HN ngập: Nhân tạo chứ không phải thiên tai

Hầu hết các giải pháp chúng ta đang làm để giảm úng ngập cho Hà Nội là để sửa chữa việc quy hoạch sai lầm.

Đô thị hóa “bóp nghẹt” hồ, ao

Ngày 22/6, Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng tổ chức hội thảo quốc tế “Sử dụng bền vững hồ Hà Nội dựa vào cộng đồng trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu”. KTS Trần Huy Ánh - Giám đốc Cty HanoiData phân tích: “Diện tích thoát nước tự nhiên của Hà Nội ngày càng bị thu hẹp, trong vòng 50 năm qua có đến 80% số diện tích mặt nước của thủ đô bị lấp, trong khi mới có duy nhất trạm bơm Yên Sở là nơi bơm cưỡng bức thoát nước cho thành phố”.

Còn ông Nguyễn Công Thành - chuyên gia về quản lý nước - cho rằng, từ năm 1983 đến năm 1996, 1,7km2 diện tích ao hồ đã mất đi do quá trình đô thị hóa khiến cho việc ngập lụt là đương nhiên. Ngay sau đó, một học giả khác đã cung cấp thông tin về diện tích hồ ao của Hà Nội biến đổi qua 10 năm từ 1986 - 1996 thông qua ảnh vệ tinh cho thấy, 64% số diện tích mặt nước hồ, bán ngập đã bị mất đi. 

Từ thực trạng đô thị hóa “bóp nghẹt” hồ, ao kể trên, ông Lưu Đức Cường - Giám đốc Viện Kiến trúc - Quy hoạch nông thôn - cho rằng: “Hiện tượng ngập úng mà Hà Nội đang phải gánh chịu là hậu quả của quy hoạch đô thị. Chính quyền đô thị là những người phải chịu trách nhiệm trước hết về hiện tượng ngập úng đó”.

HN ngập: Nhân tạo chứ không phải thiên tai - 1

Xây dựng, rác thải đã lấn chiếm, làm nghẹt dòng chảy của sông Nhuệ

Theo ông Cường, chính những sông, hồ, ao đã đem lại lợi thế cho Hà Nội trong việc chống ngập úng so với các tỉnh, thành khác như TPHCM hay các địa phương ven biển, gần các hồ, đập lớn. Tuy nhiên, cách ứng xử của con người ở Hà Nội lại hoàn toàn không coi trọng tài sản quý giá đó. Ông Cường kết luận: “Chúng ta đang ăn dần diện tích mặt nước. Đô thị hóa quá nhanh đi kèm với hiện tượng bêtông hóa diện tích bề mặt, không đủ diện tích để thẩm thấu nước. Hệ thống thoát nước đã quá tải, hệ thống này một khi đã xây dựng thì rất khó cải tạo trong khi lượng mưa ngày một tăng”.

Sửa sai bằng cách nào?

Ông Võ Thanh Sơn - Giám đốc TT Nghiên cứu TNMT ĐHQGHN - cho rằng: “Biến đổi khí hậu chỉ làm cho tình trạng trầm trọng thêm chứ không phải nguyên nhân chính của tình trạng úng ngập”. Còn ông Lưu Đức Cường thẳng thắn: “Cần nhìn nhận hậu quả Hà Nội đang phải hứng chịu là nhân tai chứ không phải thiên tai. Để sửa sai, theo tôi cần học tập TPHCM trong việc lập không gian điều tiết nước, hay còn gọi là quy hoạch hồ điều hòa”.

KTS Trần Huy Ánh cho rằng, dự án thoát nước TP.Hà Nội đang làm sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn nếu không hướng đến nguồn gốc của hệ thống thoát nước Hà Nội. Cụ thể, cho dù làm các hệ thống cống mới nhưng các hệ thống này vẫn đổ ra các con sông như sông Tô Lịch, Kim Ngưu... nghĩa là dựa vào dòng chảy tự nhiên, sau đó lại phải nhờ các trạm bơm để thoát. Hiện Hà Nội mới có duy nhất trạm bơm Yên Sở đảm nhận công việc bơm cưỡng bức để chống úng ngập cho nội đô.

Theo ông Ánh, các hồ hiện tại của Hà Nội là nơi tích trữ nước, nhưng cần phải tích hợp các bài toán quy hoạch đô thị hoặc làm thêm các giếng chìm, bơm cưỡng bức ngay tại chỗ để giải tỏa ngập úng nhanh.

Một biện pháp quan trọng được các chuyên gia, nhà khoa học bàn thảo là cần kêu gọi sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ hồ, ao. Trong đó, điều trước tiên cần làm là tổ chức lại bộ máy quản lý hồ, ao hay nói rõ hơn là làm rõ chủ sở hữu hồ để giao công cụ tài chính và trách nhiệm quản lý, sử dụng hồ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vinh Hải (Lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN