Khách du lịch 'bụi' bị trấn lột ở hồ Trị An - Bài 1: Muốn ngồi chơi, phải nộp 'tiền bãi'

Sự kiện: Tin nóng

Toàn bộ đất xung quanh lòng hồ Trị An ở Đồng Nai do lâm trường quản lý nhưng có khách du lịch nào đến trải bạt, dựng lều là bị thu tiền bảo kê.

Thời gian gần đây, khu vực lòng hồ Trị An thuộc địa bàn huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai thu hút nhiều khách du lịch “bụi” về tham quan, cắm trại dã ngoại.

Cùng với các điểm kinh doanh, buôn bán các mặt hàng phục vụ thì nơi đây xuất hiện nhiều nhóm thanh niên trấn lột tiền của du khách. Để yên thân, nhiều người phải móc tiền ra trả cho “phí thu tiền bãi” tự đặt của các nhóm này.

Nhóm anh D bị thu 80.000 đồng “tiền bãi”. Ảnh: TS

Nhóm anh D bị thu 80.000 đồng “tiền bãi”. Ảnh: TS

Hồ Trị An là một hồ nước nhân tạo nằm trên sông Đồng Nai, thuộc các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Thống Nhất và Trảng Bom của tỉnh Đồng Nai. Đây là nơi trữ nước để cung cấp cho Nhà máy thủy điện Trị An.

Vài năm trở lại đây, khu vực hồ thu hút nhiều du khách, nhất là thanh thiếu niên và họ đến khu vực lòng hồ Trị An để cắm trại, dã ngoại, đặc biệt là vào các dịp cuối tuần và họ là nạn nhân của các nhóm thanh niên đến trấn lột tiền.

Vừa trải bạt ra đất đã có người đến thu tiền

Ngày 29-11, anh CPN, ngụ TP Biên Hòa, cùng nhóm bạn năm người đến khu vực hồ Trị An dự định sẽ cắm trại qua đêm ở đây.

Do có kinh nghiệm du lịch “bụi”, anh N cùng nhóm bạn đã chuẩn bị các vật dụng như bạt trải, lều, thùng đá, thức ăn, đồ uống…

Khi đến hồ Trị An, nhóm bạn của anh N đã chọn một bãi đất trống sát hồ nước của thủy điện để cắm trại.

Khoảng 14 giờ, khi vừa trải bạt và bày thức ăn ra thì xuất hiện ba thanh niên khoảng 20 tuổi đến yêu cầu nhóm của anh N phải nộp 100.000 đồng.

Ngạc nhiên, anh N và nhóm bạn thắc mắc về khoản tiền phải nộp thì một thanh niên mặc áo kẻ ô, quần đùi, đội mũ tai bèo trong nhóm ba người nói: Tiền bãi.

Nhóm khách du lịch “bụi” vừa ngồi xuống đã có người đến thu tiền theo đầu người với giá 20.000 đồng/người. Ảnh: TS

Nhóm khách du lịch “bụi” vừa ngồi xuống đã có người đến thu tiền theo đầu người với giá 20.000 đồng/người. Ảnh: TS

Anh CPN cho biết nhiều năm nay, anh và nhóm bạn thường xuyên đến khu vực hồ Trị An dã ngoại nhưng chưa bao giờ phải đóng cái gọi là “tiền bãi” bao giờ.

Hình ảnh nhóm bạn anh CPN ghi lại cho thấy nhóm thanh niên ba người ập tới, bao gồm thanh niên mặc áo kẻ ô nói trên, một thanh niên ở trần và một thanh niên mặc áo thun đen vây quanh anh N yêu cầu đóng 100.000 đồng. Thanh niên mặc áo kẻ ô nói: “Cả hai bãi, từ bên kia vòng qua là của em, đây là bãi Mây, em lấy 100.000 đồng tiền bãi”. Để tránh va chạm, anh N đành móc ví đưa cho thanh niên mặc áo kẻ ô 100.000 đồng.

Trong khoảng thời gian có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến hầu hết du khách bị các thanh niên đến thu tiền phí.

Vào khoảng 19 giờ, sau khi thu hết tiền các nhóm du khách lân cận, D (ngụ Bình Dương) đi xe máy đến nhóm của anh T. Lúc này, D cho biết toàn bộ khu vực hồ Trị An đều được chia ra để quản lý du khách, thu tiền.

“Tùy chỗ, có chỗ chúng tôi thu 20.000 đồng/người, có chỗ 30.000 đồng. Chỗ 30.000 đồng là có nhà vệ sinh nữa, ở đây 20.000 đồng là tự do, chủ yếu thu tiền bãi...” - người này nói tiếp.

Theo quan sát của chúng tôi, khu vực D thu tiền trải dài vài kilomet, có tới gần trăm du khách.

Để quản lý được khu vực rộng ven hồ Trị An này, D và nhóm bạn phải thường xuyên di chuyển qua lại để tránh thu tiền sót người.

“Ngày bình thường hay các ngày lễ, cuối tuần chúng tôi đều thu hết” - D khẳng định.

“Thật tình chúng tôi rất bức xúc vì bị thu tiền một cách ngang nhiên, trong khi chúng tôi chỉ trải bạt ngồi ven hồ, không sử dụng bất cứ dịch vụ hay nhờ nhóm thanh niên kia giúp đỡ việc gì” - anh CPN nói.

“Thu tiền đàng hoàng, không ngại báo chí, công an”

Tương tự, ngày 29-11, anh LNV ngụ huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cùng nhóm bốn người bạn đến một bãi đất trống khác ven hồ Trị An để dã ngoại.

Vừa trải tấm bạt mang theo để ngồi ăn uống, vui chơi thì ngay lập tức, một thanh niên khoảng 22 tuổi, mặc áo quần và đội mũ màu đen xáp lại yêu cầu anh V và nhóm bạn nộp tiền bãi.

Khi nhóm khách du lịch phản ứng, một phụ nữ chạy xe máy tới hăm dọa đòi tiền. Ảnh: TS

Khi nhóm khách du lịch phản ứng, một phụ nữ chạy xe máy tới hăm dọa đòi tiền. Ảnh: TS

Khi anh V hỏi tiền này là tiền gì và thắc mắc đất này là của lòng hồ thủy điện Trị An và do lâm trường quản lý, tại sao lại phải đóng tiền thì thanh niên này trả lời: “Ở đây thu phí, gọi là phí bãi ấy”.

Anh V thắc mắc đây là đất của Nhà nước quản lý mà sao lại tự tiện thu phí thì thanh niên mặc áo đen nói:

“Đất Nhà nước nhưng ở đây thu phí, bao gồm phí phát quang, dọn dẹp. Ở đây thu phí, người lớn là 20.000 đồng mỗi người”.

Khi anh V hỏi ở đây Nhà nước có cho làm không hay tụi em tự bày ra làm thì thanh niên mặc áo đen nói:

“Ở đây tụi em có đăng ký, Nhà nước cho phép em mở dịch vụ làm ra để kinh doanh. Tụi em thu tiền phát quang, dọn dẹp. Còn anh thắc mắc có mục đích gì hay anh ở bên đài nào, kể cả camera giấu kín như nào em cũng không sợ, em làm ở đây đàng hoàng, em không sợ bất cứ thành phần nào, ví dụ như báo chí, ví dụ như công an”.

Khi anh V tỏ ý không chịu đóng khoản “tiền bãi” vô lý ấy thì thanh niên áo đen nói: “Mời anh đi chỗ khác mà chơi”. Lúc này, bất đắc dĩ anh V phải móc 80.000 đồng đưa cho thanh niên nói trên.

Hồ Trị An được khởi công vào năm 1984, hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm 1987. Hồ Trị An có dung tích toàn phần 2,765 tỉ m³, dung tích hữu ích 2,547 tỉ m³ và diện tích mặt hồ 323 km². Hồ được thiết kế để cung cấp nước cho Nhà máy thủy điện Trị An có công suất 400 MW với sản lượng điện hằng năm 1,7 tỉ kWh.

Phía thượng nguồn của hồ có Vườn quốc gia Cát Tiên - nơi có nhiều thảm thực vật xanh quý còn sót lại với nhiều loài động vật quý hiếm. Trên vùng hồ Trị An, có khoảng 70 hòn đảo lớn nhỏ, rải rác có nhà dân sinh sống.

Công trình thủy điện Trị An nằm ở bậc thang cuối cùng của sông Đồng Nai, cách điểm hợp lưu của sông La Ngà và sông Đồng Nai khoảng 37 km về phía hạ lưu theo chiều dòng chảy. Công trình nằm cách TP.HCM khoảng 65 km về phía đông bắc, đảm bảo cấp nước cho khu vực Đông Nam Bộ.

Nguồn: [Link nguồn]

Vụ Rầm rộ khoét núi, phá rừng tìm vàng: Điều tra, xử lý nếu có tiếp tay, bảo kê

Các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị khẳng định sẽ kiên quyết triệt phá những nhóm đào vàng xâm hại rừng núi tại địa phương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm phóng viên ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN