Hiểm họa rình rập ở đô thị Đà Lạt: Những cái chết được cảnh báo trước (bài 1)

Sự kiện: Tin nóng

Từ đầu mùa mưa tới nay, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã xảy ra 3 vụ sạt lở bờ taluy làm 5 người tử vong, một số người khác bị thương. Hàng loạt vụ xảy ra trong thời gian ngắn tước đi sinh mạng của nhiều người khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về công tác quy hoạch, cấp phép, giám sát hoạt động xây dựng trên thành phố có địa hình đồi núi chia cắt phức tạp này.

Thành phố Đà Lạt phải "gánh" quá nhiều mảng bê tông do hoạt động xây dựng, đô thị hóa quá nhanh trong khi lại thiếu những khoảng trống tự nhiên để cân bằng hệ sinh thái, điều tiết dòng chảy, lượng nước vào mùa mưa. Đà Lạt xuất hiện ngày càng nhiều công trình lớn được xây dựng treo leo ngay những nơi có nguy cơ gây sạt lở, trượt đất. Không hiếm để trông thấy những công trình taluy dài hàng chục mét, cao tới gần 10m, nằm chênh vênh ở những nơi có địa hình dốc mạnh, thậm chí gần như thẳng đứng, tập trung nhiều nhất ở các phường 3, 4, 7, 10, 11…

Phong trào kinh doanh bất động sản ở nơi có tầm nhìn đẹp, gần rừng thông, trên đỉnh các điểm cao những năm gần đây càng khiến cho nhiều khu vực ở Đà Lạt trở nên áp lực, quá tải nghiêm trọng. Hàng loạt công trình cao to đã hình thành dày đặc ngay tại những vị trí có sự chênh lệch mạnh về địa hình, chiếm ngự các khoảng trống, lấn át không gian tự nhiên dành cho công cộng, hệ thống thoát nước. Việc cấp phép cho xây dựng quá nhiều công trình cao lớn, chưa phù hợp với tải trọng nền đất thực tế của địa hình đã khiến nhiều khu vực của TP Đà Lạt trở thành những "cái bẫy chết người", nhất là vào mùa mưa.

Hiện trường vụ sập bờ taluy xảy ra ngày 29/6 tại TP Đà Lạt.

Hiện trường vụ sập bờ taluy xảy ra ngày 29/6 tại TP Đà Lạt.

Những ngày qua, gia đình bà Tạ Thị Bé, đường Đặng Thái Thân, TP Đà Lạt phải sống trong nỗi thấp thỏm lo sợ bởi bờ taluy đá sát nhà bà đã có dấu hiệu rạn nứt, rỉ nước mạnh trong khi bên trên bờ taluy lại có một công trình lớn đang thi công. Điều này càng khiến cho nền đất tại khu vực tăng thêm tải trọng, nguy cơ dẫn tới sập đổ bờ taluy.

Mở đầu của năm 2023 là vụ sập bờ taluy đất xảy ra vào ngày 9/3 trên đường Ngô Thì Sỹ, TP Đà Lạt. Ông Ngô Văn Giang (quê tỉnh Thanh Hóa) đang dọn dẹp công trình xây dựng móng nhà thì bất ngờ bờ taluy đất kề đó sập đổ ập xuống, vùi lấp hoàn toàn khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Hay chiều 17/6 vừa qua, hai công nhân đang thi công mở rộng đường đèo Prenn, TP Đà Lạt, trong lúc đang làm việc thì bờ taluy đất cao khoảng 3m sập đổ, đè lên người anh Phạm Minh Đức (SN 1993, quê huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) và ông Nguyễn Hồng Phi (SN 1968, trú tại phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh) khiến cả 2 tử vong.

Một ngày sau (18/6), trong lúc cả gia đình anh Nghiêm Đình Quang (SN 1983, ngụ xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc) đang ngủ cũng bị một bờ taluy bằng đá cao khoảng 8m từ phía sau đổ ập xuống. Hậu quả, hai người con của vợ chồng anh Quang nằm ngoài cùng văng ra xa nên thoát chết. Vợ anh Quang bị kẹt giữa hai vách bê tông, được lực lượng Cảnh sát PCCC - CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng đóng trên địa bàn kịp thời giải cứu thành công. Riêng anh Quang, bị nguyên bờ taluy đá đè lên người dẫn tới tử vong tại chỗ.

Trước đó, cuối mùa mưa năm 2021, một bờ taluy đá được xây dựng tại nơi có địa hình chênh lệch hàng chục mét ngay tại vòng xoay Trần Hưng Đạo - Khe Sanh, TP Đà Lạt cũng đã bất ngờ sập đổ. Vị trí xảy ra sự cố có chiều dài khoảng 30m, kéo theo một lượng đất đá trượt thẳng xuống thung lũng sâu, dài khoảng 100m. Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người nhưng đe dọa trực tiếp tới 7 căn nhà có mặt tiền đường Khe Sanh, TP Đà Lạt, gây chòi móng 3 căn nhà.

Để bảo bảo an toàn, UBND TP Đà Lạt đã chi 44,8 tỷ đồng để triển khai công tác chống sạt lở tại khu vực này. "Hàng loạt vụ sập bờ taluy lẽ ra phải là lời cảnh tính sâu sắc, giúp các cơ quan chuyên môn chấn chỉnh công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng để ngăn chặn, hạn chế những sự việc đáng tiếc xảy ra. Thế nhưng, lâu nay các cơ quan chức năng đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của nó!...", ông Nguyễn Văn Hải, một kỹ sư xây dựng tại TP Đà Lạt cho biết.

"Mất bò mới lo làm chuồng", đó là nhận định của nhiều người khi nói về những công tác được triển khai sau khi xảy ra vụ sạt lở bờ taluy kinh hoàng xảy ra tại hẻm 36, đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt vào rạng sáng 29/6 vừa qua khiến 2 công nhân thiệt mạng, 5 người khác bị thương, làm hư hỏng, sập đổ hoàn toàn 3 căn biệt thự kề đó. Tính chất sự việc nghiêm trọng tới mức Thủ tướng Chính phủ phải ra công điện chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng khẩn trương khắc phục hậu quả, điều tra, xác định nguyên nhân, đồng thời xử lý nghiêm các sai phạm.

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết, nguyên nhân dẫn tới việc sạt lở hàng loạt bờ taluy, tại tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là TP Đà Lạt là do chủ đầu tư khi xây dựng các hạng mục công trình chưa tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Sở xác định nguyên nhân chủ yếu do yếu tố kỹ thuật, không đảm bảo các giải pháp an toàn khi thi công. Bên cạnh đó, nhu cầu xây dựng của người dân phục vụ sinh hoạt ngày càng nhiều, khi các khu vực bằng phẳng đã xây dựng kín, bây giờ đến các triền dốc. Với địa hình đặc thù như Đà Lạt, gần như nhà nào cũng có taluy, tùy vị trí mà taluy dài hay ngắn, cao hay thấp. Do đó, chuyện an toàn công trình phải được chủ đầu tư quan tâm, cơ quan cấp phép xây dựng cũng phải kiểm tra, thẩm định hết sức thận trọng.

Nguồn: [Link nguồn]

Tháo dỡ ta luy không phép ở Lâm Đồng, phạt chủ đầu tư 45 triệu đồng

Ngoài việc bị xử phạt 45 triệu đồng, chủ đầu tư công trình ta luy cao sừng sững bị buộc phải tháo dỡ công trình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khắc Lịch ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN