HN chặt hàng trăm cây cổ thụ: "Tốt nhất là chuyển cây đi"
"Chuyển cây đi mất thêm kinh phí nhưng vẫn là cách tốt nhất, đặc biệt là với các cây cổ thụ lớn", nguyên Thứ trưởng Bộ Xây Dựng Trần Ngọc Chính nêu quan điểm.
Để phục vụ cho những dự án đường sắt trên cao tại Hà Nội, thời gian qua, hàng trăm cây cổ thụ đã bị đốn hạ tại các con đường Nguyễn Trãi, đường Láng. Sắp tới, hơn 30 cây cổ thụ từ dốc Voi Phục đến đoạn rạp chiếu phim Ngọc Khánh, gần ngã tư Liễu Giai – Nguyễn Chí Thanh cũng sẽ bị đốn hạ.
Để phục vụ cho những dự án đường sắt trên cao tại Hà Nội, thời gian qua, hàng trăm cây cổ thụ đã bị đốn hạ (Ảnh: Minh Đức)
Hàng cây cổ thụ mang lại không gian xanh hiếm hoi này ở Hà Nội sẽ chỉ còn trong hoài niệm của người dân Thủ đô. Những bình luận, chia sẻ hình ảnh tràn ngập trên cộng đồng mạng những ngày qua thể hiện sự tiếc nuối về hàng cây trên đường Nguyễn Trãi, Láng. Ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch - Phát triển Đô thị Việt Nam có một số quan điểm về vấn đề này.
Nên chuyển thay vì chặt cây
Xin ông cho biết về mật độ cây xanh ở các thành phố như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh?
Nguyên Thứ trưởng Xây dựng Trần Ngọc Chính |
Trong quy hoạch đô thị, người ta phải tính toán mật độ. Ví như mật độ giao thông là bao nhiêu phần trăm, mật độ cây xanh bao nhiêu m2/đầu người. Hiện nay Đà Lạt và các thành phố ở trung du miền núi thì đạt được chỉ tiêu nhưng Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang… thì vấn đề cây xanh còn kém.
Cụ thể là kém như thế nào, thưa ông?
Mật độ của cây xanh phải 10 - 15 m2/đầu người nhưng những thành phố này mới đạt được 4 - 5 m2/đầu người. Vừa qua hệ thống đường sắt trên cao khiến Hà Nội phải cắt bỏ đi hàng cây ở nhiều tuyến phố. Giao thông trên cao ảnh hưởng tới cây xanh, vậy phải tìm cách để giải quyết giao thông tốt nhưng cây xanh phải đảm bảo.
Tất nhiên nếu cần hi sinh cây xanh để thực hiện các công trình hạ tầng mà không còn phương án nào cả thì chúng ta phải chấp nhận. Như đường Kim Mã, nếu làm bên kia đường thì phải di chuyển nhà dân, di chuyển nhà dân thì khó hơn là chặt bỏ cây xanh hoặc chuyển cây xanh đó tới một nơi khác.
Theo ông, bỏ cây xanh có phải là một sự “hi sinh” lớn?
Bỏ cây xanh là sự hi sinh môi trường lớn vì nó đóng góp rất lớn cho cuộc sống đô thị. Nhưng hi sinh thì phải bù đắp lại chứ không thể hi sinh không. Nếu hi sinh vì lợi ích tốt hơn thì vẫn phải làm.
Các nước khác có chọn phương án hi sinh như vậy không?
Nước nào cũng thế. Hệ thống cây xanh mà ảnh hưởng đến một chương trình giao thông thì cần đốn hạ. Khi ấy người ta vẫn làm và có cách để bù đắp lại.
Họ bù đắp lại trong bao lâu?
Họ bù đắp lại trong một thời gian, tùy sự sinh trưởng của từng loại cây. Nhưng tốt nhất là nên đào cây xanh để đưa tới nơi khác, nhất là đối với các cây cổ thụ. Nước ta cũng có thể làm như thế được.
Nhưng tại sao vừa qua TPHCM và Hà Nội chặt bỏ rất nhiều cây thay vì chuyển tới nơi khác, thưa ông?
Có thể do cách làm của riêng dự án này, có thể vì kinh tế nên tùy từng điều kiện dự án. Tuy nhiên, chuyển cây đi dù mất thêm kinh phí nhưng vẫn là phương án tốt nhất, đặc biệt là các cây cổ thụ lớn, nên chuyển đi thì tốt hơn.
Hàng cây cổ thụ trên đường Kim Mã sẽ chỉ còn lại trong hoài niệm của người dân Thủ đô
Sẽ khác nếu nghiên cứu kỹ
Ông đánh giá như thế nào về một số quy hoạch gần đây, có những quy hoạch từ đường thẳng sang đường cong, hay chặt bỏ cây xanh vì các công trình xây dựng?
Quy hoạch phải nghiên cứu sâu, tốt, không nên để tới lúc thi hành các dự án rồi thấy bất cập mới điều chỉnh. Chuyện đó vẫn có nhưng chất lượng của quy hoạch quyết định thành bại của dự án. Nếu quy hoạch không tốt, khi làm dự án thì vướng nhiều chuyện như đền bù, giải tỏa, bị dân kiện… thì lại có thay đổi. Trước khi làm thì phải tiếp xúc với dân, giải tỏa như thế nào… Phải nghiên cứu tốt, tư vấn tốt, thăm dò tốt, lấy ý kiến của địa phương nên khi thực hiện thì vướng.
Cộng đồng khá bất ngờ trước việc đốn hạ cây xanh. Phải chăng công tác thăm dò, tư vấn chưa tốt?
Chuyện cây xanh cũng là vấn đề về tư vấn, thăm dò.
Nếu được nghiên cứu kỹ hơn, thăm dò kỹ hơn, dự án này sẽ khác, thưa ông?
Khi đi thi lái xe, có một câu hỏi rất hay là khi anh đang lái xe, phía trước không đi được nữa, một bên là xe bò, một bên là đống rơm, anh đâm vào chỗ nào. Nếu chọn đâm vào đống rơm thì không được điểm nào. Trong trường hợp đó thì phải dừng lại.
Cũng như vậy, một bên là chặt cây, một bên là không chặt. Thế là anh chọn bên chặt cây là không đúng. Anh phải xem lại xem có nên chặt hay không và chặt như thế nào?
Xin cảm ơn ông!