Ì ạch cứu hộ tàu hỏa

Hàng trăm cán bộ ngành giao thông được huy động cứu hộ nhưng sau hơn 1 ngày vẫn chưa thể giải tỏa hiện trường vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng.

Vào 17 giờ 15 phút ngày 10/7, đoàn tàu LP5 chạy hướng Hà Nội - Hải Phòng đến đường ngang phòng vệ thuộc xã Lạc Hồng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã đâm vào xe container, đầu kéo BKS 16K-0021. Hậu quả, xe container và 3 toa tàu bị lật, đầu tàu bị đổ quay ngang, làm ách tắc giao thông nhiều giờ. Đến 17 giờ ngày 11/7, ông Phạm Văn Bình - Trưởng Ban An toàn giao thông (ATGT) đường sắt - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - cho biết các cơ quan chức năng vẫn đang khẩn trương cứu hộ.

Cứu hộ chậm do đâu?

Ngay sau khi tai nạn xảy ra, tổ công tác trên tàu đã phối hợp với Ban ATGT tỉnh Hải Dương, lực lượng công an đưa người bị thương đi cấp cứu, bảo vệ hiện trường, phân luồng giao thông. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã điều động khoảng 100 cán bộ, nhân viên đến hiện trường cứu hộ. Hiện các hành khách đã nhận lại hành lý và được vận chuyển an toàn.

Lực lượng cứu hộ đã cắt rời 3 toa tàu, xe đầu kéo container và rơ-moóc ra khỏi khu vực tai nạn. Tuy nhiên, một phần đầu tàu nặng 86 tấn vẫn nằm trên đường ray. Ngành đường sắt đã điều 1 cần cẩu 100 tấn và 2 cần cầu đường bộ 80 tấn từ Hà Nội xuống kéo tàu lửa ra khỏi hiện trường nhưng không thành công. Do vậy, ngành đường sắt phải thuê tiếp 1 cần cẩu 135 tấn ở TP Hải Phòng nhưng đến chiều tối 11/7 vẫn chưa thể giải tỏa hiện trường. “Thiết bị cứu hộ của mình đầu tư nhiều thì không có tiền, đầu tư ít thì như vậy đấy!” - ông Bình nói.

Ì ạch cứu hộ tàu hỏa - 1

Đến chiều tối 11/7, các lực lượng chức năng vẫn chưa giải tỏa được hiện trường vụ tai nạn giữa đoàn tàu LP5 và xe container BKS16K-0021. Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Tại cuộc họp khẩn diễn ra sáng 11/7, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã nghiêm khắc phê bình các đơn vị liên quan. “Dù không xảy ra thiệt hại về người nhưng đây là vụ tai nạn hết sức nghiêm trọng; thể hiện sự yếu kém, phản ứng chậm trong khắc phục sự cố và tai nạn giao thông đường sắt” - ông Thăng nói.

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn thảm khốc

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Vụ Kết cấu hạ tầng và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương rà soát lại toàn bộ đường ngang; bổ sung các điều kiện an toàn như thiết bị cảnh báo tự động hoặc đường ngang có người gác, làm đường gom hoặc đóng các đường ngang. Đồng thời phân định rõ trách nhiệm của ngành đường sắt và địa phương trong việc quản lý đường ngang. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phải khẩn trương củng cố, nâng cao năng lực Trung tâm Ứng phó cứu hộ, cứu nạn đường sắt và tổ chức tập huấn, diễn tập ứng phó sự cố cho nhân viên cứu hộ để phản ứng nhanh nhất khi có tai nạn.

Theo ông Phạm Văn Bình, dọc tuyến Quốc lộ 5 (Hà Nội - Hải Phòng) có rất nhiều đường ngang giao cắt với đường sắt. Từ năm 2010-2011, ngành đường sắt đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đề nghị phân loại, cắm biển quy định các loại xe nào thì cho băng qua đường sắt, được băng qua chỗ nào, chỗ nào thì cấm,… “Có những vụ tai nạn, lái xe nói khi điều khiển xe nằm giữa đường ray rồi mới nghe tín hiệu báo, còn tàu hỏa đang lao tới thì làm sao xoay xở kịp. Chúng tôi không tự cắm biển báo được vì việc đó thuộc về Tổng cục Đường bộ” - ông Bình phân trần.

Phải khởi tố vụ án

Ngay trong ngày 11/7, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ký văn bản đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT tỉnh Hải Dương và đơn vị liên quan mở cuộc điều tra về vụ tai nạn này. Theo ông Phạm Văn Bình, chắc chắc phải khởi tố vụ án vì thiệt hại tài sản rất lớn. Với 3 toa xe và đầu máy bị hư hỏng nặng, ước tính thiệt hại lên tới vài tỉ đồng. “Xác định ban đầu cho thấy lái xe container đã không dừng lại quan sát tàu hỏa trước khi điều khiển phương tiện băng qua đường ray dù tại khu vực này có biển báo với đầy đủ chỉ dẫn” - ông Bình nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Kha - Trọng Đức (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN