Hào Anh bị bắt: Sai lầm từ cách tiêu xài?

"Hào Anh đã dùng hơn 600 triệu mua nhà, rồi mua xe máy, tiêu xài..., giờ thì hết sạch. Cách tiêu tiền của Hào Anh hoàn toàn bản năng".

Nguyễn Hào Anh được biết đến từ hơn 5 năm trước đây (tháng 4.2010), khi em 14 tuổi, được giải cứu khỏi trại tôm giống Minh Đức (huyện Đầm Dơi, Cà Mau). Hào Anh bị vợ chồng chủ trại tôm giống và người giúp việc nhiều lần hành hạ bằng cách ép uống nước tiểu, dùng kìm kẹp môi, đũa than nóng chích vào người...

Sau đó, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ Hào Anh với số tiền trên 800 triệu đồng. Đến năm 18 tuổi được nhận đủ số tiền, Hào Anh mua đất, cất nhà, tiêu xài hết, rồi có những ứng xử không đúng với người thân như đuổi mẹ ruột, cha dượng ra khỏi nhà của mình mua...

Ngày 6.7, Công an huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng xác nhận Hào Anh bị bắt giữ về tội “trộm cắp tài sản”.

Vậy vì sao một đứa trẻ được hỗ trợ số tiền lớn, nay lại vướng vào vòng pháp luật vì trộm cắp? Phóng viên có cuộc trò chuyện với bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên Thường vụ thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Không biết cách tiêu tiền

Theo bà, nguyên nhân nào Hào Anh - có tuổi thơ bị hành hạ - được sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm tới trên 800 triệu đồng, nhưng nay đã tiêu xài hết và vướng vào vụ việc trộm cắp?

- Hào Anh trải qua tuổi thơ bất hạnh, từ nhỏ đi làm thuê ở đầm tôm, bị ông, bà chủ bạo hành. Em cũng không có được sự giáo dục, rèn luyện thường xuyên từ nhà trường và gia đình.

Sau đó, Hào Anh nhận được số tiền lớn từ các nhà hảo tâm. Đó là tấm lòng đáng quý của các nhà tài trợ. Nhưng tiếc rằng, gia đình, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội tại địa phương chưa có sự quan tâm giúp Hào Anh sử dụng đồng tiền đó hợp lý.

Đối với trẻ em còn non nớt, khi cầm một số tiền lớn nhưng không có ràng buộc, giám sát, nên dễ trở thành "con dao hai lưỡi".
 

Hào Anh bị bắt: Sai lầm từ cách tiêu xài? - 1

Bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên Thường vụ thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Cách tiêu khoản tiền hỗ trợ một cách nhanh chóng của Hào Anh làm bà suy nghĩ gì?

- Trong số trên 800 triệu đồng được hỗ trợ, Hào Anh đã dùng hơn 600 triệu mua nhà, rồi mua xe máy, tiêu xài..., đến giờ thì hết sạch. Cách tiêu tiền của em hoàn toàn bản năng, theo ý thích. Điều đó cho thấy, em không có kiến thức, kỹ năng tiêu tiền.

Đúng là bỗng chốc có số tiền lớn đôi khi dễ trở thành "con dao hai lưỡi", làm hư người được tiền. Tiêu xài mãi cuối cùng cũng hết. Nhưng bản thân quen tiêu xài, giờ không biết cách làm ra và nảy sinh ra ăn cắp.

Qua việc trên cho thấy, cần thiết giáo dục kỹ năng sử dụng tiền cho trẻ để các em biết cách tiêu tiền, sử dụng tiền.  

Bà có nhận xét gì về cách gia đình giáo dục trẻ em ứng xử với đồng tiền hiện nay?

- Phần lớn mọi người trong xã hội Việt Nam quan niệm sai lầm về hai việc trẻ em cần tránh xa, đó là tiền và kiến thức tình dục. Đó là quan niệm sai lầm.

Các bậc cha mẹ nên giáo dục cho các em hiểu về giá trị tiền bạc, hiểu được sự khó khăn để làm ra đồng tiền. Cha mẹ nên dạy con cách ứng xử với đồng tiền như thế nào, khi nào nhận tiền, khi nào không, khi nào được phép tiêu, kế hoạch chi tiêu thế nào...

Do vậy, nên giáo dục cho các em biết sớm giá trị của đồng tiền. Những năm vừa qua, chúng tôi triển khai dự án giáo dục tài chính ở một số trường phổ thông tại Hà Nội và TP.HCM cho học sinh hiểu giá trị đồng tiền và biết cách sử dụng, quản lý hiệu quả.

Vậy, có nên đưa môn học về cách quản lý tiền vào trong trường học không, thưa bà?

- Nên đưa vào chương trình giáo dục phổ thông, tốt nhất cho trẻ em học từ cấp 1. Tuy nhiên đưa vào như thế nào tùy vào các nhà giáo dục nghiên cứu, sao cho phù hợp lứa tuổi, kiến thức của các em.

Bài học sử dụng tiền từ vụ Hào Anh

Như bà vừa nói về Hào Anh, trẻ còn non nớt, khi cầm một số tiền lớn nhưng không có ràng buộc, giám sát, nên dễ trở thành "con dao hai lưỡi". Nhưng năm 18 tuổi Hào Anh mới được nhận đủ số tiền, lúc đó cậu ấy đã đủ tuổi công dân?

- Đừng nghĩ đủ 18 tuổi - tuổi công dân mà trao toàn bộ số tiền ủng hộ để em tiêu phung phí, cuối cùng thành "con dao hai lưỡi". Hệ quả từ sự việc Hào Anh đã rõ.

Các nhà tài trợ nên có điều kiện ràng buộc để chính quyền sở tại giám sát, giám hộ, đưa ra tiêu chí tiêu tiền. Cụ thể, nơi tiếp nhận bảo trợ trước khi trao tiền cho người khó khăn, nên mời gia đình và các nhà tài trợ cùng ngồi thương thuyết và đưa ra quy chế tiêu tiền.

Ví dụ, chính quyền chọn hội phụ nữ, đoàn thanh niên để giám sát tài sản được ủng hộ và giúp em sử dụng số tiền đó. Các tổ chức này không được xâm phạm số tiền, nhưng có quyền từ chối nếu em không đưa ra mục đích chi tiêu chính đáng.

Nếu Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam được giao bảo trợ, chúng tôi cũng đưa ra điều khoản chi tiêu với các gia đình, giám sát, hướng dẫn chi tiêu cho họ. Đồng thời, thông tin ngược trở lại để các nhà tài trợ luôn biết tiền từ thiện của mình đang được sử dụng như thế nào.

Như vậy, các nhà tài trợ không đưa thẳng tiền mặt cho các em, thay vào đó chuyển qua một trung tâm bảo trợ (có chuyên môn nghiệp vụ) hoặc chính quyền để họ có cơ chế giám sát, có người hướng dẫn cách sử dụng tiền cho người khó khăn?

- Nên phải như vậy. Giúp một trẻ em là cả một quá trình lâu dài chứ không thể "ngày một ngày hai" hay cho tiền là xong.

Ví dụ nếu giúp một ca mổ tim, chỉ cần bác sĩ phẫu thuật xong là em bé sống. Nhưng, để một đứa trẻ thành người cần cả một quá trình. Do vậy, phải có một tổ chức đứng ra giám sát, kiểm soát hướng dẫn chi tiêu.  

Đôi khi từ thiện không chỉ cứ cho là được.

Xin cảm ơn bà!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Thọ (thực hiện) ([Tên nguồn])
Vụ tra tấn dã man bé Hào Anh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN