt lượng nằm ngay dưới lớp đất của vỏ trái đất. Nguồn năng lượng được tách ra từ nhiệt trong lòng trái đất. Các dạng biểu hiện của năng lượng địa nhiệt như: lỗ khe núi lửa, bọt bùn, suối nước nóng và các dạng khác.
Năng lượng này có nguồn gốc từ sự hình thành ban đầu của hành tinh, từ hoạt động phân hủy phóng xạ của các khoáng vật, và từ năng lượng mặt trời được hấp thụ tại bề mặt trái đất. Nguồn địa nhiệt liên quan mật thiết đến cấu trúc nhiệt độ của trái đất và chu trình đối lưu nhiệt trong lòng trái đất. Nhiệt độ của trái đất tăng dần theo độ sâu và đạt đến 4.2000C tại tâm.
Địa nhiệt đã được sử dụng để nung và tắm kể từ thời La Mã cổ đại, đến nay nó đã được dùng để phát điện. Các nhà máy điện địa nhiệt cho đến gần đây được xây dựng trên rìa của các mảng kiến tạo, nơi mà có nguồn địa nhiệt nhiệt độ cao nằm gần mặt đất.
Tiềm năng địa nhiệt ở Việt Nam
Địa nhiệt là nguồn năng lượng sạch đã được nhắc tới nhiều trong giai đoạn hiện nay nhưng sự có mặt của nguồn năng lượng này ở Việt Nam vẫn còn rất mới lạ. Nguồn năng lượng này có thể phát triển ở nước ta không và lợi ích của nó nằm ở đâu?
Theo khảo sát và đánh giá của các nhà khoa học, hiện Việt Nam có khoảng 264 nguồn, suối nước nóng phân bố tương đối đều trên cả nước: như suối nước nóng Kim Bôi-Hòa Bình, Thạch Bích-Quảng Ngãi, Bình Châu-Bà Rịa-Vũng Tàu… với nhiệt độ trung bình từ 70-1000C ở độ sâu 3km. Các nguồn nhiệt này có khả năng xây dựng các nhà máy điện có công suất từ 3 đến 30MW. Riêng khu vực miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, nơi có các nguồn địa nhiệt với nhiệt độ từ 70-1500C, được xem là có tiềm năng lớn để khai thác và xây dựng các nhà máy điện địa nhiệt với tổng công suất khoảng 200MW.
Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra những quan điểm của mình về địa nhiệt tại Việt Nam: Từ các số liệu đo địa nhiệt trong các lỗ khoan thăm dò dầu khí đã khoanh được các vùng có địa nhiệt cao là vùng Đông Nam Đồng bằng sông Hồng (độ sâu 3.000m có nhiệt độ hơn 140 độ C) và ven biển Bình Thuận với diện tích hàng trăm km2. Ngoài ra, một số khu vực khác như Huế, Quảng Ngãi, Kon Tum cũng có nguồn địa nhiệt ở mức cao… có điều kiện để phát điện công suất nhỏ. Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của Viện Địa chất (thuộc VAST) ở vùng Đồng bằng sông Hồng cho thấy tầng trung hòa nhiệt ổn định 25-26 độ C phân bố ở độ sâu dưới 10-15m, là điều kiện địa chất thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ bơm nhiệt đất (GSHP).
Các tính toán mô phỏng công nghệ này với điều kiện thực tế ở Hà Nội cho phép tiết kiệm được 37% năng lượng điện tiêu thụ so với hệ thống điều hòa không khí (RAC) hiện nay. Ngoài lợi ích kinh tế, giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả, bơm nhiệt đất còn hạn chế tối đa lượng khí xả ra làm ô nhiễm môi trường.